Chỉ từ mâu thuẫn vụn vặt trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, không ít người đã để cảm xúc lấn át lý trí, dẫn đến hành vi bạo lực. Hậu quả không chỉ gây thương tích mà còn đoạt cả mạng sống của người khác.
Thực tế cho thấy, nhiều vụ án mạng đau lòng bắt nguồn từ những xích mích nhỏ nhặt, nhưng lại bị đẩy lên thành bi kịch bởi sự thiếu kiềm chế.
![]() |
Một phiên xử liên quan đến án giết người tại TAND tỉnh. Ảnh: THIỆN sƠN |
Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn
Công an xã Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) vừa bàn giao Huỳnh Minh Sang (35 tuổi, trú TP Tuy Hòa) cho Công an tỉnh Phú Yên thụ lý, tiếp tục điều tra vụ án giết người xảy ra tại TP Tuy Hòa vào năm 2018.
Theo nội dung vụ án, ngày 28/4/2018, Sang đến uống cà phê tại một quán ở TP Tuy Hòa thì gặp Lê Thanh Phúc (SN 1990), Lương Thế Duy (SN 1986, cùng ngụ TP Tuy Hòa) và Tuấn (chưa rõ lai lịch) cự cãi với hai thanh niên. Sang liền cùng ba người bạn nói trên tham gia dùng ly, đá, dao tấn công một trong hai thanh niên. Trong đó, Phúc là người trực tiếp dùng dao đâm khiến nạn nhân ngã xuống đường. Sang cũng tham gia dùng ly thủy tinh ném trúng nạn nhân và dùng chân đá khi nạn nhân đã nằm dưới đường. Kết quả giám định pháp y, nạn nhân bị thương tích 56%.
Sau khi gây án, Sang chở Tuấn về nhà, rồi vào các tỉnh, thành phố phía Nam sinh sống, làm thuê nhiều nơi, không liên lạc với gia đình. Sau khi xác định Sang đã lẩn trốn, tháng 1/2025 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã ra quyết định truy nã đặc biệt đối với Sang sau khi khởi tố Sang tội giết người. Đồng thời tách riêng vụ án ra đối với Sang và Tuấn khi truy bắt được.
Ngày 18/4, TAND tỉnh đã mở phiên sơ thẩm tuyên phạt Phúc 8 năm tù, Duy 3 năm tù cùng về tội giết người. Đến ngày 13/5, biết mình bị truy nã, Sang đã đến Công an xã Mỹ Quý Tây đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội.
Một vụ án khác, chỉ vì từ chối lời nhờ vả trong lúc đang nhậu, Nguyễn Tấn Thành (25 tuổi) đã mâu thuẫn với người hàng xóm của mình và gây ra án mạng.
Theo hồ sơ vụ án, vào lúc 13 giờ 30 ngày 25/7/2023, tại nhà riêng của mình, trong lúc đang uống bia với bạn, Nguyễn Tấn Thành xảy ra mâu thuẫn với ông L.V.T do từ chối chở ông này đi có việc riêng. Bị ông T đạp vào mặt, Thành tức giận lấy dao đâm một nhát vào vùng hông trái của nạn nhân. Cú đâm trúng tim khiến ông T tử vong trên đường đi cấp cứu.
Sau khi sự việc xảy ra, Thành mang theo hung khí đến công an địa phương đầu thú.
Tại tòa, Thành bị tuyên phạt 12 năm tù về tội giết người. Bên cạnh án phạt tù, tòa còn buộc bị cáo bồi thường 191 triệu đồng cho thân nhân người bị hại; đồng thời phải cấp dưỡng hằng tháng cho hai người con của nạn nhân (một người bị khuyết tật và một người chưa đủ 18 tuổi) với mức 2 triệu đồng/người/tháng.
Giữ bình tĩnh để tránh bi kịch
Hai vụ án giết người trên đây là minh chứng đau lòng cho những trường hợp chuyện bé xé ra to. Những vụ án tương tự không hề hiếm, khi mà chỉ một câu nói, một cái nhìn thiếu thiện cảm cũng có thể thổi bùng lên bi kịch. Hậu quả của những hành vi bạo lực là nạn nhân phải chịu thương tật, thậm chí mất mạng, để lại nỗi đau dai dẳng cho người thân. Về phía người gây án, ngoài bản án nghiêm khắc của pháp luật, họ còn phải mang theo sự dằn vặt, ân hận.
Cùng nhìn nhận vấn đề dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hương Quê (Đoàn Luật sư Phú Yên) cho rằng, chỉ một hành động thiếu kiềm chế, hậu quả pháp lý có thể là hàng chục năm tù, thậm chí là án tử hình. Trong khi đó, nếu biết kiềm chế, lùi một bước, bi kịch đã không xảy ra.
Những vụ án đau lòng từ mâu thuẫn nhỏ nhặt là hồi chuông cảnh tỉnh về sự cần thiết phải kiểm soát cảm xúc, hành xử văn minh trong cuộc sống. Một phút nông nổi có thể gây ra những mất mát không gì bù đắp, hậu quả người bị thương tật cả đời hoặc mất mạng, kẻ vào tù, gia đình tan nát. Vì vậy, thay vì phản ứng bằng bạo lực, mỗi người cần học cách kiềm chế, giải quyết bất đồng bằng sự bình tĩnh và thấu hiểu.
Các chuyên gia tâm lý cũng nhấn mạnh vai trò của việc quản lý cảm xúc, nhất là trong môi trường gia đình và cộng đồng. Những mâu thuẫn nhỏ cần được giải quyết bằng đối thoại, sự bình tĩnh và lắng nghe, thay vì phản ứng bằng bạo lực; cần tăng cường kỹ năng giải quyết xung đột, đặc biệt trong các khu dân cư, nơi thường phát sinh va chạm trong đời sống hằng ngày.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng kêu gọi người dân khi chứng kiến các mâu thuẫn có nguy cơ xung đột thì nên can thiệp, báo chính quyền địa phương hoặc lực lượng chức năng để ngăn chặn sớm. Trong đó, vai trò của công an xã, tổ hòa giải và cộng đồng rất quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự từ cơ sở nói chung, những trường hợp như trên nói riêng.
Những vụ án đau lòng từ mâu thuẫn nhỏ nhặt là hồi chuông cảnh tỉnh về sự cần thiết phải kiểm soát cảm xúc, hành xử văn minh trong cuộc sống. Một phút nông nổi có thể gây ra những mất mát không gì bù đắp, hậu quả người bị thương tật cả đời hoặc mất mạng, kẻ vào tù, gia đình tan nát. Vì vậy, thay vì phản ứng bằng bạo lực, mỗi người cần học cách kiềm chế, giải quyết bất đồng bằng sự bình tĩnh và thấu hiểu.