Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 (từ ngày 15/4-15/5), vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng là mục tiêu quan trọng được các ngành chức năng, địa phương, doanh nghiệp, người dân quan tâm, nhằm hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tổ chức chiến dịch truyền thông
![]() |
Người dân huyện Đồng Xuân mua thực phẩm tươi sống tại chợ truyền thống. Ảnh: KHANG ANH |
Theo Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh, trong Tháng hành động vì ATTP năm nay, một chiến dịch truyền thông được tổ chức, lan tỏa các thông điệp về bảo đảm ATTP; phổ biến kiến thức phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, biểu dương các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, kỹ thuật đảm bảo ATTP, góp phần phát triển kinh tế…
Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, các ngành chức năng trên địa bàn cũng sẽ tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về ATTP gây hậu quả nghiêm trọng, với mục tiêu giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn…
Ông Trần Quốc Toàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để bảo đảm ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Sở Công Thương đã đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng hiểu đúng, thực hiện đúng Luật ATTP, Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP, các thông tư quy định đảm bảo ATTP và văn bản pháp luật liên quan. Sở Công Thương cũng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về ATTP bằng nhiều hình thức, trong đó có tuyên truyền trực tiếp, phát thanh, truyền hình, treo băng rôn, phát tờ rơi…
Tại TP Tuy Hòa, Sở Công Thương có phương án treo băng rôn tuyên truyền về ATTP tại trụ sở, chợ truyền thống và các tuyến đường với các nội dung như: “Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động vì ATTP 2025”, “Lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, an toàn là bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình”, “Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về nguồn gốc nguyên liệu, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm”…
Thanh, kiểm tra và công khai vi phạm
Cũng theo ông Trần Quốc Toàn, đơn vị đã đề nghị bộ phận chuyên môn các địa phương trong tỉnh tăng cường giám sát việc đảm bảo điều kiện về kiến thức và sức khỏe của người trực tiếp chế biến thực phẩm, điều kiện trong chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh, sử dụng thực phẩm và phụ gia thực phẩm; chủ động phối hợp tham mưu Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP của địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra liên ngành trong Tháng hành động vì ATTP.
Các đơn vị tập trung kiểm tra, giám sát ATTP có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thuộc ngành Công Thương quản lý, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định của pháp luật về ATTP.
Các địa phương phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý; đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát lưu thông, nhất là đối với thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu; kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm trái phép, chưa được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Các xã, phường, thị trấn cũng cần triển khai tốt công tác đảm bảo ATTP; chỉ đạo ban quản lý các chợ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các hộ kinh doanh, buôn bán thực phẩm tại chợ tuân thủ các quy định pháp luật về đảm bảo ATTP; kiểm soát nguồn hàng thực phẩm vào chợ, đảm bảo thực phẩm vào chợ có nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt là nguồn hàng thực phẩm gia súc, gia cầm phải có dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đề nghị lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo, nước uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng; hàng nhái, hàng kém chất lượng; xử lý nghiêm và công khai các trường hợp, hành vi vi phạm về ATTP.
Thông tin từ các địa phương cho biết, các phòng chuyên môn, trung tâm y tế các địa phương đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền trên loa phát thanh, cảnh báo nguy cơ ngộ độc, mất ATTP, hướng dẫn người dân lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn trong quá trình mua, sử dụng thực phẩm. Các đơn vị cũng đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, phối hợp với các ngành chức năng để kiểm tra hoạt động kinh doanh thực phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở; trong đó chú trọng các bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống ở các nhà hàng, quán ăn, kể cả thức ăn đường phố.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Hòa, đại diện Ban Quản lý chợ Tuy Hòa cho hay: Ban quản lý chợ đã chuyển tải các nội dung tuyên truyền, quy định về ATTP trên loa phát thanh của chợ để tiểu thương, người dân lưu ý, cập nhật thông tin. Ban quản lý cũng yêu cầu người dân thực hiện đúng quy định, lựa chọn, cung ứng thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng thực hiện công tác kiểm tra, tuyên truyền, tập huấn kiến thức về ATTP, giúp tiểu thương nâng cao ý thức trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng.