Theo chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 17/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
![]() |
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: TTXVN |
Tiếp đến, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Cũng trong buổi sáng 17/5, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Liên quan tới dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, giải trình trước Quốc hội sáng 16/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, nghị quyết đang trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 khẩn trương rà soát, nghiên cứu các nội dung của Nghị quyết số 68 để thể chế hóa ngay tại các dự án luật, dự thảo nghị quyết lần này.
Đối với một số cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực, có thể quy định tại dự thảo nghị quyết này, các luật đang được sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 sẽ quy định cơ chế, chính sách áp dụng chung cho các doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế để bảo đảm không làm phá vỡ thiết kế chung của luật.
Đối với những nội dung cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và đang được quy định tại các luật, nghị quyết khác về thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận xử lý các vi phạm, vụ việc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết phá sản… dự thảo nghị quyết đưa ra một số quy định mang tính nguyên tắc để định hướng sửa đổi, bổ sung cho các pháp luật chuyên ngành, bảo đảm tuân thủ đúng các yêu cầu Nghị quyết 68 của Trung ương.