Kết quả sau 3 năm hợp tác phát triển du lịch giữa TP Tuy Hòa với 4 thành phố ở Tây Nguyên thể hiện rõ qua việc tạo cơ hội cho các sản phẩm thương mại từ vùng biển có mặt ở vùng miền núi. Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, thể thao được thúc đẩy giúp tăng sức hút hương vị đại dương xanh nơi đại ngàn. Không riêng TP Tuy Hòa, một số đô thị trong tỉnh như TX Đông Hòa, TX Sông Cầu, huyện Tây Hòa… cũng bắt đầu có sự kết nối theo trục Đông - Tây.
![]() |
Các sản phẩm OCOP của TP Tuy Hòa được giới thiệu tại TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: TRANG DIỄM |
Thiết lập hợp tác
Theo ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Buôn Ma Thuột, ngày 25/6/2022, tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), các thành phố gồm Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Kon Tum (tỉnh Kon Tum) và Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã ký biên bản ghi nhớ chương trình phát triển giữa 5 thành phố, mở đầu quá trình hợp tác giữa các địa phương. Theo đó, TP Tuy Hòa và các tỉnh Tây Nguyên đã và đang triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của vùng, góp phần đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát huy thế mạnh của 5 thành phố để hình thành và khai thác hiệu quả tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.
Còn ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết: Thời điểm bắt đầu hợp tác cũng là lúc tỉnh Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung bước vào giai đoạn bình thường mới sau đại dịch COVID-19. Với TP Tuy Hòa, đây là động thái thể hiện quyết tâm phục hồi kinh tế, ổn định đời sống người dân. Tuy Hòa chủ động tìm đến các bạn Tây Nguyên với mục đích thúc đẩy hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác; lấy việc đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch làm nền tảng, lấy tăng cường sự liên kết để tạo cơ hội quảng bá, xúc tiến đầu tư.
Tới hiện tại, sau 3 năm hợp tác, các thành phố đã đạt được mục tiêu ban đầu đề ra là hình thành mắt xích liên kết giữa các tỉnh Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ; phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có để tạo nên sự thay đổi căn bản. Bên cạnh đó, người dân được giao lưu, thụ hưởng sản phẩm văn hóa, tinh thần, ẩm thực riêng có của mỗi vùng. Cả năm thành phố cũng đang đứng trước thời điểm lịch sử là cuộc cách mạng sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới. Sự hợp tác giữa TP Tuy Hòa với các thành phố Tây Nguyên trở thành mối “lương duyên” đưa đại ngàn Tây Nguyên cùng vẻ đẹp đại dương xanh về chung một nhà. Những hợp tác này đang trở thành một trong những chất liệu tạo nên sự gắn kết bền chặt cho quá trình vươn mình phát triển trong tương lai.
Thúc đẩy giao thương
Gắn với phát triển du lịch là các hoạt động xúc tiến đầu tư, giao thương và kết nối doanh nghiệp thông qua chuỗi hoạt động hội chợ trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP, ẩm thực tiêu biểu; giao lưu văn nghệ, văn hóa truyền thống… Trong đó, sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương được chú trọng giới thiệu và được người dân, doanh nghiệp quan tâm.
Theo UBND TP Buôn Ma Thuột, hiện 5 thành phố có tổng cộng 264 sản phẩm OCOP 5 sao, 4 sao, 3 sao. Trong 3 năm qua, dù hoạt động được tổ chức ở thành phố nào thì địa phương đó cũng luôn ưu tiên gian hàng, khu vực cho giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP địa phương.
Điều đặc biệt, từ TP Tuy Hòa, quá trình kết nối với các đô thị Tây Nguyên đã mở rộng ra các địa phương trong tỉnh như TX Sông Cầu, TX Đông Hòa, huyện Tây Hòa… Theo UBND TX Đông Hòa, địa phương có 44 sản phẩm OCOP 3 sao. Để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm này, TX Đông Hòa tích cực tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2024, các sản phẩm OCOP của địa phương tham gia Hội chợ trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng năm 2024 tại TP Kon Tum và năm 2025 tại TP Buôn Ma Thuột.
Cả năm thành phố đang đứng trước thời điểm lịch sử là cuộc cách mạng sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới. Quá trình hợp tác giữa TP Tuy Hòa với các thành phố Tây Nguyên trở thành mối “lương duyên” đưa đại ngàn Tây Nguyên cùng vẻ đẹp đại dương xanh về chung một nhà. Những hợp tác này đang trở thành một trong những chất liệu tạo nên sự gắn kết bền chặt cho quá trình vươn mình phát triển trong tương lai.
Chị Ngô Thị Thoa, hộ bán hàng khô tại chợ trung tâm TP Buôn Ma Thuột chia sẻ: Ngày trước, những mặt hàng tôm khô, cá khô, nước mắm… tôi thường đặt mối từ TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu. Nay đi hội chợ thấy gian hàng của Phú Yên có rất nhiều sản phẩm khô biển với mẫu mã bao bì đẹp, chất lượng tươi ngon và giá hợp lý, tôi liền liên lạc với các hộ, đơn vị sản xuất để lấy hàng và bán lâu dài.
Ông Huỳnh Ngọc Oánh, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Tuy Hòa cho biết: Sự hợp tác này mang lại lợi ích cho cả các đô thị biển và các đô thị ở Tây Nguyên. Bởi một bên là sản phẩm rừng còn một bên là sản phẩm biển nên thu hút nhau và lượng cung - cầu từ cả hai phía đều lớn. Chỉ 3 năm hợp tác nhưng đã mang đến những điều thú vị độc đáo. Đó là khi đang ở biển Tuy Hòa vẫn có thể tận hưởng sâm Ngọc Linh, rượu vang, cà phê..., còn ở giữa núi rừng Tây Nguyên cũng vẫn thưởng thức được vị cá ngừ mù tạt tươi ngon, yến sào thanh mát...