Mỹ - Ukraine sẽ thảo luận về khung thỏa thuận hòa bình và lệnh ngừng bắn với Nga

Ngày 6/3, Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff cho biết giới chức Mỹ và Ukraine sẽ có cuộc gặp vào tuần tới tại Ả-rập Xê-út thảo luận về khung thỏa thuận hòa bình và lệnh ngừng bắn với Nga.

Quân nhân Ukraine nã pháo tự hành 2S7 Pion tại vùng Donetsk về phía mặt trận Nga. Ảnh: Reuters/TTXVN
Quân nhân Ukraine nã pháo tự hành 2S7 Pion tại vùng Donetsk về phía mặt trận Nga. Ảnh: Reuters/TTXVN

Phát biểu với báo giới, ông Witkoff nêu rõ: "Chúng tôi đang thảo luận để điều phối một cuộc gặp với phía Ukraine tại Riyadh, hoặc có thể là tại Jeddah. Địa điểm vẫn đang được cân nhắc, nhưng chắc chắn sẽ diễn ra tại Ả-rập Xê-út. Tôi nghĩ chương trình nghị sự sẽ là đạt được một khung thỏa thuận hòa bình và cả lệnh ngừng bắn sơ bộ".

Quan chức này cũng cho biết Tổng thống Donald Trump đã đánh giá cao bức thư của người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky gửi tới ông sau màn tranh cãi tại Nhà Trắng hồi cuối tháng trước. Ông Trump cảm thấy bức thư này là bước khởi đầu rất tích cực.

Trước đó cùng ngày, kênh tin tức Axios đưa tin dự kiến cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 12/3 tới. Trong khi đó, Fox News đưa tin phái đoàn Mỹ sẽ khởi hành tới Riyadh vào ngày 11/3 để tham dự cuộc họp, với thành phần dự kiến có Ngoại trưởng Marco Rubio, trong khi phía Ukraine có sự tham gia của ông Andriy Yermak, Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Trong diễn biến có liên quan, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ukraine cũng đều có kế hoạch tới Ả-rập Xê-út thời gian tới. Tổng thống Ukraine Zelensky thông báo sẽ thăm Ả-rập Xê-út ngày 10/3 tới và sẽ có cuộc gặp với Thái tử Mohammed Bin Salman.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Trump cùng ngày nói rằng có khả năng ông sẽ thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Ả-rập Xê-út để ký kết một thỏa thuận, trong đó cho phép Riyadh đầu tư hơn 1.000 tỉ USD trong 4 năm vào nền kinh tế Mỹ, bao gồm cả việc mua thiết bị quân sự.

Theo phóng viên TTXVN tại London, các quan chức châu Âu, cho biết Thủ tướng Anh Keir Starmer đã tập hợp khoảng 20 quốc gia quan tâm tới việc thành lập một “liên minh tự nguyện” nhằm triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine như một phần của giải pháp hậu chiến.

Anh và Pháp đang dẫn đầu các nỗ lực thành lập "liên minh tự nguyện", chuẩn bị triển khai quân đội để duy trì bất kỳ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Theo các quan chức của Anh, nhóm quốc gia trên, chủ yếu gồm các đối tác châu Âu và Khối thịnh vượng chung, trong tuần này đã tổ chức các cuộc hội đàm nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có các cuộc hội đàm về kế hoạch này và "nhu cầu đối với những bước đi mới, đáng kể" với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron bên lề Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels hôm 6/3, trong khi Thủ tướng Starmer và Tổng thống Macron sẽ hội đàm riêng trong ngày 7/3 sau các cuộc thảo luận tại Brussels.

Úc, Ireland, Luxembourg, Bỉ và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẵn sàng tham gia triển khai quân đội ở Ukraine. Còn Canada, Đan Mạch và Thụy Điển cũng không loại trừ khả năng tham gia. Bộ trưởng Quốc phòng các nước này sẽ nhóm họp tại Paris vào tuần tới để tiếp tục thảo luận. Nhiều nguồn tin cho biết không phải tất cả các nước tham gia hội đàm đều cam kết cung cấp nhân lực, nhưng muốn đóng vai trò thúc đẩy hòa bình ở Ukraine.

Các quan chức Ukraine có thể sẽ thảo luận về chiến lược trên của châu Âu khi tổ chức các cuộc hòa đàm với các đối tác của Mỹ tại Ả-rập Xê-út vào tuần tới. Ông Starmer cũng được cho là đang hợp tác chặt chẽ với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen về kế hoạch này.

Tại Brussels, các nhà lãnh đạo EU đã thống nhất ủng hộ ông Zelensky sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đình chỉ việc viện trợ vũ khí và chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine. Tuyên bố do 26 quốc gia EU ký, trừ Hungary, khẳng định sự ủng hộ "bền vững" đối với Ukraine.

Theo phóng viên TTXVN tại London, ngày 6/3, Bộ trưởng Quốc phòng John Healey tuyên bố Anh sẽ trang bị cho Ukraine thiết bị tấn công không người lái (drone). Tuyên bố trên được đưa ra khi ông Healey đang có chuyến thăm Anduril UK, một công ty liên doanh Anh - Mỹ chuyên sản xuất loại thiết bị này tại Washington DC.

Theo bản hợp đồng cung cấp thiết bị trị giá 30 triệu bảng (38,7 triệu USD) với Chính phủ Anh và được Quỹ quốc tế hỗ trợ Ukraine hậu thuẫn, công ty Anduril UK sẽ cung cấp cho phía Ukraine các loại đạn lơ lửng gồm Altius 600m và Altius 700m.

Về bản chất, đây là hai loại drone mang đầu đạn, được thiết kế để giám sát một khu vực trước khi thực hiện cuộc tấn công “tự sát” nhằm vào mục tiêu xâm nhập khu vực đó.

Quyết định của Anh được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định ngừng viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine. Tuy nhiên, theo các nguồn tin quốc phòng, việc Chính phủ Anh và công ty công nghiệp quốc phòng tại Mỹ ký hợp đồng vũ khí để Anh cung cấp cho Ukraine cho thấy Mỹ vẫn đang giúp đỡ Ukraine.

Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết nước này đã cung cấp hơn 10.000 drone cho Lực lượng vũ trang Ukraine và số thiết bị bay không người lái này đã chứng minh được tầm quan trọng trên chiến trường.

Ông Healey khẳng định với khoản cho vay 2,26 tỉ bảng từ số tài sản bị đóng băng của Nga, cùng với thỏa thuận cung cấp tên lửa phòng không trị giá 1,6 tỉ bảng được công bố cho Ukraine vào tuần trước, Anh đang tiếp tục thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc đảm bảo một nền hòa bình lâu dài cho Ukraine.

Thông tin từ ông Healey cũng cho biết quân đội Ukraine sẽ nhận được thiết bị bay không người lái, bệ phóng và phụ tùng thay thế trong những tháng tới. Quỹ quốc tế hỗ trợ Ukraine do Anh quản lý hiện có hơn 1,3 tỉ bảng tiền cam kết từ 10 quốc gia khác, trong đó Anh đã đóng góp 500 triệu bảng.

Thông báo trên được công bố trước khi Bộ trưởng Healey có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Pete Hegseth tại Lầu Năm góc vào chiều 6/3. Dự kiến, đảm bảo hòa bình lâu dài ở Ukraine và củng cố mối quan hệ giữa các đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình họp của hai Bộ trưởng này.

Cùng ngày, Thủ tướng Na Uy, ông Jonas Gahr Store thông báo nước này tăng gấp đôi viện trợ cho Ukraine vào năm 2025, thêm 50 tỉ kroner (4,5 tỉ USD), nâng tổng số tiền viện trợ hằng năm lên 7,8 tỉ USD. Ông Store cho biết: "Viện trợ của Na Uy sẽ giúp củng cố kế hoạch hòa bình mà các nước châu Âu đang thực hiện".

Thủ tướng Store nhấn mạnh Na Uy "phối hợp với châu Âu để tăng cường hỗ trợ cho Ukraine."

Chính phủ cho biết khoản viện trợ tăng thêm đã được các đảng phái chính trị trong quốc hội nhất trí. Tổng số viện trợ được cam kết cho đến năm 2030 hiện sẽ lên tới khoảng 205 tỉ kroner.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Ý kiến của bạn