Khi doanh nghiệp đầu tư kinh phí cho khoa học công nghệ

Thời gian qua, nhận thức việc đổi mới sáng tạo, đầu tư phát triển khoa học công nghệ chính là điều kiện để bứt phá, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, nhiều doanh nghiệp ở Phú Yên đã đầu tư kinh phí cho khoa học công nghệ, mua sắm thiết bị công nghệ tiên tiến, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường…

Cây xương rồng Nopad được Công ty CP Organic Nopal Việt Nam trồng ở phường Hòa Hiệp Trung (TX Đông Hòa). Ảnh: LỆ VĂN

Mạnh dạn đầu tư 

Mới đây, Sở KH&CN cấp giấy xác nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ KH-CN không sử dụng ngân sách nhà nước đối với nhiệm vụ “Nghiên cứu quy trình chiết xuất các hoạt chất sinh học từ cây xương rồng Nopal bằng phương pháp Enzyme và ứng dụng sản xuất một số sản phẩm mỹ phẩm” cho Công ty CP Orgnic Nopal Việt Nam (phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa).

Theo đó, danh mục kết quả hình thành từ nhiệm vụ KH-CN gồm: Quy trình chiết xuất các hoạt chất sinh học từ cây xương rồng Nopad bằng phương pháp Enzyme; các công thức bào chế sản phẩm mỹ phẩm: Serum face, Serum body, Serum tóc, kem dưỡng, kem chống nắng, dầu tắm và gội, sữa rửa mặt, kem xả tóc.

Theo TS Lê Xuân Sơn, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu quy trình chiết xuất các hoạt chất sinh học từ cây xương rồng Nopal bằng phương pháp Enzyme và ứng dụng sản xuất một số sản phẩm mỹ phẩm” được triển khai thực hiện từ năm 2022-2024, với tổng kinh phí gần 2 tỉ đồng do doanh nghiệp đầu tư. Mục đích nhằm phát triển các sản phẩm chăm sóc cá nhân có nguồn gốc tự nhiên từ nguyên liệu bản địa, đảm bảo tính an toàn và thân thiện, nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng tăng. Ngoài ra, nhiệm vụ KH-CN còn góp phần tạo ra cơ hội việc làm, xây dựng mô hình kinh tế sinh thái bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Trong đó, nhóm nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu và hoàn thiện các quy trình như: Khảo sát thành phần hoạt chất sinh học trong cây xương rồng Nopal tại 2 vùng trồng khác nhau tại Phú Yên; nghiên cứu quy trình công nghệ chiết xuất các hoạt chất Enzyme phù hợp để chiết xuất các hoạt chất sinh học từ cây xương rồng Nopal một cách hiệu quả nhất; nghiên cứu và phát triển công thức sản phẩm mỹ phẩm có chứa chiết xuất từ cây xương rồng Nopal và định hướng phát triển, thương mại hóa sản phẩm…

Theo bà Đào Phạm Hoàng Quyên, Giám đốc Sở KH&CN, nhiệm vụ “Nghiên cứu quy trình chiết xuất các hoạt chất sinh học từ cây xương rồng Nopal bằng phương pháp Enzyme và ứng dụng sản xuất một số sản phẩm mỹ phẩm” rất có giá trị khoa học và giá trị thực tiễn. Song song đó, nhiệm vụ này còn được xây dựng trên nền tảng khoa học vững chắc, tham chiếu các công trình quốc tế và trong nước có liên quan đến thành phần sinh học, hoạt tính sinh học và công nghệ chiết xuất Enzyme; kết hợp giữa lý thuyết, thực nghiệm và thử nghiệm. Đồng thời, nhiệm vụ đã góp phần bổ sung cơ sở dữ liệu về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của cây xương rồng Nopal tại Việt Nam, một nguồn nguyên liệu bản địa giàu tiềm năng nhưng ít được khai thác. Việc ứng dụng công nghệ chiết Enzyme kết hợp tối ưu hóa quy trình sản xuất thể hiện tư duy tiếp cận công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp xu thế phát triển xanh và bền vững của doanh nghiệp.

"“Nhiệm vụ đã hoàn thiện quy trình chiết xuất các hoạt chất sinh học từ cây xương rồng Nopal bằng phương pháp Enzyme” đạt hiệu quả cao và xây dựng được các công thức bào chế các sản phẩm mỹ phẩm thiên nhiên đa dạng có tính ổn định, an toàn và hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất và công bố hiện hành. Sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ về nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ và đăng ký bản quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả và được người tiêu dùng thử nghiệm đánh giá cao về khả năng dưỡng ẩm, chống oxy hóa, kháng viêm và an toàn cho da. Mặt khác, kết quả nghiên cứu không chỉ nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra sản phẩm độc đáo, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần giảm chi phí, bảo vệ môi trường và tạo việc làm cho người dân địa phương mà còn mang lại những đóng góp thiết thực cho KH-CN và KT-XH địa phương”, Giám đốc Sở KH&CN Đào Phạm Hoàng Quyên nhấn mạnh.

Nhân viên Công ty CP Organic Nopal Việt Nam xử lý cây xương rồng làm nguyên liệu chế biến mỹ phẩm. Ảnh: LỆ VĂN

Thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ

Theo thống kê của Sở KH&CN, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 6 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp KH-CN. So với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, số lượng doanh nghiệp KH-CN như vậy là rất khiêm tốn, khi mà KH-CN đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả sản xuất. Chính vì vậy, việc các doanh nghiệp đầu tư kinh phí cho KH-CN và chủ động hướng tới sản xuất theo hướng ứng dụng KH-CN đang là hướng đi đúng. Mặt khác, việc từng bước đưa KH-CN vào sản xuất được coi là thước đo để các doanh nghiệp nhìn nhận, tìm ra sự khác biệt trong nội tại cơ cấu, hoạt động của mình trước và sau khi ứng dụng KH-CN. Từ đó giúp doanh nghiệp định hướng, điều chỉnh được các sản phẩm đa dạng, chất lượng, đáp ứng được thị trường, thích ứng với môi trường kinh doanh.

Nghị quyết 47 của Tỉnh ủy Phú Yên phấn đấu đến năm 2030, tiềm lực, trình độ KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Phú Yên sẽ được nâng lên mức trung bình khá trong các tỉnh. Phấn đấu bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và tăng dần theo yêu cầu phát triển của tỉnh.

Cũng mạnh dạn ứng dụng KH-CN vào sản xuất và được Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH-CN thúc đẩy phát triển KT-XH nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 hỗ trợ, thời gian qua, Công ty TNHH Nấm thảo dược Thiên Hoàng Minh Khôi (TP Tuy Hòa) đã chủ trì thực hiện “Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nhân giống dạng dịch thể để nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo tạo nguồn sản phẩm chất lượng cao phục vụ chế biến thực phẩm chức năng trên địa bàn tỉnh Phú Yên”, thời gian thực hiện từ tháng 12/2022-11/2025, với tổng kinh phí 9 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách KH-CN trung ương hỗ trợ khoảng 4 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của doanh nghiệp.

Ông Trần Ngọc Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Nấm thảo dược Thiên Hoàng Minh Khôi cho biết: Nhờ sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách KH-CN nhà nước, cùng với kinh phí của doanh nghiệp đầu tư nên việc nuôi cấy thành công giống nấm đông trùng hạ thảo đã tạo cơ hội để doanh nghiệp phát triển mở rộng sản xuất, cung ứng ra thị trường nguồn dược liệu quý, cũng là một hướng mở cho doanh nghiệp và người dân có nhu cầu chuyển giao sản xuất, phát triển kinh tế. Đề tài này góp phần đa dạng nguồn dược liệu phục vụ chế biến thực phẩm chức năng nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao để tham gia vào chuỗi giá trị trong ngành hàng nấm; góp phần thúc đẩy phát triển nhanh chóng nghề trồng nấm nói chung và nấm dược liệu tại tỉnh Phú Yên nói riêng”.

“Để khuyến khích tư nhân đầu tư cho KH-CN, tôi nghĩ rằng cần sửa đổi, bổ sung các nội dung hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường liên kết nghiên cứu với các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước để giúp các doanh nghiệp trong nước sớm tiếp cận, nghiên cứu, làm chủ và phát triển các công nghệ hiện đại. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, giảm rủi ro cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo”, ông Trần Ngọc Hưng chia sẻ.

Theo ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên, thời gian đến để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển KH-CN, Nhà nước cần xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN, khai thác các kết quả nghiên cứu để tiến hành sản xuất thành sản phẩm cung cấp cho thị trường; hỗ trợ kinh phí, mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức, cá nhân tự đầu tư. Doanh nghiệp cần được truyền thông nhiều hơn nữa để thấy rõ yêu cầu thiết yếu của việc đổi mới công nghệ đối với việc phát triển bền vững. Nhất là tạo điều kiện dễ dàng cho các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn KH-CN hơn nữa.

VĂN TÀI

Ý kiến của bạn