Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 5 năm 2012 trên cơ sở từ Khoa sản của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bước đầu hoạt động của đơn vị này được đánh giá khả quan. Bệnh viện đang hướng đến xây dựng một bệnh viện an toàn và thân thiện.
Phục vụ bệnh nhân tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên - Ảnh: V.HOÀNG
CHUYÊN MÔN SÂU
Từ khoa Sản của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi thành lập 3 khoa để có điều kiện phát triển chuyên khoa sâu về phụ sản. Các dịch vụ kỹ thuật cao được duy trì và phát triển như: phẫu thuật nội soi cắt tử cung, phẫu thuật nội soi chửa ngoài tử cung, phẫu thuật nội soi u nang buồng trứng…
Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm (xã Hòa Vinh, Đông Hòa) không còn lo lắng khi bệnh viện đã theo dõi và giúp chị “mẹ tròn con vuông” trong tình trạng bị nhau tiền đạo, mất máu nhiều trong một thời gian dài trước khi sinh.
Bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu và điều trị kịp thời, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Nhiều trường hợp bệnh nhân vào viện trong tình trạng nguy kịch đã được tập thể bác sĩ các khoa trong bệnh viện phối hợp cứu sống như: sản phụ Phạm Thị Phương Tuyến (Đông Hòa), sản phụ Trần Thị Kim Quyền (Sơn Hòa), sản phụ Lê Thị Hường (Sông Hinh). Tập thể các bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh của bệnh viện được Bộ Y tế biểu dương và UBND tỉnh tặng bằng khen vì cứu sống một sản phụ sau sinh bị băng huyết nặng, chuyển đến bệnh viện trong tình trạng rất nguy kịch, ngừng thở.
Khoa Sơ sinh và hồi sức sơ sinh được thành lập, với những trang thiết bị đồng bộ và đội ngũ bác sĩ được đào tạo chuyên khoa sâu, cách tổ chức sắp xếp các phòng điều trị hợp lý. Nhờ đó, tỉ lệ tử vong sơ sinh giảm rõ rệt, từ 14,8% năm 2011 còn 7,04% năm 2012. Khoa Nhi sơ sinh đã tạo niềm tin cho các gia đình khi có các cháu nằm điều trị tại đây. Khoa đã áp dụng điều trị thành công một số trường hợp bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh non tháng bằng Sunfactant; nuôi dưỡng đường tĩnh mạch cho những trường hợp sơ sinh cực non, sử dụng đèn chiếu vàng da hai mặt để điều trị vàng da sơ sinh…
Chị Lê Thị Ái Phượng (phường 5, TP Tuy Hòa) nói: “Cháu ngoại tôi khi sinh chỉ được 2kg, bị nhiễm trùng sơ sinh, được các y, bác sĩ chăm sóc trong lồng kính mà cháu tôi sức khỏe ổn định và được về nhà. Qua đây, tôi cũng thấy rất yên tâm vì thái độ ân cần của thầy thuốc”.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế, Bệnh viện Sản - Nhi đã đầu tư và triển khai các dịch vụ y tế tự nguyện như: phẫu thuật dịch vụ, phòng điều trị dịch vụ. Khi người bệnh vào điều trị tại bệnh viện được quyền chọn bác sĩ phẫu thuật và được chọn phòng điều trị theo yêu cầu.
TRIỂN KHAI NHIỀU KỸ THUẬT MỚI
Gần đây, Bệnh viện Sản - Nhi luôn trong tình trạng quá tải, lưu lượng bệnh nhân tại bệnh viện thường xuyên từ 300-320 bệnh nhân, có những ngày lên đến 370 bệnh nhân, trong khi số giường bệnh chỉ 200 giường. Tình trạng quá tải chủ yếu ở các khoa: Sơ sinh và hồi sức sơ sinh, Nhi tổng hợp, Hậu sản - hậu phẫu, Sản bệnh lý, Chăm sóc thai phụ và đẻ.
Mục tiêu phấn đấu của bệnh viện là hướng tới một bệnh viện an toàn và thân thiện. Bệnh nhân sau khi ra viện luôn hài lòng về các dịch vụ y tế và cách ứng xử của nhân viên y tế tại bệnh viện. Theo bác sĩ Lê Thị Bích Liên, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi, đơn vị sẽ triển khai ít nhất 5 kỹ thuật lâm sàng mới; triển khai thêm phẫu thuật ngoại nhi, nội soi phụ khoa nâng cao, điều trị hiếm muộn… Cùng với đó, bệnh viện giảm tải bằng cách tăng cường điều trị ngoại trú vượt 10% so với năm 2012, giảm ngày điều trị trung bình dưới 6,5 ngày. Bệnh viện trang bị các thiết bị cận lâm sàng hiện đại nhằm nâng cao hoạt động của các khoa cận lâm sàng về kỹ thuật, độ chính xác, thời gian… đáp ứng yêu cầu chẩn đoán cho lâm sàng; phát triển thêm một số xét nghiệm cao cấp; triển khai thêm từ 1-3 kỹ thuật cận lâm sàng mới.
Với những mục tiêu đưa ra như trên, lãnh đạo bệnh viện xác định: chặng đường trước mắt còn nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực hiện có 260 người, trong đó có 34 bác sĩ, mỗi khoa trong bệnh viện chỉ có 2-3 bác sĩ. Bệnh viện không thể giải quyết nghỉ phép cho các bác sĩ mà động viên các bác sĩ làm việc và hỗ trợ phép bằng lương. Bác sĩ Hoàng Hồ Thống Nhất, Phó trưởng Khoa Sơ sinh và hồi sức sơ sinh thổ lộ: Về chuyên môn, chúng tôi đã học chuyên khoa và học thêm từ các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế chuyển giao theo Đề án 1816 của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, cùng với việc đầu tư trang thiết bị phù hợp cho khoa nên chúng tôi yên tâm trong công tác điều trị. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là thiếu bác sĩ nên ngoài trực ở khoa, bác sĩ còn phải hỗ trợ cho khoa khác và luôn phải trực dày theo kiểu “giã gạo”.
Thiếu nhân lực, song bệnh viện vẫn tổ chức chỉ đạo tuyến dưới theo Đề án 1816 của Bộ Y tế: Giám sát tình hình tai biến sản khoa, tử vong sơ sinh; hướng dẫn quy trình hồi sức sơ sinh, sử dụng lồng đèn ấp và đèn chiếu vàng da cho trẻ sơ sinh; sử dụng siêu âm màu về tim mạch… cho các bệnh viện tuyến huyện.
Bác sĩ Lê Thị Bích Liên cho biết: “Cùng với việc phát triển về chuyên môn, chúng tôi tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chống mọi biểu hiện tiêu cực, những thái độ không tốt gây phiền hà cho người bệnh; thực hiện tốt quy tắc ứng xử và quy định về giao tiếp. Những kết quả đạt được trong thời gian qua là do sự đoàn kết và thống nhất cao trong tập thể lãnh đạo của bệnh viện, sự nhiệt tình và tận tụy với nghề của các bác sĩ; sự tin tưởng và cố gắng của mỗi cán bộ công nhân viên. Tôi mong muốn sắp tới có thêm sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành với phương án tăng số giường bệnh của bệnh viện lên 300 giường”.
VŨ HOÀNG