Cảnh giác trước những chiêu trò chiếm đoạt tài khoản ngân hàng

Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, các hoạt động tài chính, mua sắm, thanh toán qua mạng trở nên phổ biến, tiện lợi. Tuy nhiên, mặt trái của sự tiện lợi ấy là hàng loạt nguy cơ bị tội phạm công nghệ lợi dụng để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của người dùng. Những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, đánh vào tâm lý chủ quan, thiếu cảnh giác của nạn nhân.

Với nhiều phương thức khác nhau, mục tiêu của các đối tượng lừa đảo là chiếm đoạt tài sản qua việc đánh cắp thông tin cá nhân và truy cập trái phép vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân.

Cảnh giác trước những chiêu trò chiếm đoạt tài khoản ngân hàng. Ảnh internet
Cảnh giác trước những chiêu trò chiếm đoạt tài khoản ngân hàng. Ảnh internet

Lắm chiêu trò, thủ đoạn

Thủ đoạn đơn giản nhất nhưng đang được sử dụng phổ biến là dán đè mã QR giả tại các điểm thanh toán, cửa hàng, quán ăn. Các mã QR này dẫn đến các website giả mạo hoặc chứa mã độc. Khi người dùng quét mã và làm theo hướng dẫn, thông tin cá nhân, thiết bị hoặc tài khoản ngân hàng có thể bị kiểm soát từ xa.

Một hình thức lừa đảo khác tinh vi hơn là gửi các gói hàng bất ngờ đến nhà nạn nhân kèm theo lời mời tham gia khuyến mãi hấp dẫn. Gần đây, chị N.M.H (trú TP Tuy Hòa) bất ngờ nhận được một kiện hàng dù chị không hề đặt mua. Điều đáng nói là trong gói hàng có kèm theo thông tin người nhận hoàn toàn chính xác, từ tên, địa chỉ đến số điện thoại. “Bên trong còn có giấy mời tham gia chương trình khuyến mãi với phần thưởng lớn. Muốn nhận, tôi phải quét mã QR đính kèm để đăng ký thông tin. Cảm thấy nghi ngờ, tôi đã không làm theo, vì nếu quét mã và truy cập đường link lạ, rất có thể tôi sẽ bị lừa”, chị H cho biết.

Còn với chị N.T.M (trú huyện Tây Hòa), thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng lại khác. Chị M cho biết vài ngày trước chị bất ngờ nhận được một loạt tin nhắn từ một số điện thoại lạ, xưng là của đơn vị giao hàng mà chị thường sử dụng. Nội dung tin nhắn cho biết có một kiện hàng của chị đang bị giữ lại do sai thông tin người nhận, yêu cầu chị nhanh chóng truy cập vào đường link kèm theo để cập nhật địa chỉ giao hàng, nếu không hàng sẽ bị hoàn về kho và tính phí lưu kho mỗi ngày. Chị M chia sẻ, ban đầu chị cũng hơi lo vì mình hay đặt hàng online. Nhưng khi kiểm tra lại ứng dụng chính thức của bên vận chuyển, chị không thấy đơn hàng nào của mình đang bị kẹt hay có thông báo như vậy cả. Linh cảm có điều bất thường, chị không bấm vào đường link trong tin nhắn. Sau đó, chị gọi lên tổng đài thì được xác nhận không có đơn hàng nào trùng với mã vận đơn mà tin nhắn gửi đến. Điều này cho thấy các tin nhắn chị M nhận được là giả mạo. Theo chị M, nếu khi đó vội vàng làm theo hướng dẫn và nhập thông tin cá nhân, rất có thể chị đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo...

Theo cơ quan chức năng, việc các đối tượng lừa đảo nắm được đầy đủ thông tin cá nhân của nạn nhân cho thấy dữ liệu người dùng đã bị thu thập và rò rỉ ở đâu đó, trước khi được sử dụng để giăng bẫy.

Trong bối cảnh tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi, việc chủ động bảo vệ tài khoản ngân hàng và thông tin cá nhân không chỉ là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết đối với mỗi người dân. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, chính sự tỉnh táo và thói quen sử dụng công nghệ an toàn của người dân sẽ là cách hữu hiệu nhất để ngăn chặn các chiêu trò lừa đảo, bảo vệ tài sản và dữ liệu cá nhân trong thời đại số.

Hiện nay, tội phạm công nghệ cao ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của người dân. Chúng thường giả danh cơ quan chức năng, yêu cầu nạn nhân cài đặt ứng dụng độc hại có giao diện tương tự “Cổng dịch vụ công quốc gia”, từ đó chiếm quyền kiểm soát thiết bị và thực hiện giao dịch trái phép. Một chiêu trò khác là gửi tin nhắn giả mạo từ ngân hàng hoặc nền tảng dịch vụ trực tuyến với nội dung cảnh báo lỗi thanh toán, yêu cầu xác minh thông tin qua đường link lạ. Khi người dùng truy cập, thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng có thể bị đánh cắp. Ngoài ra, việc dán mã QR giả tại quán ăn, cửa hàng hay điểm thanh toán cũng là chiêu thức được các đối tượng sử dụng để phát tán mã độc…

Nâng cao cảnh giác

Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không cài đặt ứng dụng từ nguồn không rõ ràng, chỉ tải từ các kho chính thức như Google Play hoặc App Store. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP hay mật khẩu cho người lạ qua điện thoại hoặc mạng xã hội. Người dùng khi nhận được link lạ cần kiểm tra kỹ tên miền.

Ông Phạm Trung Thành (Ban Công nghệ - Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia) khuyến cáo: “Khi nhận được đường link, trước hết chúng ta phải kiểm tra nội dung, tên miền chính của đường link. Tên của các doanh nghiệp lớn thường bắt đầu bằng ký tự "https", nếu không phải những ký tự như vậy thì có thể là tên miền giả mạo”.

Theo các chuyên gia, người dùng cũng nên hạn chế sử dụng wifi công cộng để thực hiện các giao dịch tài chính nhằm tránh bị đánh cắp dữ liệu. Nếu gặp các cuộc gọi, tin nhắn lạ yêu cầu cung cấp thông tin, hãy chủ động xác minh với ngân hàng hoặc cơ quan chức năng. Quan trọng nhất, mỗi người cần nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ thông tin cá nhân và báo ngay cho cơ quan công an hoặc ngân hàng nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ để được hỗ trợ kịp thời.

MINH NHÂN

Ý kiến của bạn