Trước thực tế các tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và hành chính ngày càng gia tăng, phức tạp, phương thức hòa giải, đối thoại tại tòa án ngày càng khẳng định vai trò quan trọng. Không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho Nhà nước và người dân, đây còn là cách giải quyết mâu thuẫn hiệu quả, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết trong toàn dân.
![]() |
Hòa giải viên phân tích, thuyết phục đương sự trong quá trình hòa giải một vụ án dân sự. Ảnh: KHÁNH NGỌC |
Thời gian qua, TAND hai cấp tỉnh Phú Yên đã chủ động triển khai công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính và đạt nhiều kết quả tích cực.
Tìm tiếng nói chung
Không chỉ giúp giảm áp lực cho tòa án, hòa giải và đối thoại còn mở ra cơ hội để các bên tự tìm tiếng nói chung trong một quy trình rõ ràng, hiệu quả. Hiện nay, công tác này được thực hiện ở hai giai đoạn: trước khi thụ lý vụ án (tiền tố tụng) và sau khi đã thụ lý (tố tụng). Ở giai đoạn tiền tố tụng, hòa giải viên hỗ trợ các bên thỏa thuận mà không cần mở phiên tòa. Khi vụ việc đã được thụ lý, thẩm phán tiếp tục thực hiện hòa giải, đối thoại theo quy trình tố tụng. Trong không gian bình đẳng, tôn trọng, các bên được lắng nghe và trình bày quan điểm, dưới sự dẫn dắt của hòa giải viên và thẩm phán, mâu thuẫn không chỉ được tháo gỡ bằng lý lẽ pháp luật, mà còn bằng sự thấu hiểu, thiện chí và trách nhiệm xã hội.
Ông Lê Quốc Ly, Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết: Hoạt động hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án hay theo Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính có ý nghĩa rất quan trọng, giúp giải quyết tranh chấp hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức cho các bên, góp phần hạn chế khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó, hoạt động này còn giúp hàn gắn mâu thuẫn, duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các bên và nâng cao ý thức pháp luật cho người dân. Đặc biệt, trong các vụ án hôn nhân và gia đình, hòa giải thành công có thể cứu vãn hạnh phúc gia đình; còn với các trường hợp thuận tình ly hôn, giúp các bên thống nhất về quyền nuôi con, cấp dưỡng và chia tài sản một cách hợp lý.
Theo TAND tỉnh, từ ngày 1/10/2024-26/5/2025, TAND hai cấp đã hòa giải thành công 1.197 vụ việc; riêng tại TAND tỉnh có 11 vụ án, người khởi kiện đã tự nguyện rút đơn sau đối thoại. Kết quả này cho thấy nỗ lực của ngành Tòa án trong thúc đẩy phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại, góp phần đưa công lý đi vào đời sống một cách thiết thực và nhân văn.
Thời gian qua, trong bối cảnh số lượng án dân sự, hành chính ngày càng tăng, TAND hai cấp tỉnh Phú Yên đã tích cực triển khai hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết, xét xử các loại vụ việc. Cũng theo ông Lê Quốc Ly, việc đẩy mạnh hòa giải, đối thoại không chỉ góp phần xóa bỏ mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên, giảm tải cho hoạt động xét xử, mà còn giúp đương sự tìm được tiếng nói chung, hướng đến sự đồng thuận trong không khí ôn hòa, tôn trọng pháp luật.
Vai trò của người giữ nhịp đối thoại
Để mỗi phiên hòa giải, đối thoại đạt hiệu quả, vai trò của đội ngũ hòa giải viên và thẩm phán hết sức quan trọng. Họ không chỉ là người hướng dẫn pháp lý, mà còn là “người giữ nhịp” cho cuộc đối thoại, trung gian điều tiết cảm xúc, tạo dựng niềm tin để các bên mở lòng hợp tác.
Nhiều hòa giải viên được lựa chọn từ các luật sư, cán bộ tư pháp nghỉ hưu, người có uy tín trong cộng đồng, am hiểu pháp luật, có kỹ năng hòa giải, khéo léo trong cách ứng xử và có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn. Với những vụ việc nhạy cảm như tranh chấp đất đai giữa người thân, ly hôn, chia tài sản thì sự dày dạn kinh nghiệm của hòa giải viên là yếu tố then chốt để giúp các bên tìm được tiếng nói chung. Bên cạnh đó, đội ngũ thẩm phán chính là lực lượng nòng cốt tổ chức, theo dõi và hỗ trợ hoạt động hòa giải, đảm bảo quy trình được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định. Không ít thẩm phán đã dành nhiều thời gian để vận động, thuyết phục đương sự hòa giải thành công, từ đó giúp rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết vụ án.
Chia sẻ về công việc này, ông Trần Ngọc Quỳnh, hòa giải viên TAND TP Tuy Hòa cho hay: Hầu hết các vụ việc đưa ra tòa thường rất căng thẳng, nên hòa giải viên không chỉ cần am hiểu pháp luật, nghiệp vụ mà còn phải nắm bắt tâm lý, nguyên nhân mâu thuẫn để thuyết phục bằng lý lẽ và sự chân thành. Việc giải thích rõ quy định pháp luật, trình tự tố tụng và lợi ích của hòa giải sẽ giúp người dân chọn giải pháp phù hợp, tránh phải đưa vụ việc ra xét xử.
Phó Chánh án TAND tỉnh Lê Quốc Ly cho biết thời gian tới, TAND hai cấp Phú Yên tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị 02 ngày 14/3/2022 của Chánh án TAND tối cao về việc tăng cường công tác hòa giải, đối thoại để nâng cao hiệu quả giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính. Bên cạnh việc chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên và thẩm phán, tòa án hai cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của hòa giải, đối thoại đến người dân. “Chúng tôi xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giải quyết mâu thuẫn từ gốc, tăng tính đồng thuận trong xã hội và giảm áp lực cho hoạt động xét xử”, ông Ly nhấn mạnh.