Người trẻ và những mối quan hệ khó gọi tên

Nếu như trong quan niệm truyền thống trước đây, gia đình và hôn nhân được xem là mối quan hệ bền chặt thì trong xã hội hiện đại, nhất là với người trẻ, quan niệm này đã dần thay đổi, tạo nên những mối quan hệ không ràng buộc, khó gọi tên.

Trong mối quan hệ, sự cam kết là một phần thiết yếu để duy trì hạnh phúc và tính lâu dài. Ảnh: Internet
Trong mối quan hệ, sự cam kết là một phần thiết yếu để duy trì hạnh phúc và tính lâu dài. Ảnh: Internet

Yêu mập mờ và hôn nhân không ràng buộc

Khái niệm yêu mập mờ hoặc hôn nhân không ràng buộc ngày càng trở nên quen thuộc với giới trẻ. Việc không công khai mối quan hệ, không hứa hẹn về tương lai, không bị trói buộc bởi danh xưng được không ít người xem là cách yêu hiện đại.

Chị N.T.H (TP Tuy Hòa) có mối quan hệ yêu đương nghiêm túc với anh N.T.A ở Hà Tĩnh hơn 5 năm. Đến năm thứ bảy, họ quyết định tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, khi về quê chồng, cảm nhận phong tục tập quán không phù hợp nên chị H quyết định không vội đăng ký kết hôn mà để chờ thêm thời gian. Một năm sau, chị quyết định đường ai nấy đi khi cảm thấy không thể dung hòa được môi trường sống cũng như cách sống ở quê chồng. Vì chưa đăng ký kết hôn nên đám cưới của họ chỉ thể hiện qua ảnh cưới. Tình tan, ảnh cưới trở nên vô nghĩa.

Trong mối quan hệ, sự cam kết là một thành phần thiết yếu để duy trì hạnh phúc và tính lâu dài. Người trẻ nên hướng đến mục tiêu yêu đương nghiêm túc, đăng ký kết hôn để chuẩn bị, làm bước đệm cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Trải lòng về quyết định không đăng ký kết hôn ngày ấy, chị H cho biết: “Tôi quan niệm rằng, kể cả khi yêu và cưới đều cần có tự do cá nhân. Vì tôi kết hôn với người khác vùng miền nên có nhiều lo sợ. Sau đó mới thấy, đúng là phong tục tập quán và cách sống của gia đình chồng khác rất xa so với suy nghĩ của tôi. Lúc yêu đương không thấy gì nhưng sau đám cưới, tôi bị quàng cho rất nhiều trách nhiệm. Đầu tiên là phụng dưỡng cha mẹ chồng, nuôi em trai chồng ăn học. Sau nữa là có trách nhiệm với dòng họ phía nhà chồng. Các dịp lễ, giỗ chạp gì cũng phải có mặt và đóng góp. Cảm thấy không đảm đương được từng ấy trách nhiệm nên tôi quyết định rời đi”.

Chưa lập gia đình, nhưng vì làm trong ngành dịch vụ nhà hàng, cuộc sống quá bận rộn, hay đi sớm về trễ, gặp gỡ nhiều người nên N.T.T.S (27 tuổi) quê Khánh Hòa, sống tại Phú Yên bằng lòng với mối quan hệ mập mờ, không gọi được tên. S lý giải: “Tôi cảm thấy tôi và bạn trai có nhiều khác biệt nên không nghĩ đến việc lâu dài. Có điều, yêu kiểu vậy cũng vui, vừa lãng mạn vì ít va chạm, vừa có thể tự do kết bạn, khỏi sợ cảm giác bị “bồ đá” hay thất tình vì ngay từ đầu hai bên đều không mong đợi gì nhiều vào đối phương. Dù có nhiều lúc tôi thấy chông chênh nhưng lại tự do, không bị ràng buộc, kiểm soát hay chịu trách nhiệm”.

Nhiều hệ lụy

Các cặp đôi trẻ tuổi hiện có xu hướng chọn cách sống chung, ngại kết hôn vì lo lắng về những ràng buộc đời sống gia đình, lạm phát và tỉ lệ ly hôn cao… Tuy nhiên, theo các chuyên gia về gia đình, lựa chọn này sẽ gây ra nhiều thách thức về sự ổn định gia đình và xã hội.  

Chị N.T.N.A (TX Đông Hòa) chung sống có đám cưới với anh T.H.B (huyện Phú Hòa) nhưng không đăng ký kết hôn. Đám cưới chị A ai cũng biết nhưng giữa họ không có bất kỳ ràng buộc pháp lý nào. Dù vậy, là người vợ, là con dâu, làm được bao nhiêu tiền, chị A đều lo sắm sửa cho nhà chồng. Một ngày, có một người phụ nữ khác tìm đến tận nhà tự xưng là vợ anh B. Chị A lồng lộn đánh ghen cho đến khi anh B lên tiếng cho biết khi đi làm ở tỉnh xa đã đăng ký kết hôn với chị này. Sau một thời gian đôi co tranh giành tài sản không thành, chị A đành ôm con về quê mẹ.

Các chuyên gia về văn hóa cho rằng, xu hướng yêu mập mờ và hôn nhân không ràng buộc đặt ra nhiều thách thức về sự ổn định gia đình và xã hội. Truyền thống văn hóa Việt Nam vốn coi trọng sự gắn bó, trách nhiệm và cam kết lâu dài trong hôn nhân nên ở khía cạnh nào đó, hôn nhân không ràng buộc có thể làm suy yếu quan niệm về một gia đình bền vững, nơi vợ chồng cùng chia sẻ trách nhiệm và đồng hành trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Mặt khác, hôn nhân được pháp luật công nhận giúp bảo vệ quyền lợi của cả hai bên và con cái nên việc thiếu cam kết pháp lý có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như: gia tăng nguy cơ tan vỡ của mối quan hệ, đặc biệt là khi xảy ra mâu thuẫn; con cái sinh ra từ những cuộc hôn nhân không ràng buộc có thể đối mặt với sự bất ổn về pháp lý và tình cảm…

Ngày nay, khi quan niệm yêu đương, kết hôn cởi mở, việc lựa chọn yêu không ràng buộc, sống độc thân cả đời, chỉ yêu không kết hôn, hay kết hôn không sinh con được xã hội tôn trọng bởi đây được cho là quan điểm cá nhân của mỗi người. Sẽ không có lựa chọn nào là đúng, lựa chọn nào là sai, nhưng đi kèm với đó chắc chắn sẽ có những rủi ro tiềm ẩn… Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, thay vì lo sợ mối quan hệ có cam kết sẽ làm mất đi tự do thì người trẻ nên hướng đến mục tiêu yêu đương nghiêm túc, đăng ký kết hôn để chuẩn bị, làm bước đệm cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc thay vì chọn yêu đương mập mờ, không đăng ký kết hôn để đề phòng khi đổ vỡ thì chia tay dễ dàng hơn.

THÁI HÀ

Ý kiến của bạn