Cảnh giác với “ma trận” quảng cáo

Thương mại điện tử phát triển đã mở ra cơ hội cho nhiều người kinh doanh trực tuyến, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận nhiều sản phẩm, dịch vụ, phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Tuy nhiên, cũng không ít sản phẩm, dịch vụ giới thiệu trên các nền tảng mạng xã hội đã đưa người tiêu dùng vào “ma trận” của những quảng cáo thổi phồng, sai sự thật.

Vụ việc gây ồn ào trong những ngày qua liên quan đến nội dung quảng cáo kẹo rau củ Kera có hàm lượng chất xơ bằng một đĩa rau củ thu hút sự quan tâm của nhiều người là ví dụ của việc quảng cáo thổi phồng, sai sự thật. Một viên kẹo nhỏ bằng quả nhãn lại có thể chứa lượng chất xơ tương đương với một đĩa rau. Ai tin? Tuy nhiên, bằng sức hút của người nổi tiếng, đã có hơn 100.000 hộp sản phẩm kẹo Kera (hơn 3 triệu viên kẹo) được bán ra thị trường, chủ yếu qua các nền tảng thương mại trực tuyến.

Những người liên quan đến việc quảng cáo thổi phồng này đã bị cơ quan chức năng xử phạt, nhắc nhở cần chú ý hơn trong việc tuân thủ pháp luật quảng cáo, các quy định đưa thông tin trên mạng.

Không chỉ kẹo Kera, thời gian qua, có nhiều loại thực phẩm chức năng cũng được các diễn viên, ca sĩ nổi tiếng quảng cáo trên mạng xã hội, kèm theo là lời kiểm chứng của lương y, bác sĩ, như: chữa bệnh dứt điểm, cam kết không khỏi không lấy tiền, chỉ sau vài ngày đã giảm bệnh... Đơn cử trong số này là sản phẩm sữa hạt đặc trị gout Hoa Nhất. Sản phẩm này vốn chỉ là thực phẩm bổ sung, nhưng được nhiều nghệ sĩ quảng cáo như một loại thuốc đặc trị gout, khiến người bệnh lầm tưởng về hiệu quả thần kỳ của sản phẩm…

Đã từ lâu, cơ quan chức năng luôn cảnh báo đến người tiêu dùng về tình trạng quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng nhiều loại sản phẩm, dịch vụ nhan nhản trên các nền tảng mạng xã hội, nhất là thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung. Những hệ lụy của nó không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Ngoài sản phẩm kẹo Kera, có bao nhiêu sản phẩm, dịch vụ khác được quảng cáo thổi phồng sai sự thật từ những người nổi tiếng, đã bán đến tay người tiêu dùng?

Từ thực tế này, việc kiểm soát người bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử đang là thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước. Không chỉ dựa bóng người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ, hiện nay nhiều người bán hàng online trên các nền tảng xã hội nhưng ẩn danh, không công khai địa chỉ, dẫn đến tình trạng quảng cáo quá lố, bán hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng đang diễn ra phổ biến, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Đó là chưa kể nhiều cá nhân bán hàng online thu được tiền tỉ nhưng kê khai ít hoặc thậm chí trốn thuế, nhưng cơ quan quản lý thuế không tìm được địa chỉ, danh tính cụ thể.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo một số quy định về trách nhiệm của người bán trên nền tảng thương mại điện tử, trong đó có việc thực hiện định danh và xác thực điện tử trước khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ; cung cấp thông tin cho nền tảng số trung gian thương mại điện tử về tên thương nhân, địa chỉ, mã số định danh của thương nhân, tổ chức hoặc mã số thuế thu nhập cá nhân; công bố công khai điều kiện giao dịch chung, giá cả, vận chuyển và giao nhận, phương thức thanh toán... nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Không thể phủ nhận những tiện ích thương mại điện tử mang lại đối với cuộc sống xã hội hiện đại. Trước sự bùng nổ của thương mại điện tử, việc có những chế tài cụ thể nhằm đưa hoạt động này đúng quy định pháp luật là rất cần thiết. Người bán phải công khai tất cả thông tin để tạo niềm tin cho người mua; phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, sản phẩm bán ra; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các cá nhân, tổ chức kinh doanh nói chung. Người tiêu dùng cũng cần lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa, tìm đến các công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng, không để tiếp diễn tình trạng quảng cáo thổi phồng sai sự thật như lâu nay.

NGUYỄN QUANG

Ý kiến của bạn