Kinh tế tập thể phát huy thế mạnh sẵn sàng sáp nhập

Thành viên đông, hoạt động có tính cộng đồng cao… là những thế mạnh của các HTX thành phần nòng cốt của kinh tế tập thể tỉnh. Khi được phát huy đúng hướng, đây sẽ là tiềm năng để các HTX dễ dàng hòa nhập sau sáp nhập và khẳng định được vai trò của mình trong phát triển KT-XH địa phương.

Liên minh HTX Việt Nam từng hỗ trợ trang thiết bị giúp thành viên HTX Muối Tuyết Diêm nâng cao kỹ thuật sản xuất muối sạch. Ảnh: MINH DUYÊN

Tăng liên kết dịch vụ

So với các tỉnh vùng Tây Nguyên, các HTX của tỉnh có số thành viên đông. Đây là một lợi thế giúp HTX huy động vốn góp, triển khai các dịch vụ liên kết. Theo Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh có 2 liên hiệp HTX, 183 HTX đang hoạt động với tổng số thành viên 112.220 người. Những thành viên này đã góp vốn nâng vốn điều lệ hiện có lên 295,7 tỉ đồng. Các dịch vụ triển khai tại HTX chủ yếu là dịch vụ phục vụ thành viên. Thành viên là khách hàng nên với số lượng đông đồng nghĩa với việc khả năng tự tiêu thụ trong HTX cũng tăng lên.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) là một trong những HTX có số lượng thành viên đông nhất hiện nay với hơn 6.000 thành viên. HTX triển khai nhiều dịch vụ, gồm dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; cho vay thành viên; sản xuất và tiêu thụ lúa giống, lúa chất lượng cao… Trên 90% khách hàng của HTX là thành viên. Theo ông Phan Văn Thuận, Giám đốc HTX này, thành viên gắn bó với HTX không chỉ bởi yếu tố địa hình mà còn bởi những quyền lợi được thụ hưởng. Điển hình như được chia lãi vốn góp, chia lợi nhuận khi sử dụng dịch vụ của HTX. Chính sự gắn bó này đã tạo ra khả năng tiêu thụ nội bộ và tồn tại sự kết nối cung cầu trong HTX.

Số lượng thành viên đông, phạm vi quản lý sản xuất rộng đang là lợi thế thu hút các đơn vị, doanh nghiệp muốn đồng hành để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến. Từ đây thắt chặt liên kết giữa HTX với HTX và mở rộng khả năng liên kết của HTX với doanh nghiệp, đơn vị sản xuất khác.

Kinh tế tập thể luôn hướng tới mục tiêu cùng cộng đồng phát triển thịnh vượng. Điều này được thể hiện thông qua sự đồng hành của các HTX trong phát triển sản xuất hộ gia đình và duy trì, phát triển làng nghề, vùng sản xuất. Từ đây, HTX góp phần cùng chính quyền thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, hướng tới nông thôn mới nâng cao. Liên minh HTX tỉnh luôn khuyến khích các HTX tiếp tục xây dựng thương hiệu trên nông sản địa phương qua Chương trình OCOP và nâng hạng sao với các sản phẩm đã đạt chứng nhận, trong đó đặc biệt khuyến khích các sản phẩm truyền thống là đặc thù của địa phương như lúa gạo, sen, muối, cá cơm, bánh tráng…

Ông Đặng Kim Ba, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh

Ông Nguyễn Dữ, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) cho biết: Để đủ nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm dầu đậu phộng, HTX đã liên kết với những HTX khác ở địa phương để tiêu thụ đậu phộng cho bà con. Sở dĩ HTX tìm tới các HTX thay vì các đơn vị cung ứng khác bởi HTX hiểu mô hình vận hành của HTX đó là khả năng tập hợp bà con cùng sản xuất. Khi ấy, HTX sẽ là đầu mối sản xuất cung ứng được sản lượng theo yêu cầu.

Còn theo bà Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hồng Đài Việt, sau khi khảo sát để triển khai mô hình trồng cây dược liệu xuất khẩu tại TP Tuy Hòa và TX Đông Hòa, chúng tôi mong muốn địa phương tạo điều kiện để hợp tác với đơn vị nào có thể tập hợp và gắn bó sản xuất lâu bền với bà con thay vì phải liên hệ từng hộ rồi tập hợp lại thành vùng sản xuất. Chúng tôi được địa phương giới thiệu tới các HTX và hiện mô hình trồng mè ở TX Đông Hòa đang được HTX triển khai tốt.

Làng muối Tuyết Diêm được quan tâm đầu tư theo hướng vừa duy trì sản xuất giữ gìn nghề truyền thống vừa là điểm du lịch trải nghiệm thu hút du khách. Ảnh: CTV
Làng muối Tuyết Diêm được quan tâm đầu tư theo hướng vừa duy trì sản xuất giữ gìn nghề truyền thống vừa là điểm du lịch trải nghiệm thu hút du khách. Ảnh: CTV

Cùng cộng đồng phát triển

Sự kết nối mang tính truyền thống của HTX với các làng nghề, vùng sản xuất gắn với quá trình từ quản lý sản xuất đến xây dựng và quản trị thương hiệu nông sản địa phương giúp các cá thể, hộ đơn lẻ có thêm cơ hội nâng cao sản xuất, tăng khả năng tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Chung, một hộ sản xuất muối tại làng nghề muối Tuyết Diêm, xã Xuân Bình (TX Sông Cầu) cho biết: Thông qua HTX, thành viên được nâng cao kỹ thuật cải tạo ruộng muối, cách làm muối trải bạt đúng quy trình, phương pháp bảo quản…; cùng với đó là hỗ trợ bạt nhựa trải ruộng, máy bơm, ống nước… Đặc biệt, hạt muối Tuyết Diêm được HTX, chính quyền địa phương và các đơn vị quan tâm xây dựng thương hiệu và quản trị sản phẩm trên thị trường nên việc tiêu thụ của bà con suốt thời gian qua cũng thuận lợi hơn.

HTX hoạt động hiệu quả đã và đang giúp giải quyết việc làm, ổn định đời sống kinh tế hộ thành viên. Theo Liên minh HTX tỉnh, các HTX đã hỗ trợ cho hơn 115.000 thành viên, người lao động có việc làm với thu nhập ổn định. Trong đó hỗ trợ 3.000 thành viên, người lao động có việc làm thường xuyên trong các tổ chức kinh tế tập thể, 370 cán bộ, người lao động được đóng BHXH, BHYT theo quy định.

MINH DUYÊN

Ý kiến của bạn