Chiến thắng 1/4/1975, giải phóng tỉnh lỵ Tuy Hòa và giải phóng toàn bộ tỉnh Phú Yên là thắng lợi trọn vẹn của quân và dân tỉnh nhà cùng với sự hỗ trợ mang tính quyết định của bộ đội chủ lực, trong đó không thể không nhắc đến vai trò của dân quân du kích địa phương - những chiến sĩ “sao vuông”.
Mới đây, chúng tôi may mắn gặp được những chiến sĩ “sao vuông” đã từng tham gia chiến dịch Xuân 1975 trên chiến trường Phú Yên. Đó là ông Phan Thanh Nhung, nguyên Xã đội trưởng xã An Cư, huyện Tuy An (1972-1975); ông Lê Hữu Thành, nguyên Xã đội trưởng xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân (1973-1975); bà Trần Thị Tuyết Hạnh, nguyên Tiểu đội nữ du kích xã Hòa Đồng, huyện Tuy Hòa 1 (1971-1975)…
Người trẻ nhất đã 73, lớn nhất gần 80 tuổi, nhưng những cụ ông, cụ bà này vẫn còn nhớ rất rõ thời điểm giải phóng quê nhà cách đây tròn nửa thế kỷ.
Có mặt mọi lúc, mọi nơi
![]() |
Đội Nữ pháo binh cối 82 ly Tỉnh đội Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: LẠC HỒNG (chụp lại ảnh tư liệu) |
Theo những chứng nhân lịch sử này và những người mà chúng tôi đã gặp trước đó, như nguyên Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 1 Dương Dụ, nguyên Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 2 Nguyễn Văn Trúc…, từ đầu tháng 3/1975, ở hướng trọng điểm Tuy Hòa 1, du kích và bộ đội địa phương đánh một số trận tiêu diệt địch ở Hòa Phong, Hòn Sặc. Từ Hòa Thịnh, quần chúng nhân dân nổi dậy “đại náo” ra Hòa Đồng, lan dần đến Hòa Mỹ, Hòa Tân...
Đến ngày 9 và 10/3/1975, các xã Hòa Mỹ, Hòa Thịnh, Hòa Đồng, Hòa Tân, Hòa Hiệp, dân vệ, thám báo, tề xã, liên gia, ấp trưởng hoàn toàn tan rã. Đội du kích xã Hòa Xuân và TNXP phối hợp cùng lực lượng công binh gài mìn giữ trục quốc lộ 1, giữ cầu Bàn Thạch không cho địch phá hoại cầu đường.
“Thời gian này, dân quân du kích chúng tôi chủ yếu phục vụ chiến đấu, như tiếp đạn, tải thương, áp giải tù binh, vận chuyển chiến lợi phẩm, tiếp quản vùng mới được giải phóng”, bà Hạnh cho biết.
Ở Sông Cầu, Nhân dân các xã Xuân Lộc, Xuân Cảnh, Xuân Thịnh nổi dậy xua đuổi dân vệ và nhân viên chính quyền Sài Gòn chạy vào thị trấn Sông Cầu. Du kích bao vây, kêu gọi binh lính Sài Gòn về với gia đình, tuyên truyền hòa hợp, hòa giải, bức địch rút bỏ các chốt Xuân Thọ, Mùa Cua, làm chủ các xã; địch chỉ còn ở thị trấn không dám phản kích.
Ở Đồng Xuân, Đội công tác thị trấn La Hai cùng tổ vũ trang địa phương huyện lên phương án diệt chốt địch đóng ở đầu cầu và chợ La Hai; một tổ phụ nữ buôn bán ở chợ do chị Trần Thị Hai dẫn đầu làm nhiệm vụ trinh sát. Đêm đến, tổ phụ nữ này dẫn bộ đội vào vị trí chiến đấu, nổ súng tiêu diệt địch. Sáng hôm sau, “đội quân tóc dài” cùng du kích địa phương tiếp tục “đại náo” khu vực chợ. Địch tưởng ta tiến công lớn, hoảng hốt chạy về trụ sở quận. Ta làm chủ các thôn Long Hà, Long Thăng, Long Bình.
Kìm chân địch, hỗ trợ Nhân dân giành chính quyền
Sau khi ta giải phóng TX Buôn Ma Thuột, hệ thống phòng thủ của quân đội Sài Gòn ở Tây Nguyên đứng trước nguy cơ sụp đổ, buộc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải ra lệnh cho Quân đoàn 2 rút khỏi Pleiku, Kon Tum và toàn bộ Tây Nguyên về giữ vùng duyên hải miền Trung, chờ thời cơ phản kích trở lại.
Để phối hợp với chiến trường Tây Nguyên và chặn đánh quân địch theo đường 7 tháo chạy về đồng bằng, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Cán sự - Ban Chỉ huy Tỉnh đội xác định: Hướng trọng điểm là huyện Tuy Hòa 1, hướng thứ yếu là huyện Tuy Hòa 2 và TX Tuy Hòa.
Các huyện Đồng Xuân, Sông Cầu, Tuy An, Sơn Hòa, Tây Nam… là diện. Chủ yếu là sử dụng LLVT tại chỗ, gồm bộ đội huyện; dân quân du kích xã, thôn; đội công tác… có sự phối hợp nhất định của tỉnh (hỏa lực) thời gian đầu, ở những nơi cần thiết hỗ trợ Nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ.
Tư tưởng chỉ đạo của hoạt động tác chiến là: Bí mật, khẩn trương, chuẩn bị chu đáo, nắm chắc tình hình địch - ta, tranh thủ thời cơ và tạo thời cơ, tiến công kiên quyết và triệt để, tiêu diệt gọn từng đơn vị địch. Nghi binh giỏi, tạo điều kiện căng kéo địch trên từng hướng, tập trung lực lượng hợp lý trên từng khu vực, bảo đảm đánh chắc thắng trận đầu, đợt đầu, hiệu suất chiến đấu cao, hiệu quả hoạt động tác chiến lớn, hạn chế thương vong của ta đến mức thấp nhất, thực hiện càng đánh càng mạnh, dẻo dai trường sức.
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo hoạt động tác chiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cùng với mở lớp bồi dưỡng kỹ thuật, chiến thuật cho cán bộ tiểu đoàn, đại đội, huyện đội, xã đội; Ban Chỉ huy Tỉnh đội tiến hành mở hội nghị du kích chiến tranh, phát động thi đua giết giặc lập công, hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 1975 (*).
Ngày 11/3, ở hướng diện (Đồng Xuân, Tuy An, Sông Cầu), ta đồng loạt tiến công địch ở nhiều nơi, vừa đánh vừa nghi binh, kéo địch ra phía Bắc tỉnh để đánh lạc hướng chúng. “Ở Đồng Xuân, bộ đội tập trung của huyện và lực lượng du kích chúng tôi đánh vào Bắc La Hai, bao vây Xuân Phước, đánh dọc đường 6, Xuân Sơn; bộ đội đặc công đánh vào trung tâm La Hai.
Trong khi đó, cối 82 ly của đội nữ pháo binh liên tục nã đạn vào Bến Đá (La Hai)”, ông Lê Hữu Thành nhớ lại. Trong khi đó, ở Sông Cầu, bộ đội địa phương tập trung đánh vào khu Hòa Lợi, Túy Phong 7, Túy Phong 8 diệt dân vệ, thu vũ khí; du kích đánh bọn tuần đường ở Long Thạnh, Thạch Khê, giải phóng Xuân Lộc, Xuân Cảnh. Ở Tuy An, độ đội tiến công đại đội bảo an, thu vũ khí và tiếp tục tiến công An Mỹ, An Dân; du kích xã An Ninh đánh dân vệ ở Phú Sơn diệt một số tên…
Cũng trong ngày 11/3, bộ đội và du kích các huyện ở hướng diện đồng loạt tiến công địch ở nhiều nơi, như Phước Nhuận, La Hai, An Chấn, chi khu Phú Tân, Phú Sơn… Du kích cùng quần chúng nhân dân truy lùng, diệt nhiều tên ác ôn, phá các khu dồn Hà Bằng, Tam Giang, Hòa Lễ…; hàng nghìn người dân nổi dậy phá khu dồn, trở về làng cũ. “Sau đó, trong trận đánh Chí Đức - An Cư tôi bị thương nên được đưa về tuyến sau”, ông Phan Thanh Nhung cho hay.
Tiếp theo, từ ngày 17-25/3, cùng với các lực lượng, du kích các địa phương phối hợp chặn đánh tàn quân địch từ Tây Nguyên rút chạy theo đường 5 và quân địch tại chỗ, hỗ trợ quần chúng nhân dân giành chính quyền. Trong nhiều trận đánh, du kích còn tham gia dẫn đường cho bộ đội chủ lực hoặc kìm chân địch tại chỗ, tạo điều kiện cho chủ lực đánh đòn tiêu diệt. Ngoài ra, du kích còn làm nhiệm vụ giải giáp, gọi hàng, thu gom tàn quân địch, giữ gìn trật tự ở địa phương để bộ đội chủ lực rảnh tay tiếp tục tiến lên phía trước.
Thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Phú Yên là kết quả của việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng. Đó là thắng lợi của thế trận chiến tranh nhân dân, khẳng định sức mạnh to lớn của Nhân dân, dù khó khăn, ác liệt đến đâu đều vượt qua để giành chiến thắng. Trong thế trận đó, các cấp ủy đảng đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào chiến tranh du kích, kịp thời tuyên truyền, giáo dục tình hình nhiệm vụ mới, đưa phong trào phát triển đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao trình độ giác ngộ, lập trường, ý chí chiến đấu.
Ở mặt trận Bắc Tuy An, trong ngày 28-29/3, du kích An Ninh, An Thạch, An Dân phối hợp đánh địch tháo chạy từ Quy Nhơn - Sông Cầu vào theo hướng quốc lộ 1 và từ La Hai rút xuống; bảo vệ cầu Ngân Sơn không cho địch manh động đánh sập nhằm chặn đường tiến quân của quân Giải phóng. Đồng thời quy hàng hơn 500 binh lính Việt Nam cộng hòa, trong đó có thiếu tá Nguyễn Văn Gia, Chi khu phó Chi khu Đồng Xuân.
Khi bộ đội chủ lực tiến vào TX Tuy Hòa, lực lượng du kích hỗ trợ và phối hợp tích cực về mọi mặt, tiến công những vị trí còn lại, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà vào ngày 1/4/1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên địa bàn Phú Yên.