Giải phóng quần đảo Trường Sa trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, cả nước dồn sức cho trận chiến đấu cuối cùng mùa xuân 1975. Với ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao, từ ngày 20/3 đến cuối tháng 4/1975, Đoàn 125 Hải quân đã huy động lực lượng thực hiện 143 chuyến tàu, chở được 8.721 tàu vũ khí, 40 xe tăng cơ giới, vận chuyển 14.745 cán bộ chiến sĩ và 2.916 đồng bào từ miền Bắc vào các vùng giải phóng.

Bộ đội Đặc công hải quân Đoàn 126 giải phóng đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa, ngày 28/4/1975. Ảnh: TƯ LIỆU

14 giờ ngày 5/4/1975, từ Tổng hành dinh Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam, một bức điện khẩn gửi cho Bộ Tư lệnh Hải quân do Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký với nội dung: Hải quân nhanh chóng tổ chức lực lượng nhằm thời cơ thuận lợi nhanh chóng giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do ngụy quyền Sài Gòn đóng giữ. Nếu chậm trễ, lực lượng nước ngoài chiếm đảo thì chúng ta có tội với Tổ quốc và Nhân dân.

Sự chỉ đạo sáng suốt trên mũi tiến công hướng biển

Nhận được điện, Bộ Tư lệnh Hải quân lập tức chỉ thị cho Đoàn 125 Hải quân thành lập một biệt đội tàu, cấp tốc hành quân vào Đà Nẵng chờ lệnh; đồng thời thành lập một bộ phận bao gồm các cán bộ tham mưu, tác chiến, chính trị, kỹ thuật, hậu cần, thông tin liên lạc. Đồng chí Hoàng Hữu Thái, Phó Tư lệnh Hải quân được cử làm chỉ huy trưởng hành quân bằng đường bộ vào Đà Nẵng, lập Sở Chỉ huy tiền phương để chỉ huy lực lượng giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo gần bờ.

20 giờ 30 phút ngày 10/4, biên đội gồm các tàu 673, 674, 675 do đồng chí Dương Tấn Kịch chỉ huy, sau 2 ngày vượt sóng to gió lớn đã cập cảng Đà Nẵng.

Tại Sở Chỉ huy tiền phương, trong ngôi nhà của tướng Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư lệnh Hải quân Vùng 4 của Mỹ ngụy đã bị khống chế, một cuộc họp khẩn trương được tiến hành. Một tấm hải đồ quần đảo Trường Sa được đặt lên trên bàn gỗ. Cuộc giao nhiệm vụ cho các lực lượng giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa bắt đầu. Ngoài biên đội 3 tàu của Đoàn 125 Hải quân còn có 3 phân đội đặc công nước của Đoàn 126 Hải quân, 2 phân đội của Tiểu đoàn 471 Đặc công Quân khu 5.

Đơn vị giải phóng đảo được thành lập có phiên hiệu C75 do đồng chí Mai Năng, Trung đoàn trưởng 126 Hải quân chỉ huy trưởng, đồng chí Dương Tấn Kịch, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Đoàn 125 Hải quân làm chỉ huy phó. Tất cả đã sẵn sàng.

4 giờ ngày 11/4/1975, toàn bộ lực lượng của C75, gồm 3 tàu: 673 do đồng chí Nguyễn Xuân Thơm làm thuyền trưởng; tàu 674 do đồng chí Nguyễn Văn Đức làm thuyền trưởng và tàu 675 do Phạm Duy Tam làm thuyền trưởng, chở đội một của Trung đoàn Đặc công 126HQ, cùng một bộ phận hỏa lực tăng cường của Tiểu đoàn 471 Đặc công Quân khu 5, xuất phát đi giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Để nghi binh đánh lừa địch, các tàu của biên đội đều mang biển số giả và cán bộ chiến sĩ trên tàu đều mặc thường phục. Mục tiêu đầu tiên của trận đánh là đảo Song Tử Tây, cách Đà Nẵng 480 hải lý. Sau 2 ngày đêm hành trình, chiều 13/4, biên đội tàu đã đến gần đảo Song Tử Tây. Theo phương án chiến đấu đã vạch sẵn, tàu 673 chở đội một vào gần đảo để đổ bộ, tàu 674 và 675 ở phía ngoài để sẵn sàng chi viện khi cần thiết.

4 giờ 30 phút ngày 14/4/1975, đơn vị đổ bộ dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Ngọc Quế, đội trưởng đội một đặc công nước Hải quân, phối hợp với lực lượng hỏa lực của Tiểu đoàn Đặc công 471 Quân khu 5 chia làm ba mũi, bất ngờ tấn công chiếm đảo. Sau phát súng DK7 làm hiệu lệnh, ba mũi tấn công của ta nhanh chóng chiếm đảo, dù bị hỏa lực địch chống trả quyết liệt, sau 30 phút chiến đấu, quân ta hoàn toàn làm chủ đảo Song Tử Tây. Lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được kéo lên, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc trên các đảo phía Bắc của quần đảo Trường Sa.

Từ ngày 29/4/1975, 5 đảo mà ngụy quân Sài Gòn chiếm giữ trên quần đảo Trường Sa đã được giải phóng hoàn toàn. Giải phóng thành công và kịp thời quần đảo Trường Sa thể hiện sự chỉ đạo sáng suốt của Thường trực Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh trên mũi tiến công hướng biển trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.

Sau khi giải phóng đảo Song Tử Tây, ta phát hiện vùng phụ cận có tàu khu trục và một số tàu lạ lởn vởn ở phía ngoài, nên Sở Chỉ huy tiền phương chỉ thị cho chỉ huy C75 khẩn trương tổ chức củng cố lại các công sự chiến đấu, bố trí một lực lượng ở lại chốt giữ, bảo vệ đảo, các tàu đưa tù binh về Đà Nẵng để củng cố rút kinh nghiệm chuẩn bị cho kế hoạch tiếp theo.

Song Tử Tây mất, hệ thống phòng thủ trên quần đảo Trường Sa của địch bị đe dọa. Địch vội vàng cho tàu chiến từ Vũng Tàu ra định phản kích chiếm lại đảo. Ngày 17/4/1975, khi đến gần đảo chúng thấy cờ của Mặt trận giải phóng tung bay trong gió cùng với hàng loạt súng quân ta trên đảo bắn cảnh cáo nên chúng quay về phòng thủ ở đảo Nam Yết.

Tình hình điều kiện thuận lợi, Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định mở đợt hai giải phóng các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn trong 1 đêm, sau đó sẽ giải phóng đảo Trường Sa.

Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn là 3 đảo nằm ở khu vực giữa của quần đảo Trường Sa gần tới đảo Ba Bình (có quân của Đài Loan chiếm giữ). Còn đảo Thị Tứ, Loại Ta (có quân của Philippines chiếm giữ), quân ta phải thận trọng để không đánh nhầm vào các đảo do lực lượng nước ngoài chiếm giữ.

Sở Chỉ huy tiền phương của Hải quân lệnh điều tàu 641, do Võ Trần Tú làm truyền trưởng đang ở Cửa Việt vào Đà Nẵng, để cùng với tàu 673 chở đội một, đội hai và đội ba của đoàn đặc công nước 126. Tàu 675 xuất phát sau, chở theo lực lượng của Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 của Quân khu 5 ra chốt giữ các đảo vừa được giải phóng.

Đêm 24/4/1975, tàu 673 chở bộ đội ta vào gần đến khu vực đảo Nam Yết thì phát hiện một chiếc khu trục của địch đang hoạt động. Xét thấy việc cho quân đổ bộ lên đảo không đảm bảo bí mật, nên tàu 673 quay về neo ở đảo Song Tử Tây chờ thời cơ. Cùng thời gian đó, tàu 641 chở lực lượng đổ bộ đã tiến vào cách đảo Sơn Ca khoảng 2 hải lý. Lúc này, thủy triều đang chảy xiết, nếu cho bộ đội xuống biển sẽ bị nước cuốn trôi ra xa. Để bảo đảm an toàn cho trận đánh, tàu 641 cơ động lên phía Tây Bắc của đảo và cho quân đổ bộ đánh chiếm đảo. Lúc 2 giờ 30 phút ngày 25/4, sau các loạt súng khởi đầu, bọn địch trên đảo hoang mang, nổ súng kháng cự yếu ớt. Sau 30 phút chiến đấu, bộ đội ta đã tiêu diệt 2 tên, bắt sống 17 tên, thu toàn bộ vũ khí. Quân ta làm chủ hoàn toàn đảo Sơn Ca. Lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được kéo lên cột cờ giữa đảo.

Tin của Phòng Quân báo Hải quân cho biết: Mất đảo Sơn Ca, bọn địch ở các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa suy sụp tinh thần, hoang mang dao động, đã rút chạy khỏi các đảo vào đêm 26/4. Sở chỉ huy tiền phương lệnh cho tàu 673 chở lực lượng đi giải phóng các đảo còn lại. Thời gian không cho phép chậm trễ, niềm vui chiến thắng thôi thúc cán bộ chiến sĩ tàu 673. Khoảng 10 giờ 30 phút, tàu 673 đến đảo Nam Yết tổ chức một lực lượng đổ bộ lên đảo mà không gặp một sự kháng cự nào. Bọn địch ở đây đã rút chạy hết, để lại ngổn ngang vũ khí, quân trang quân dụng. Lá cờ ba sọc của ngụy quyền Sài Gòn nhanh chóng hạ xuống thay vào đó là lá cờ Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam.

Để lại một bộ phận canh gác bảo vệ đảo, tàu 673 tiếp tục đưa lực lượng tiến về đảo Sinh Tồn. 10 giờ 30 phút ngày 28/4/1975, tàu đổ quân lên giải phóng đảo Sinh Tồn.

Đêm 28/4/1975, tàu 673 chở lực lượng đặc công tiến đánh đảo Trường Sa. Cũng như các đảo khác, khi quân ta đổ bộ lên đảo thì bọn địch đã tháo chạy khỏi đảo trước đó.

Thế là từ ngày 29/4/1975, 5 đảo mà ngụy quân Sài Gòn chiếm giữ trên quần đảo Trường Sa đã được giải phóng hoàn toàn. Thường trực Quân ủy Trung ương gửi điện biểu dương các lực lượng của Hải quân và Quân khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; và nếu chỉ chậm 1 ngày có thể khi chúng ta đến nơi thì trên các đảo này đã có lực lượng của nước ngoài chiếm giữ. Giải phóng thành công và kịp thời quần đảo Trường Sa thể hiện sự chỉ đạo sáng suốt của Thường trực Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh trên mũi tiến công hướng biển trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.

Phối hợp giải phóng các đảo phía Đông và Tây Nam

Cùng với nhiệm vụ chở quân giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Đoàn 125 Hải quân còn được Bộ Tư lệnh Hải quân giao chở đặc công Quân khu 5 tiến công giải phóng đảo Cù Lao Thu, còn gọi là đảo Phú Quý, thuộc tỉnh Ninh Thuận, cách Phan Thiết 60 hải lý. Trên đảo có một liên đội “nghĩa quân” gồm 400 dân vệ, 1 trung đội cảnh sát và 2 tàu hải quân hoạt động bảo vệ đảo. Ngoài ra còn có 800 tên lính ngụy chạy trốn ra đảo sau khi thị trấn Hàm Tân bị quân giải phóng tấn công.

Ngày 26/4/1975, tàu 643 do đồng chí Tạ Ngọc Thuận chỉ huy cùng với một số thuyền đánh cá của ngư dân chở một bộ phận Tiểu đoàn 407 Đặc công Quân khu 5 và 1 đại đội bộ binh của Trung đoàn 95, Sư đoàn 3, rời quân cảng Cam Ranh, đến 1 giờ, ngày 27/4, tất cả các lực lượng của ta đến vị trí tập kết làm công tác tổ chức và nổ súng tiến công. Bị đánh bất ngờ, địch chống trả yếu ớt. Hơn 1 giờ sau, quân ta làm chủ hoàn toàn đảo Phú Quý, bắt sống 382 tên, thu 900 súng các loại. Đảo Phú Quý hoàn toàn được giải phóng.

Sáng 1/5/1975, Trung ương cục Miền Nam và Bộ Chỉ huy chiến dịch giao cho Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức lực lượng giải phóng Côn Đảo và đưa các chiến sĩ bị tù đày giam giữ ở đây về đất liền. Bộ Tư lệnh Hải quân điều 2 tàu 683 và 574 chở một phân đội đặc công nước của Đoàn 126 Hải quân và Tiểu đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn 3, nhanh chóng hành quân hướng về Côn Đảo.

Ngày 2/5, khi tàu còn đang trên đường hành trình ra đảo thì được tin các chiến sĩ cách mạng ở Côn Đảo đã nổi dậy diệt ác, tự mở cửa nhà giam giải thoát cho những người bị địch giam giữ. Lực lượng đi giải phóng chỉ còn làm nhiệm vụ truy quét tàn quân chạy trốn vào rừng rậm, lập lại an ninh trật tự và xây dựng lại chính quyền mới trên đảo.

Ngày 6/5/1975, tàu 683 cặp bến Vũng Tàu đưa được gần 400 cán bộ chiến sĩ cách mạng từ nhà tù Côn Đảo về đất liền trong sự hân hoan chào đón của Đảng, Chính quyền và Nhân dân đã chờ sẵn. Tàu của Đoàn 125 Hải quân tiếp tục nhiệm vụ đón được 4.627 chiến sĩ cách mạng ở Côn Đảo về đất liền an toàn.

Lo sợ trước sự tấn công mạnh mẽ của quân giải phóng trên đất liền, lực lượng ngụy quân ngụy quyền trên các đảo Phú Quốc, Thổ Chu hoang mang bỏ chạy. Lợi dụng tình hình này, bọn phản động Campuchia cho quân đổ bộ đánh chiếm trái phép một số đảo của ta.

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân tiền phương chỉ thị cho Đoàn 125 Hải quân sử dụng tàu phối hợp với lực lượng Quân khu 9 tiến hành đấu tranh buộc bọn phản động Campuchia phải rút khỏi đảo Phú Quốc. Nhưng đến ngày 10/5/1975, chúng lại cho quân lén lút chiếm đảo Thổ Chu và một số đảo lân cận bắt và giết hại đồng bào ta.

Căm thù sục sôi trước những hành động tàn ác của quân phản động, từ ngày 23-27/5/1975, hai tàu 643 và 657 của Đoàn 125 Hải quân chở quân đổ bộ tiến công giải phóng đảo Thổ Chu, Hòn Cao, Hòn Từ, loại khỏi vòng chiến đấu một tiểu đoàn địch, thu toàn bộ vũ khí và các trang thiết bị vứt bỏ lại trên đảo.

Các đảo thuộc vùng biển Tây Nam được giải phóng là những điểm đảo cuối cùng của Tổ quốc sạch bóng quân xâm lược. Hải quân Nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Quân đội giao cho, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975.

HỒ ĐẮC THẠNH (Anh hùng LLVT nhân dân)

Ý kiến của bạn