Ngày 3/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết quan trọng "Vươn mình trong hội nhập quốc tế". Tổng Bí thư khẳng định: ...Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện cho phát triển. Cùng với “tinh thần đổi mới” về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của Nghị quyết 18; “tư tưởng đột phá” về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Nghị quyết 57; định hướng về hội nhập quốc tế là “cẩm nang hành động” của Nghị quyết 59 sẽ tạo nên “bộ ba chiến lược” trong trọng tâm “Ổn định lâu dài - Phát triển bền vững - Đời sống nâng cao” do Đảng đã vạch ra.
![]() |
Tỉnh Phú Yên công bố Bảo vật quốc gia Kala Núi Bà. Ảnh: THIÊN LÝ |
Giai đoạn cách mạng hiện nay, theo Tổng Bí thư, chúng ta cần triển khai quyết liệt và hiệu quả theo các hướng. Một là tư duy, nhận thức và hành động mới trong hội nhập quốc tế. Hai là hội nhập kinh tế được xác định là trung tâm, hội nhập trên các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế với ưu tiên hàng đầu là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy chuyển đổi số. Ba là hội nhập về chính trị, an ninh, quốc phòng phải hướng tới mục tiêu nâng cao tiềm lực, vị thế đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy. Bốn là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải được xác định là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực phát triển nhanh lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất theo tinh thần của Nghị quyết 57. Năm là đẩy mạnh hội nhập toàn diện về văn hóa, xã hội, du lịch, môi trường, giáo dục - đào tạo, y tế và các lĩnh vực khác. Sáu là khắc phục điểm nghẽn về thực thi cam kết, thỏa thuận quốc tế và đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách. Bảy là phát huy tinh thần của Nghị quyết 18 trong hội nhập quốc tế, kiện toàn các cơ quan chuyên trách theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiện đại, chuyên nghiệp. Cuối cùng, hội nhập quốc tế chỉ thành công khi hội nhập trở thành văn hóa tự giác của mọi tổ chức cá nhân, doanh nghiệp, địa phương; phát huy được vai trò trung tâm, sự tham gia tích cực, chủ động, sáng tạo của cả người dân, doanh nghiệp, địa phương trong gắn kết hội nhập quốc tế và hội nhập trong nước, kết nối giữa các vùng, miền, địa phương, kết nối giữa các ngành, lĩnh vực, kết nối giữa nghiên cứu và triển khai… để đưa hội nhập thành các kết quả cụ thể.
Định hướng về văn hóa, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: “...Về văn hóa, hội nhập nhưng phải gắn với bảo tồn, phát huy và quảng bá văn hóa dân tộc; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp nội dung, các sản phẩm, thương hiệu văn hóa có chất lượng và năng lực cạnh tranh toàn cầu...”. Đây là cơ sở rất quan trọng để các địa phương phát huy những giá trị về di sản văn hóa, hình ảnh, thương hiệu, “sức mạnh mềm” (SMM) của từng địa phương để cùng cả nước “vươn mình trong hội nhập quốc tế.
Khái niệm “sức mạnh mềm” và kinh nghiệm của thế giới
Khái niệm SMM do GS người Mỹ Joseph Nye đưa ra đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Nó được hiểu là khả năng tạo sức hấp hẫn, lôi cuốn, thu hút để các nước khác tự nguyện thay đổi hành vi, chính sách phù hợp với điều mình muốn, thay vì cưỡng bức thông qua sức mạnh kinh tế và quân sự. Cũng theo GS Joseph Nye, thì SMM văn hóa là SMM có sức hấp dẫn, thu phục, khả năng ảnh hưởng, lôi cuốn của một quốc gia đối với các quốc gia khác bằng các giá trị văn hóa tinh thần, hệ tư tưởng được thực hiện thông qua các phương thức mang tính phi cưỡng chế nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược của quốc gia đó trong quan hệ quốc tế. SMM văn hóa ngầm được hiểu như một quyền lực hoặc một thực lực quy định hành vi của chủ thể truyền bá tới đối tượng tiếp nhận thông qua phương thức truyền bá không mang tính cưỡng chế như sức mạnh kinh tế hay quân sự (còn gọi là sức mạnh cứng).
Đến nay, Phú Yên có 112 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 1 bảo vật quốc gia, 3 di tích quốc gia đặc biệt, 20 di tích quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh với các loại hình di tích lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật, khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Đây là những di sản vô cùng quý giá để tạo nên SMM, góp phần giúp Phú Yên phát triển KT-XH một cách hài hòa, bền vững.
Nhìn ra các nước trong khu vực và trên thế giới trong mấy thập kỷ gần đây chúng ta thấy, Mỹ, Pháp, Ý, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... đều là các nước coi trọng yếu tố văn hóa, xem văn hóa là cầu nối hữu hiệu để quảng bá sức mạnh, tiềm năng, hình ảnh, thương hiệu quốc gia, dân tộc đến với bạn bè thế giới. Hai lĩnh vực thành công nhất mà các nước đã thực hiện đó chính là điện ảnh và âm nhạc. Bên cạnh đó, di sản văn hóa độc đáo cũng là một lợi thế.
Ở châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản là 2 quốc gia đã dành nhiều nguồn lực cho phát triển văn hóa, đưa văn hóa trở thành ngành công nghiệp để phát triển đất nước, gắn với các mục tiêu về chính trị, đối ngoại. Từ điện ảnh, âm nhạc, Hàn Quốc đã tạo nên làn sóng Hallyu (hay còn gọi là làn sóng văn hóa Hàn Quốc), trở thành một hiện tượng toàn cầu, lan tỏa mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều khía cạnh của đời sống xã hội. Đặc biệt, với giới trẻ, thế hệ Gen Z (sinh năm 1995-2012) đã trở thành nhóm đối tượng tiếp nhận và chịu ảnh hưởng lớn nhất từ làn sóng này. Từ âm nhạc, phim ảnh, thời trang, đến lối sống và tư duy, Hallyu đã tạo nên những thay đổi đáng kể trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Đối với Việt Nam, lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước đã để lại những giá trị về tư tưởng, di sản văn hóa vô cùng độc đáo, tạo nên SMM cho dân tộc trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Phú Yên có nhiều di sản để làm nên “sức mạnh mềm”
Cuối năm 2024, nhân kỷ niệm 60 năm bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của tàu Không số huyền thoại (28/11/1964-28/11/2024), di tích lịch sử cấp quốc gia Bến Vũng Rô đã được Thủ tướng Chính phủ ký bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Và nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam 22/12/2024, tỉnh Phú Yên có thêm di tích lịch sử cấp tỉnh là Nhà tưởng niệm nơi thành lập LLVT tỉnh tại huyện Tuy An. Đặc biệt, Kala Núi Bà thuộc di sản văn hóa Champa trên đất Phú Yên vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia đầu tiên của Phú Yên vào cuối năm 2024.
Như vậy đến nay, Phú Yên có 112 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 1 bảo vật quốc gia, 3 di tích quốc gia đặc biệt (Gành Đá Đĩa, Tháp Nhạn, Bến Vũng Rô), 20 di tích quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh với các loại hình di tích lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật, khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Đây là những di sản vô cùng quý giá để tạo nên SMM, góp phần giúp Phú Yên phát triển KT-XH một cách hài hòa, bền vững. Phú Yên cũng đã và đang chỉ đạo các ngành, các địa phương đầu tư nâng cấp các di tích, trong đó ưu tiên tập trung đầu tư nâng cấp, trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa nhằm bảo tồn giá trị gốc và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan. Xây dựng các sản phẩm du lịch gắn liền với di sản văn hóa, nhất là các tour du lịch tìm hiểu về lịch sử, khám phá thiên nhiên, ẩm thực…, tạo ra những trải nghiệm độc đáo và thu hút du khách. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông và giáo dục truyền thống, nhất là đối với giới trẻ. Để mọi người dân Phú Yên đều cảm thấy hạnh phúc khi được sinh ra, lớn lên, sinh sống và làm việc trên vùng đất giàu có về di sản văn hóa mà tổ tiên đã để lại.
Phát huy giá trị con người Phú Yên cũng là nhiệm vụ chính trị mà Tỉnh ủy rất quan tâm bằng các chương trình hành động, nghị quyết. Con người Phú Yên chân tình, hiền hòa, mến khách, chịu thương, chịu khó… sẵn sàng đáp ứng yêu cầu kết hợp hài hòa giữa truyền thống và những yêu cầu cấp bách về nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay, để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới của đất nước. Nguồn nhân lực đó phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ phẩm chất và năng lực, sẵn sàng dấn thân vì quê hương giàu đẹp, đất nước hùng cường, phồn vinh. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ trong bài viết nêu trên: “...Và cao nhất, là xây dựng chiến lược phát triển con người Việt Nam của “thế hệ vươn mình”, để đến năm 2045 những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi sánh vai cùng bạn bè quốc tế cả về trí tuệ và thể chất...”.