LUẬT NHÀ GIÁO: Tôn vinh, tạo điều kiện nhà giáo yên tâm công tác

Theo dự kiến, Luật Nhà giáo sẽ được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới. Đây là một trong những dự án luật quan trọng đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận, kỳ vọng sẽ khắc phục được những bất cập và kiến tạo hành lang pháp lý đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo trong thời gian tới.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Đào An Xuân tham gia ý kiến tại một kỳ họp Quốc hội. Ảnh: CTV

Trao đổi với Báo Phú Yên, bà Lê Đào An Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết:

- Nhà giáo là ngành nghề có những đặc trưng riêng, khác biệt với viên chức, người lao động của các ngành nghề, lĩnh vực khác. Phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu và bảo đảm về chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục, là khâu đột phá trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và cũng là khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Vì vậy, trong suốt các chặng đường phát triển đất nước, Đảng ta luôn khẳng định sự quan tâm sâu sắc, liên tục đối với đội ngũ nhà giáo. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng luôn khẳng định tầm quan trọng, vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo đối với nâng cao chất lượng giáo dục - yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Các quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng qua các kỳ đại hội đều nhất quán khẳng định vị trí “lực lượng nòng cốt, có vai trò quan trọng” của đội ngũ nhà giáo và việc phát triển, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là yêu cầu tất yếu để đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT.

* Bà đánh giá như thế nào về sự cần thiết của dự án luật này?

- Dự án Luật Nhà giáo đang thu hút sự quan tâm lớn của cử tri cả nước, đặc biệt là lực lượng giáo viên. Tôi đánh giá cao nội dung dự thảo luật này và cho rằng việc xây dựng luật dành riêng cho nhà giáo là cấp thiết để giải quyết các bất cập trong các chính sách hiện hành liên quan đến nghề giáo, góp phần cải thiện chất lượng, tạo nền tảng phát triển tốt hơn cho ngành Giáo dục Việt Nam, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Để thể chế hóa các chủ trương của Đảng, tính đến thời điểm năm 2023, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhà giáo đã được ban hành tương đối đầy đủ với gần 200 văn bản thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau. Hệ thống pháp luật đó về cơ bản đã bao trùm phạm vi hoạt động của nhà giáo từ khi được đào tạo, tuyển dụng vào ngành cho đến khi nghỉ chế độ.

Đây là lần đầu tiên chúng ta xây dựng cơ sở pháp lý cho nhà giáo ngoài công lập, bảo đảm sự bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập về định danh, chuẩn nghề nghiệp, các quyền, nghĩa vụ, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm… Đây cũng là lần đầu tiên các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo được quy định rõ ràng, đầy đủ, có hệ thống. Chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Bên cạnh đó, điểm mới của luật này có quy định chính sách nghỉ hưu sớm cho giáo viên mầm non, chính sách hỗ trợ nhà ở cho giáo viên.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm có 6 nhóm đối tượng, chịu sự chế tài quản lý của các luật khác nhau. Đó là, công chức, viên chức, sĩ quan công an, sĩ quan quân đội, nhà giáo của các trường trong hệ thống các cơ quan Đảng, mặt trận, đoàn thể và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Như vậy, mặc dù đã có ít nhất là 6 luật trực tiếp quy định các chế tài quản lý nhà giáo, gồm Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học nhưng các nội dung quản lý nhà giáo vẫn chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay còn nhiều vướng mắc, bất cập như: tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ đối với các cấp học mầm non, phổ thông diễn ra nhiều năm nay, những bất cập đối với công tác quản lý đội ngũ nhà giáo ngoài công lập...

Do đó, với việc ban hành Luật Nhà giáo sẽ góp phần thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”; hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo về cơ cấu, tốt về chất lượng; tôn vinh nhà giáo, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.

Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức lấy ý kiến góp ý của cử tri là nhà giáo trên địa bàn tỉnh về Luật Nhà giáo. Ảnh: THÙY THẢO

* Dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng như thế nào, thưa bà?

- Dự án Luật Nhà giáo đã trình và được Quốc hội (khóa XV) cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8. Quốc hội tiếp tục cho ý kiến và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới. Dự án Luật Nhà giáo được xây dựng với quan điểm mới về cách tiếp cận, chuyển từ quản lý chủ yếu bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng chuyên môn, chất lượng và từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực, nhằm phát triển toàn diện lực lượng nhà giáo, phù hợp với sự đổi mới sâu sắc và toàn diện từ hệ thống quản lý giáo dục tới quản trị trường học. Đối tượng, phạm vi áp dụng của dự án Luật Nhà giáo là nhà giáo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Đây là lần đầu tiên chúng ta xây dựng cơ sở pháp lý cho nhà giáo ngoài công lập, bảo đảm sự bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập về định danh, chuẩn nghề nghiệp, các quyền, nghĩa vụ, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm… Đây cũng là lần đầu tiên các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo được quy định rõ ràng, đầy đủ, có hệ thống. Chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Bên cạnh đó, điểm mới của luật này có quy định chính sách nghỉ hưu sớm cho giáo viên mầm non, chính sách hỗ trợ nhà ở cho giáo viên…

Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề để góp ý dự thảo luật này. Qua tiếp xúc cử tri, hầu hết cử tri tán thành việc xây dựng Luật Nhà giáo là cần thiết và phù hợp với chủ trương, quan điểm GD&ĐT là quốc sách hàng đầu; tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, thống nhất trong quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Tuy nhiên, đây là dự án luật được ngành Giáo dục quan tâm, nhưng cũng là luật khó, với phạm vi tác động lớn, có nhiều nội dung phức tạp. Do đó, đề nghị quý bậc cử tri là những người chịu tác động trực tiếp bởi các quy định của dự án luật tiếp tục cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo; rà soát lại các nội dung đã quy định trong các luật khác rồi thì không nên quy định trong dự thảo luật này, tránh tình trạng mâu thuẫn giữa các điều khoản trong Luật Nhà giáo với các luật khác như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Công chức, Luật Viên chức và Bộ luật Lao động…

* Trân trọng cảm ơn bà!

THÙY THẢO (thực hiện)

Ý kiến của bạn