Ngày 25/3, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết nước này ủng hộ hai thỏa thuận ngừng bắn với Nga được công bố cùng ngày, bao gồm việc ngừng sử dụng vũ lực trên Biển Đen và ngừng tấn công các cơ sở hạ tầng năng lượng.
![]() |
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov (phải, phía trước), Ngoại trưởng Andrii Sybiha (trái) tại cuộc đàm phán ở Jeddah, Ả-rập Xê-út, ngày 11/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, ông Umerov nhấn mạnh tới việc cần có nước thứ ba để giám sát việc thực thi các thỏa thuận này.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cũng khẳng định sẽ coi bất kỳ động thái triển khai tàu hải quân nào của Nga vượt quá khu vực phía Đông Biển Đen là vi phạm tinh thần của các thỏa thuận và Kiev có quyền tự vệ trước hành động này.
Liên quan tới vấn đề thực thi lệnh ngừng bắn, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngày cho biết nước này và Mỹ đã nhất trí để "bên thứ ba" như Thổ Nhĩ Kỳ giám sát một số khía cạnh của thỏa thuận ngừng bắn trong tương lai giữa Nga và Ukraine.
Phát biểu họp báo tại thủ đô Kiev, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh: "Đó không phải là ý kiến tồi, chẳng hạn như một nước châu Âu hoặc Thổ Nhĩ Kỳ có thể tham gia vào tình hình trên biển, và có thể một nước Trung Đông nào đó trong lĩnh vực năng lượng".
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Ukraine cũng cho rằng cần làm rõ tại hội nghị thượng đỉnh về Ukraine sắp tới ở Paris (Pháp) về việc những quốc gia nào sẽ đóng góp lực lượng để giám sát các thỏa thuận hòa bình tại Ukraine.
Theo Tổng thống Ukraine, thỏa thuận ngừng bắn liên quan khu vực Biển Đen và cơ sở hạ tầng năng lượng có hiệu lực ngay lập tức từ ngày 25/3. Ông đồng thời khẳng định nếu Nga vi phạm thỏa thuận ngừng bắn thì Ukraine sẽ yêu cầu được viện trợ thêm vũ khí và các nước cần tăng cường trừng phạt Nga.
Cũng trong ngày 25/3, Điện Kremlin xác nhận Nga và Mỹ đã nhất trí đảm bảo thực thi sáng kiến Biển Đen. Thông báo nêu rõ: "Theo thỏa thuận giữa Tổng thống Nga và Mỹ, hai bên đã nhất trí đảm bảo thực thi sáng kiến Biển Đen, bao gồm đảm bảo an toàn hàng hải ở Biển Đen, không sử dụng vũ lực và ngăn chặn việc sử dụng tàu thương mại cho mục đích quân sự, đồng thời tổ chức các biện pháp kiểm soát thích hợp thông qua việc kiểm tra các tàu này".
Trong diễn biến khác, theo hãng tin RIA Novosti, Điện Kremlin ngày 25/3 cho biết Nga và Mỹ đã thống nhất danh sách các cơ sở của Nga và Ukraine nằm trong diện hạn chế tấn công theo thỏa thuận đạt được sau cuộc đàm phán giữa Washington và Moscow tại Ả-rập Xê-út.
Trong thông báo trên ứng dụng Telegram, Điện Kremlin nêu rõ: "Danh sách các cơ sở của Nga và Ukraine đã được hai bên Nga - Mỹ thống nhất, thuộc diện tạm cấm tấn công vào hệ thống năng lượng gồm: nhà máy lọc dầu, đường ống dẫn dầu, khí đốt và các cơ sở lưu trữ, bao gồm các trạm bơm, cơ sở hạ tầng phát và truyền tải điện như nhà máy điện, trạm biến áp, máy biến áp và hệ thống phân phối, nhà máy điện hạt nhân, đập thủy điện".
Cũng trong ngày 25/3, Nga khẳng định các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với các công ty tham gia xuất khẩu và vận chuyển lương thực, phân bón của nước này phải được dỡ bỏ như một điều kiện tiên quyết cho thỏa thuận an ninh hàng hải trên Biển Đen.
Điện Kremlin cho biết việc thực hiện thỏa thuận sẽ đòi hỏi phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với ngân hàng phục vụ các công ty nông nghiệp Rosselkhozbank của Nga và khôi phục quyền truy cập của ngân hàng này vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Điện Kremlin cũng nêu rõ lệnh trừng phạt đối với các nhà xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga, các công ty bảo hiểm phục vụ vận chuyển lương thực và phân bón, các hạn chế về tàu thuyền và hoạt động tài trợ thương mại cũng sẽ phải được dỡ bỏ.
Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Rosselkhozbank là nguyên nhân khiến Nga rút khỏi Sáng kiến Biển Đen trước đó vào năm 2023.
Mặc dù hoạt động xuất khẩu lương thực của Nga vẫn tiếp cận được thị trường toàn cầu song các công ty thương mại vẫn phàn nàn về vấn đề thanh toán quốc tế và hạn chế đối với tàu thuyền.
Nga dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 40 triệu tấn lúa mì ra thị trường toàn cầu trong mùa vụ này, chủ yếu tới các khách hàng truyền thống ở Trung Đông như Ai Cập, và đặt mục tiêu tăng tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản lên 50% vào năm 2030.
Trong diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Nga ngày 25/3 tuyên bố việc chuyển giao nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya hoặc giao quyền kiểm soát nhà máy này cho Ukraine hay bất kỳ quốc gia nào khác là điều không thể thực hiện được.
Theo bộ này, việc nhà máy Zaporizhzhya trở về ngành công nghiệp hạt nhân của Nga là "sự thật đã tồn tại từ lâu". Bên cạnh đó, Moscow cũng bác khả năng vận hành chung nhà máy này với bất kỳ quốc gia hay tổ chức quốc tế nào khác.
Tuyên bố cũng nêu rõ do sự hợp tác chặt chẽ giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ukraine nên việc tạm thời cho phép đại diện của NATO tiếp cận nhà máy Zaporizhzhya là điều bất khả thi.