Nâng cao hiệu quả, kỹ năng tuyên truyền cho người có uy tín

Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh vừa tổ chức hội nghị cung cấp thông tin cho người có uy tín trên địa bàn tỉnh. Hội nghị nhằm trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để người có uy tín nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Già làng, người có uy tín là lực lượng chủ đạo gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo nên sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng. Ảnh: NGÔ XUÂN

Cập nhật thông tin, kiến thức

Tại hội nghị cung cấp thông tin cho người có uy tín, lãnh đạo Sở Dân tộc và Tôn giáo đã cung cấp cho các già làng, người có uy tín một số nội dung đang được nhiều người dân quan tâm, như: Tình hình sáp nhập tỉnh và công tác sắp xếp, tổ chức lại bộ máy trong hệ thống chính trị với mô hình địa phương 2 cấp; thông tin về tình hình thực hiện Kết luận 123 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án bổ sung về phát triển KT-XH năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 47 của Tỉnh ủy về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Trong khi đó, Công an tỉnh cũng có nội dung tuyên truyền về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh ngăn chặn, xử lý thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Cụ thể, đại diện Phòng PA03 tập trung tuyên truyền về âm mưu, phương thức, thủ đoạn đưa thông tin xấu, độc trên không gian mạng của các thế lực thù địch; cách thức nhận biết, phòng ngừa và đấu tranh, ngăn chặn và hạn chế thấp nhất tác động, ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động lợi dụng không gian mạng để đưa thông tin xấu, độc. Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường cập nhật một số quy định mới về Luật Đất đai năm 2024; quy định chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh… Những thông tin trên cơ bản đáp ứng được nhu cầu thông tin trong bối cảnh hiện nay của các già làng, người có uy tín trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để người có uy tín được trực tiếp tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH, gìn giữ ANTT ở địa phương; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho người có uy tín, đào tạo các thế hệ người có uy tín kế cận; phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong từng điều kiện, giai đoạn cụ thể.

Bà Đặng Thị Hồng Nga, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo

Ông La Mô Y Đênh, người có uy tín ở buôn Quang Dù (xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh) cho biết: Đến với hội nghị cung cấp thông tin cho người có uy tín lần này, điều tôi quan tâm nhất là việc nhập tỉnh, việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy sẽ có tác động gì đến người dân, cũng như có làm ảnh hưởng đến các chính sách cho vùng đồng bào DTTS và miền núi mà bà con đang được thụ hưởng. Tuy nhiên, khi được các cán bộ giải thích, tuyên truyền thì tôi hoàn toàn yên tâm. Tôi mong rằng những thay đổi này sẽ có tác động tích cực, giúp nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Còn ông Ma Thoan, người có uy tín ở buôn Lé B (xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa) cho rằng: Trong thời gian đầu, khi Nhà nước có thông tin về tổ chức lại bộ máy, sáp nhập tỉnh thì rất nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Là người có uy tín, tôi cũng chủ động tìm hiểu thông tin, cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền, động viên để ổn định tâm lý cho người dân. Nhờ vậy, phần lớn người dân ở buôn Lé B đều cơ bản ủng hộ chủ trương này. Sau hội nghị này, tôi cũng cập nhật rất nhiều nguồn thông tin mới, chính thống hơn. Tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền lại cho bà con được yên tâm hơn và tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và chính quyền các cấp.

Theo bà Đặng Thị Hồng Nga, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo, tại hội nghị lần này, Sở Dân tộc và Tôn giáo cùng các đơn vị đã kịp thời cung cấp nhiều thông tin về tình hình KT-XH, việc thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy các cấp; định hướng, ổn định tư tưởng cho Nhân dân trước công cuộc đổi mới của đất nước. Việc cung cấp những chủ trương, chính sách mới sẽ giúp các già làng, người có uy tín nắm bắt được thông tin một cách đầy đủ, chính thống, góp phần hiệu quả vào công tác tuyên truyền của người có uy tín trong cộng đồng. Đây cũng là dịp để người có uy tín được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người có uy tín trong việc tham gia phát triển KT-XH, vận động đồng bào DTTS chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Người có uy tín được trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong cộng đồng DTTS. Ảnh: NGÔ XUÂN

Phát huy vai trò, trách nhiệm

Theo Sở Dân tộc và Tôn giáo, trong giai đoạn từ 2011 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS phù hợp với từng giai đoạn phát triển cụ thể của đất nước. Từ đó, đội ngũ các già làng, người có uy tín cũng đã phát huy vai trò tích cực trên tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội; có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cũng như giữ gìn phong tục tập quán, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Đặc biệt, đội ngũ các già làng, người có uy tín đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đang được quyết liệt triển khai trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, đổi mới không ngừng của đời sống xã hội, yêu cầu người làm công tác người có uy tín cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong công tác vận động, tuyên truyền; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tham gia vào việc giải quyết các mâu thuẫn trong Nhân dân. Thực tế, tại các đợt tiếp xúc cử tri của ĐBQH, HĐND các cấp, những người có uy tín cũng đã có nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước. Những ý kiến này đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển KT-XH, AN-QP ở các địa phương. Mặt khác, với vai trò là trung tâm đoàn kết dân tộc, đội ngũ già làng, người có uy tín rất tích cực vận động Nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, phát triển kinh tế; phối hợp với công an, hội đoàn thể trong công tác hòa giải cơ sở ở địa phương. Người có uy tín cũng là lực lượng chủ đạo trong việc gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa, tạo được sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc.

Bà Đặng Thị Hồng Nga cho biết: Trong thời điểm này, cả nước đang thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của cả hệ thống chính trị theo mô hình địa phương 2 cấp, đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu quả. Trong quá trình thực hiện việc sắp xếp này không tránh khỏi có một số tác động, ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của người dân. Để góp phần cho chủ trương lớn này được thực hiện thành công, các đại biểu là người có uy tín trong cộng đồng các DTTS có vai trò hết sức quan trọng, là những lực lượng nòng cốt ở cơ sở trong việc nắm bắt tình hình, tuyên truyền, vận động, thông tin kịp thời, đúng, trúng về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Điều này góp phần tạo được niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền trong điều kiện cả nước đang thực hiện công cuộc đổi mới, để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để người có uy tín được trực tiếp tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH, gìn giữ ANTT ở địa phương; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho người có uy tín, đào tạo các thế hệ người có uy tín kế cận; phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong từng điều kiện, giai đoạn cụ thể.

NGÔ XUÂN

Ý kiến của bạn