Bất an trước vấn nạn hàng giả

Nhiều vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả bị lực lượng chức năng các tỉnh triệt phá trong thời gian gần đây đã làm người tiêu dùng lo lắng, bất an, mất niềm tin đối với thị trường hàng hóa. Người dân mong muốn các ngành chức năng rà soát, quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, chất lượng hàng hóa và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra cơ sở bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại huyện Tuy An. Ảnh: VÕ PH

Hàng giả tràn lan

Có thể nói chưa khi nào vấn nạn hàng giả gây xôn xao dư luận như hiện nay. Trước hết phải kể đến vụ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn TP Hà Nội. Tính từ thời gian sản xuất đến nay, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai…, thu về gần 500 tỉ đồng doanh thu.

Tiếp đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh. Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả mà công an tỉnh này thu giữ được là gần 10 tấn. Tính từ năm 2021 đến khi bị bắt, đường dây này đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, số tiền thu lời bất chính ước tính gần 200 tỉ đồng.     

Mới đây, Công an tỉnh Nghệ An phát hiện, triệt xóa đường dây sản xuất giá đỗ ngâm hóa chất, tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 4 đối tượng là chủ 4 cơ sở sản xuất giá đỗ về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Các lực lượng thu giữ gần 2.000 lu chứa giá đỗ các loại có tổng khối lượng khoảng 25 tấn, 25 lít dung dịch hóa chất “nước kẹo” (tên khoa học là chất 6-Benzylaminopurine) nguyên chất, 150 lít dung dịch đã pha chế để phục vụ việc sản xuất giá đỗ cùng một số tang vật liên quan khác. Cơ quan chức năng xác định, từ năm 2024 đến thời điểm bị bắt, các đối tượng đã sản xuất, bán ra thị trường 3.500 tấn giá đỗ thành phẩm có sử dụng “nước kẹo” ngâm, tưới giá đỗ.

Đây là những vụ vi phạm liên quan đến hàng giả có tính chất nghiêm trọng, bị phát hiện trong thời gian gần nhất, khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng, phẫn nộ; báo động về vấn nạn hàng hóa, thực phẩm giả đang ngày càng trở nên nhức nhối trong xã hội, tác động lớn đến thị trường và tâm lý người tiêu dùng. “Tôi thường xuyên đọc báo, xem truyền hình nên cập nhật được nhiều thông tin về hàng hóa. Khi mua hàng hóa, thực phẩm, tôi đều thận trọng, xem kỹ càng tem, nhãn mác, hạn sử dụng… để có thể tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Bản thân tôi nghĩ rằng, hiện vẫn có nhiều nguy cơ hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên thị trường, thế nhưng tôi thật sự bàng hoàng trước thông tin về những vụ hàng giả trong những ngày qua”, bà Lê Thị Xuân Hà ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) bộc bạch.

Không chỉ lo ngại sử dụng hàng giả ảnh hưởng sức khỏe, người tiêu dùng còn đặt ra vấn đề quản lý, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường hàng hóa… Ông Hoàng Văn Ý ở phường 9 (TP Tuy Hòa) lo lắng: Bây giờ mỗi khi có nhu cầu mua sắm, tôi đều lo ngại mua phải hàng giả. Cũng là người tiêu dùng nên tôi thật sự bất an và hoang mang vì nếu lực lượng chức năng không vào cuộc, các đối tượng vi phạm không bị xử lý mạnh tay thì có lẽ nhiều người dân vẫn “tiền mất tật mang” vì hàng giả. Vấn đề tôi quan tâm hiện nay là công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, chất lượng hàng hóa và biện pháp xử lý vi phạm.

Thuốc, sữa bột giả liên quan các vụ vi phạm bị lực lượng chức năng triệt phá. Ảnh: Internet
Thuốc, sữa bột giả liên quan các vụ vi phạm bị lực lượng chức năng triệt phá. Ảnh: Internet

Rà soát, xử lý nghiêm

Sau vụ triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có công điện gửi các bộ ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố, chỉ đạo về xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả. Tiếp đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành công điện hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, sở Công Thương địa phương về việc tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt đối với các sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Bộ Công Thương yêu cầu UBND các tỉnh, thành bám sát diễn biến của thị trường, kịp thời tổng hợp, báo cáo bộ này về tình hình biến động của thị trường hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân; chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn; thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.

Tại Phú Yên, lãnh đạo Sở Công Thương đã kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên đến các phòng chuyên môn, lực lượng quản lý thị trường; chỉ đạo phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát các nhóm mặt hàng liên quan và xử lý theo quy định nếu phát hiện sai phạm.

Liên quan đến vấn nạn hàng giả, bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh chia sẻ: Những năm qua, thị trường hàng hóa, thực phẩm phát triển ngày càng nhiều, đa dạng về chủng loại. Phương thức bán hàng cũng phát triển với nhiều cách thức, chiêu thức thông qua sự phát triển của công nghệ, thương mại điện tử. Các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh sử dụng hình thức quảng cáo, livestream để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Trong khi đó, người tiêu dùng khó có thể nhận biết hàng thật, hàng giả thông qua việc quảng cáo mập mờ trên các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok... Đa số chỉ mua hàng bằng niềm tin, bằng việc xem xét đơn giản qua hình thức bên ngoài…

Theo lực lượng quản lý thị trường, căn cứ nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công Thương, ngoài các hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung, yêu cầu khắc phục hậu quả…, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức. 

Chính vì vậy, khi xảy ra những hành vi gian dối, người tiêu dùng không khỏi bất an, mất niềm tin với chất lượng các loại hàng hóa, thực phẩm, thậm chí có tâm lý e dè khi mua, sử dụng. Từ đó có thể thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh, trao đổi hàng hóa cần có trách nhiệm cao của nhà cung cấp, cá nhân kinh doanh; đặc biệt cần có chế tài, biện pháp xử lý mạnh tay khi phát hiện sai phạm nhằm tạo tính răn đe. Đồng thời cần sự vào cuộc, quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật từ các ngành chức năng liên quan ngay sau khi cấp phép hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hướng vào sản xuất, kinh doanh bền vững - tiêu dùng trách nhiệm.

Bà Tô Thị Hòa cũng chia sẻ thêm: Trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội thông qua năm 2023 (có hiệu lực từ 1/7/2024) cũng có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng, hay quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; song người tiêu dùng vẫn còn tâm lý ngại khiếu nại, tố cáo khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại. Vì vậy trong thời gian đến, để được tư vấn, hỗ trợ về chính sách pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có thể liên hệ với sở Công Thương, hội Bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh để được hỗ trợ; hoặc liên hệ trực tiếp với Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương, qua các phương thức: email, điện thoại đường dây nóng, tổng đài tư vấn, hỗ trợ…

VÕ PHÊ

Ý kiến của bạn