Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 6/3, Ai Cập khẳng định sẵn sàng tổ chức hội nghị quốc tế về tái thiết Gaza, có sự phối hợp với Palestine và LHQ, nhằm huy động nguồn tài chính cần thiết để thực hiện kế hoạch của các nước Ả-rập nhằm phục hồi sớm, tái thiết và phát triển Gaza.
![]() |
Người tị nạn Palestine tại TP Jenin, Bờ Tây. Ảnh: THX/TTXVN |
Thông báo này được đưa ra trong một số cuộc họp do Bộ Ngoại giao Ai Cập tổ chức với các đại sứ nước ngoài, đại diện các tổ chức quốc tế, phóng viên nước ngoài và phương tiện truyền thông quốc tế.
Các cuộc họp này là một phần trong nỗ lực của Cairo nhằm thúc đẩy kế hoạch tái thiết Gaza của các nước Ả-rập được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên đoàn Ả-rập (AL) tại Cairo ngày 5/3.
Hội nghị thượng đỉnh này đã công bố kế hoạch toàn diện gồm ba giai đoạn nhằm khôi phục Dải Gaza, đồng thời đảm bảo người Palestine vẫn ở lại trên vùng đất lịch sử của mình và bác bỏ mọi nỗ lực nhằm di dời họ.
Theo Bộ Ngoại giao Ai Cập, kế hoạch tái thiết Gaza của các nước Ả-rập kêu gọi thành lập một ủy ban kỹ trị phi đảng phái của Palestine để quản lý Gaza, phác thảo những thiệt hại to lớn ở dải đất đang bị phong tỏa ven Địa Trung Hải, cũng như nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải cung cấp cứu trợ nhân đạo cho người dân tại đây.
Kế hoạch cũng bao gồm việc dọn dẹp 50 triệu tấn đổ nát, xử lý vật liệu chưa nổ, cung cấp nhà ở tạm thời, xây dựng khoảng 460.000 nhà ở cố định và khôi phục các dịch vụ và cơ sở thiết yếu.
Các cuộc họp do Ai Cập tổ chức cũng đề cập đến các biện pháp an ninh tại Gaza, bao gồm tăng cường các chương trình đào tạo cho lực lượng cảnh sát Palestine và nâng cao năng lực của họ, cũng như cho phép Chính quyền Palestine thiết lập lại quyền quản lý Dải Gaza.
Đề xuất tái thiết Gaza này đóng vai trò là phản ứng thống nhất của người Ả-rập đối với kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm tiếp quản Dải Gaza và di dời người dân Palestine khỏi vùng đất lịch sử của mình tới Ai Cập, Jordan và các nước Ả-rập và Hồi giáo khác.
Trong diễn biến khác, truyền thông Israel ngày 6/3 đưa tin cảnh sát nước này có kế hoạch triển khai khoảng 3.000 nhân viên trên khắp Jerusalem khi người dân ở thành cổ này chuẩn bị cho lễ cầu nguyện thứ 6 đầu tiên của tháng lễ Ramadan tại khu phức hợp Đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa (Israel gọi là Núi Đền).
Cảnh sát Israel cho biết sẽ triển khai lực lượng tại các trạm kiểm soát xung quanh Jerusalem, khu vực Đông Jerusalem và bên trong thành cổ vào ngày 7/3. Mục đích là nhằm ngăn chặn các hành vi lợi dụng tháng lễ Ramadan để kích động, gây rối hoặc tiến hành tấn công bạo lực.
Ngoài ra, cảnh sát Israel cũng khuyến cáo người dân sử dụng các tuyến đường thay thế, do một số tuyến giao thông chính gần thành cổ sẽ bị phong tỏa từ 6h00-15h30 ngày 7/3 theo giờ địa phương.
Trước đó, truyền thông Israel cũng đưa tin các cơ quan an ninh có kế hoạch hạn chế tiếp cận Jerusalem và chỉ cho phép tối đa 10.000 người Palestine từ Bờ Tây tới tham dự lễ cầu nguyện thứ 6. Những tù nhân Palestine mới được thả theo thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza sẽ không được phép vào.
Khu đền Al-Aqsa/Núi Đền nằm ở Đông Jerusalem-vùng lãnh thổ Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 và sáp nhập sau đó. Khu vực này là tâm điểm của nhiều làn sóng bạo lực giữa người Israel và người Hồi giáo trong khu vực.
Cùng ngày 6/3, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết không quân nước này và Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận quân sự chung với sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược. Theo thông báo của IDF, trong cuộc tập trận, các máy bay chiến đấu F-35I và F-15I của Israel đã phối hợp cùng máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52 của Mỹ.
Cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến giữa hai lực lượng, qua đó nâng cao năng lực ứng phó với các mối đe dọa trong khu vực. IDF nhấn mạnh cuộc tập trận sẽ giúp củng cố và duy trì hợp tác lâu dài giữa hai bên, mở rộng khả năng kết nối cũng như tăng cường khả năng hiệp đồng tác chiến trong nhiều kịch bản khác nhau.
IDF nêu rõ quan hệ đồng minh chiến lược giữa Israel và Mỹ ngày càng bền chặt và sẽ tiếp tục phát triển theo thời gian.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh tình hình Trung Đông vẫn diễn biến phức tạp. Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hamas ở Dải Gaza ký ngày 19/1 đã hết giai đoạn 1 và chưa có triển vọng cho giai đoạn tiếp theo.
Trong giai đoạn 1 của thỏa thuận kéo dài 6 tuần, Hamas đã thả hàng chục con tin Israel để đổi lấy tự do cho hàng trăm tù nhân Palestine bị chính quyền Tel Aviv giam giữ, cùng hàng hóa viện trợ lớn hơn vào Dải Gaza.
Hiện tại, Israel muốn kéo dài giai đoạn 1 của thỏa thuận nhưng Hamas muốn tiến đến giai đoạn 2, bao gồm đàm phán về một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, quân đội Israel rút toàn bộ khỏi Gaza và quá trình tái thiết được bắt đầu.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 5/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Dải Gaza sẽ tiếp tục hứng chịu thêm tổn thất nếu Hamas không thả tất cả các con tin Israel còn lại. Bên cạnh đó, ông cũng ra “tối hậu thư” yêu cầu các thủ lĩnh Hamas phải rời khỏi vùng lãnh thổ ven Địa Trung Hải này.
Trước đó, cùng ngày, Nhà Trắng cho biết các quan chức Mỹ đã có các cuộc đàm phán trực tiếp với Hamas, song từ chối cung cấp thông tin chi tiết về nội dung đàm phán.