Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) Phú Yên vừa công bố điều tra IKAPS (chỉ số % về mức độ được thông tin, hiểu biết, cách nhìn, thực hiện và kỹ năng về một vấn đề) trong 10 năm (2001-2010) tại 30 xã của tỉnh về nhận thức và thực hành chăm sóc SKSS của người dân. Trong 10 chỉ số được điều tra, Phú Yên đã có 8 chỉ số nằm ở ngưỡng từ báo động đến có vấn đề.
Siêu âm thai phụ để chẩn đoán dị tật bẩm sinh trước sinh trong chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản tại xã Xuân Hòa (TX Sông Cầu) - Ảnh: L.BI
NHIỀU TỒN TẠI
Theo các chuyên gia ngành Y tế, nếu chỉ số IKAPS lớn hơn 15% thì tình trạng đang ở mức báo động. Nếu chỉ số này lớn hơn 30% thì đã có vấn đề về sức khỏe cộng đồng. Với gần 50% phụ nữ Phú Yên chưa biết những nguy cơ về vấn đề chăm sóc SKSS phụ nữ là một bài toán nan giải. Mặt khác, trong khi cả nước có 69/100.000 (phụ nữ tử vong/trẻ sơ sinh còn dấu hiệu sống) thì con số này ở Phú Yên là 70 phụ nữ, đặc biệt miền núi có đến 108 phụ nữ. Điều đáng tiếc là phần lớn các ca chết mẹ là do không kịp đưa sản phụ đến bệnh viện khi có sự cố xảy ra.
Những dịch vụ cơ bản nhất cần thiết cho một sản phụ: nhân viên y tế đỡ đẻ, chăm sóc sau đẻ một tuần đầu, tiêm phòng uốn ván đủ 2 mũi và phụ nữ đi khám thai đủ 3 lần tính ở khu vực đồng bằng, Phú Yên vẫn thấp hơn mức trung bình chung của cả nước. Hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho việc đỡ đẻ ở tuyến y tế cơ sở chưa thể đáp ứng được nhu cầu người dân. Chỉ có 39% số trạm y tế xã có phòng đẻ riêng nhưng lại thiếu những dịch vụ cơ bản cho sản phụ như thuốc chống co giật hay bộ kiểm tra cổ tử cung…
Tai biến gây tử vong người mẹ phần lớn là do băng huyết. Nhưng hiện nay bệnh viện và các trung tâm y tế chỉ mới đáp ứng được 76,8% dịch vụ này. Gần đây đã có trường hợp thai phụ chết do tai biến sản khoa ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên khiến nhiều người lo lắng. Chị Diễm Liên (xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) nói: “Tôi rất hoang mang khi hay tin sản phụ chết trong thời gian gần đây ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Cũng đã từng vào viện sinh nở, tôi thấy có những y bác sĩ chưa thật sự tận tâm với bệnh nhân. Tôi mong họ sẽ có trách nhiệm hơn nữa với nghề nghiệp của mình”.
Chỉ với 23% bác sĩ chuyên khoa sản, ngành Y tế Phú Yên vẫn đang thiếu trầm trọng nhân lực chuyên khoa này. Điều đáng nói là Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên sắp đi vào hoạt động thì vấn đề về nguồn nhân lực cho bệnh viện này càng trở nên cấp bách.
GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ
Chiến lược dân số (2011-2020) đã lồng ghép vấn đề DS, SKSS và nội dung kế hoạch hóa gia đình được “ẩn” vào 2 nội dung trên. Điều này cho thấy nhà nước đã xem chăm sóc SKSS là một yếu tố ổn định, bền vững góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Kế hoạch hành động về DS, SKSS của tỉnh Phú Yên (2011-2015) đã quy định rất rõ nội dung tiếp tục hoàn thiện hệ thống mạng lưới y tế, trang thiết bị, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và đào tạo nhân lực cho ngành Y tế nhằm tác động một cách chuyên sâu đến từng nhóm đối tượng theo trọn vòng đời và chu kỳ sinh sản. Theo đó, trước mang thai, phụ nữ khám sàng lọc trước sinh. Mặt khác, ngành Y tế quan tâm đến SKSS vị thành niên nhằm loại trừ việc mang thai ngoài ý muốn và phát hiện gen dị tật của người mẹ…
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS Phú Yên, thành lập Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên là một giải pháp hiệu quả và mở ra triển vọng lớn trong việc chăm sóc SKSS. Tuy nhiên, bệnh viện chỉ sắp đi vào hoạt động nên sẽ còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề về nhân lực. Ông Tuấn cho rằng việc nhanh chóng nâng cấp Trường trung cấp Y tế Phú Yên thành trường cao đẳng để đào tạo chuyên sâu, đồng thời ưu tiên đào tạo nữ hộ sinh là rất cần thiết cho bệnh viện mới. Ngoài ra, tỉnh cần chú trọng việc phát triển quy hoạch song song giữa y tế công lập và ngoài công lập để tạo sự cạnh tranh. Việc xã hội hóa để thành lập các trung tâm chẩn đoán y khoa với quy mô nhỏ ở tuyến huyện, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và tư vấn chuyên sâu đến từng đối tượng, nhóm… cũng sẽ góp phần chuyển biến mạnh mẽ chất lượng chăm sóc SKSS.
Chỉ số IKAPS (2001-2010) cho thấy Phú Yên vẫn còn rất nhiều nguy cơ về SKSS, từ sự thiếu hiểu biết của sản phụ. 31,2% phụ nữ có thai không biết bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào; 23,7% phụ nữ không uống viên sắt; 41,9% phụ nữ không biết dấu hiệu nguy hiểm nào khi chuyển dạ; từ 5-10% phụ nữ đẻ ở nhà tại vùng dân tộc miền núi; 35,8% phụ nữ sau sinh không biết dấu hiệu nguy hiểm nào; 25,1% người không biết đúng thời điểm cần kế hoạch hóa gia đình sau sinh; 30% phụ nữ không biết dấu hiệu nguy hiểm nào ở trẻ sơ sinh; 39,5% bà mẹ không cho con bú nửa giờ sau sinh.
DIỆU ANH