Hiện nay, việc tiến hành sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh đang được triển khai theo đúng lộ trình đề ra. Từ việc xác định phương án sắp xếp đến xử lý bài toán nhân sự đang được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện một cách bài bản, khoa học với quyết tâm chính trị cao nhất.
![]() |
Các tổ công tác chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã báo cáo tiến độ triển khai nhiệm vụ với Thường trực Tỉnh ủy. Ảnh: HÀ MY |
Khẩn trương thực hiện sắp xếp
Tại Nghị quyết 125/NQ-CP và Nghị quyết 126/NQ-CP, ngày 9/5/2025, Chính phủ đã thông qua hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh năm 2025 và thông qua 34 hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025 do Bộ Nội vụ trình. Theo đó, 106 ĐVHC cấp xã của tỉnh Phú Yên được sắp xếp để thành lập 34 phường, xã mới (gồm 7 phường, 27 xã), giảm 72 ĐVHC cấp xã so với hiện nay (tỉ lệ giảm 67,92%); đồng thời thống nhất với tên gọi của các phường, xã mới theo đề án của tỉnh Phú Yên.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập 9 tổ công tác chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã. Các tổ công tác và các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả, đúng quy định và đúng tiến độ các công việc được giao; bảo đảm bộ máy của xã, phường mới đi vào hoạt động thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ tốt nhất cho Nhân dân. Trong đó, việc xây dựng phương án nhân sự cấp xã được thực hiện khẩn trương nhưng thận trọng, bảo đảm phù hợp các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.
Đồng chí Bùi Thanh Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tuy Hòa, thành viên Tổ công tác chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã số 1 cho biết: Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập 3 tổ công tác chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC cho 3 phường mới, mỗi tổ 15 thành viên do Thường trực Thành ủy làm tổ trưởng. Vì cả ba phường đều thay đổi địa danh hành chính nên Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất với lãnh đạo các địa phương liên quan, tiếp nhận nguyên trạng đội ngũ cán bộ của xã Hòa Thành (TX Đông Hòa) và xã Hòa An (huyện Phú Hòa). Riêng đội ngũ cán bộ của Hòa Trị (huyện Phú Hòa) để địa phương tự sắp xếp. Các tổ công tác phối hợp với các ban ngành của thành phố rà soát toàn bộ số lượng đảng viên hiện có trên phường mới và tài sản công, hồ sơ tài liệu liên quan; tổng rà soát toàn bộ đội ngũ cán bộ hiện có của 12 xã, phường và 2 xã Hòa Thành, Hòa An để phân nhóm, sắp xếp theo trình độ, vị trí phù hợp; xây dựng khung tiêu chí chức danh lãnh đạo quản lý và hoàn thành phương án nhân sự dự kiến của 3 phường, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trước ngày 25/5/2025.
Cùng với chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, cấp ủy, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác tư tưởng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, của cán bộ, công chức, viên chức để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng chí Cao Thị Hòa An, Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp,
tổ chức lại ĐVHC trên địa bàn tỉnh Phú Yên năm 2025
Theo Phó Bí thư Đảng ủy UBND tỉnh Nguyễn Trọng Tùng, hiện nay, tất cả các địa phương đã xây dựng phương án sắp xếp cơ cấu tổ chức, biên chế và đơn vị sự nghiệp công lập của chính quyền địa phương cấp xã. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương hoàn thiện Phương án sắp xếp tổ chức bộ máy cấp xã, gửi phương án về Sở Nội vụ trước ngày 23/5/2025 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Đối với công tác lưu trữ hồ sơ tài liệu trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và kết thúc hoạt động của UBND cấp huyện, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập các tổ công tác kiểm tra, khảo sát thực tế tình hình triển khai và hướng dẫn thực hiện, giải đáp các thắc mắc, vướng mắc tại các cơ quan thuộc UBND cấp huyện và UBND cấp xã.
“Khi kết thúc hoạt động của cấp huyện, việc tập trung tài liệu, niêm phong, thu gom tài liệu về Lưu trữ lịch sử đối với các cơ quan, đơn vị của 9 UBND cấp huyện là rất lớn, khó hoàn thành trước thời điểm 30/6, do đó phải có phương án bảo vệ tại chỗ đối với các kho tạm thời tại 9 địa phương. Qua khảo sát sơ bộ, trụ sở Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh không đủ diện tích kho để quản lý tài liệu tại 9 đơn vị cấp huyện nên phải có phương án bố trí thêm kho lưu trữ tập trung để quản lý và xử lý nghiệp vụ”, ông Tùng đề xuất.
![]() |
106 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Phú Yên được sắp xếp để thành lập 34 phường, xã mới (gồm 7 phường, 27 xã), giảm 72 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay. Ảnh: NGỌC THẮNG |
Bảo đảm bộ máy hoạt động ổn định, thông suốt
Sắp xếp ĐVHC cấp xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; khối lượng công việc lớn, phức tạp, đòi hỏi sự quyết tâm lớn, nỗ lực cao của toàn hệ thống chính trị trong tỉnh. Ông Trương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Sở sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện hoàn thiện phương án tổ chức bộ máy sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã và kết thúc hoạt động của UBND cấp huyện trong tháng 5/2025; trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt trong tháng 6/2025 làm cơ sở cho chính quyền cấp xã mới hoạt động sau khi kết thúc hoạt động của UBND cấp huyện. Chúng tôi cũng đang tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc công tác thống kê, niêm phong, bảo vệ an toàn tài liệu và cơ sở dữ liệu tài liệu tại các địa phương, đơn vị cho đến khi bàn giao, chuyển về Lưu trữ lịch sử quản lý”.
Còn Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hồ Văn Mười cho hay: Nhà trường sẽ phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cấp xã để đảm bảo bộ máy chính quyền mới đi vào hoạt động trơn tru, không bị gián đoạn.
Theo đồng chí Cao Thị Hòa An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC trên địa bàn tỉnh Phú Yên năm 2025, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cán bộ, viên chức, người lao động cần thay đổi quan điểm về cấp xã theo chính quyền 2 cấp, bởi lẽ sau sáp nhập, cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện. Cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của mình. Cấp xã cũng là cấp tổ chức thực hiện chính sách (từ trung ương và cấp tỉnh), tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề ở cộng đồng dân cư nhằm đảm bảo chính quyền gần dân, sát dân nhất. Khi bỏ cấp huyện và sáp nhập xã, chính quyền cấp xã phải quản lý địa bàn rộng lớn hơn, dân số đông hơn và khối lượng công việc cũng nhiều hơn.
Bí thư Tỉnh ủy Cao Thị Hòa An đề nghị các thành viên các tổ công tác chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã và các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ theo đề án được thông qua. Tổ công tác và các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện công tác sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
“Các tổ công tác chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã và các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần chỉ đạo thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gắn chặt chẽ với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ tại các ĐVHC cấp xã, bảo đảm chính quyền cấp xã sau sắp xếp, tổ chức lại ổn định, đi vào hoạt động thông suốt, không để khoảng trống pháp lý, gián đoạn công việc của từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính quyền địa phương”, đồng chí Cao Thị Hòa An nhấn mạnh.