Phục hồi chức năng sớm sau tai biến mạch máu não

Phục hồi chức năng sớm sau tai biến mạch máu não

Tại Hội thảo Quy trình - kỹ thuật phục hồi chức năng (PHCN) sớm mới đây ở Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN tỉnh, Báo Phú Yên đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trần Văn Chương, nguyên Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Hội); Ủy viên Hội đồng tư vấn quốc gia về PHCN của Bộ Y tế về PHCN sau tai biến mạch máu não.

Tại Hội thảo Quy trình - kỹ thuật phục hồi chức năng (PHCN) sớm mới đây ở Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN tỉnh, Báo Phú Yên đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trần Văn Chương, nguyên Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Hội); Ủy viên Hội đồng tư vấn quốc gia về PHCN của Bộ Y tế về PHCN sau tai biến mạch máu não.

phcn111114.jpg

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị tai biến tại Bệnh viện Điều dưỡng PHCN Phú Yên - Ảnh: T.THỦY

* Phó giáo sư có thể cho biết vai trò của PHCN đối với bệnh nhân bị tai biến mạch máu não?

- Cùng với công tác phòng bệnh và khám, chữa bệnh, công tác PHCN là một trong 3 nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế.

Tai biến mạch máu não gồm chảy máu não và thiếu máu não cục bộ. Tai biến mạch máu não thường xảy ra đột ngột, tiến triển nhanh có thể hôn mê. Hầu hết những người bị tai biến mạch máu não sau này thường có di chứng rất nặng nếu như bỏ qua bước PHCN. Tai biến mạch máu não thường có tỉ lệ tử vong cao, nhưng tỉ lệ tàn tật cũng rất cao đối với những người còn sống. Với các nước phát triển, sau khi điều trị tai biến mạch máu não người ta đưa bệnh nhân vào PHCN ngay. Ở nước ta, có nhiều bệnh nhân bị tai biến nhưng họ không đến bệnh viện vì không thấy nặng. Thật ra, đến các cơ sở PHCN, chắc chắn bệnh nhân và người nhà sẽ được hướng dẫn chu đáo và hiệu quả mang lại là bệnh nhân được phục hồi, ít để lại di chứng.

* Khi xảy ra tai biến thì người nhà bệnh nhân phải làm gì?

- Người nhà bệnh nhân phải đưa ngay người bệnh vào bệnh viện, kể cả bệnh không nặng. Nếu như vì điều kiện, trước đó chưa đưa đến được bệnh viện trong giai đoạn cấp thì nên đưa đến cơ sở PHCN. Ở đó, người ta sẽ hướng dẫn tập luyện bằng phương pháp vật lý trị liệu mà nguyên tắc của PHCN là nhân viên vừa tập cho bệnh nhân vừa hướng dẫn cho người nhà để người nhà tiếp tục giúp đỡ người bệnh phục hồi tại nhà.

* Trong PHCN có khái niệm thời điểm vàng. Xin phó giáo sư cho biết rõ điều này?

- Người bị tai biến mạch máu não cần thời điểm vàng cho điều trị và thời điểm vàng cho PHCN. Vì trong tai biến mạch máu não có rất nhiều thuốc nhưng không có thuốc điều trị đặc hiệu, vì thế các chuyên gia tim mạch, thần kinh cố gắng cấp cứu, cung cấp đủ o xy cho não sao cho có ít tế bào chết và làm nhiều tế bào sống lại. Thời điểm vàng trong PHCN là trong 3 tháng, đặc biệt trong tháng đầu, nếu bệnh nhân được PHCN tốt, điều dưỡng tốt thì sức khỏe sẽ tiến triển nhanh. Khả năng phục hồi của người bệnh tùy thuộc nhiều vào tổn thương của họ và cách điều trị, PHCN ở bệnh viện. Trong 3 tháng đầu, cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và thầy thuốc đều chạy đua với bệnh tật. Nếu sau 3 tháng mà người bệnh không được PHCN thì dễ mắc phải những di chứng sau này.

* Bệnh nhân bị tai biến thì điều gì quan trọng nhất để PHCN đạt hiệu quả cao nhất?

- Yếu tố ban đầu là cấp cứu bệnh nhân kịp thời và được điều trị tích cực ở khoa tim mạch, thần kinh và các khoa khác. Bệnh nhân được ổn định chức năng sống rồi thì nên chuyển sang PHCN sớm. Thực tế trong thời gian qua, sự phối hợp giữa PHCN và khoa khác ở các bệnh viện chưa ổn. Bệnh nhân thường được điều trị rồi cho ra viện, sau một thời gian bệnh nhân quay lại bệnh viện nên gặp rất nhiều khó khăn trong PHCN và các vấn đề khác. PHCN quyết định chất lượng cuộc sống của người bệnh sau này, vì vậy cần có sự phối hợp giữa các khoa liên quan với nhau…

* Khi bị tai biến nặng xảy ra thường để tại di chứng cho người bệnh, vì vậy, quan trọng nhất là phòng bệnh. Bác sĩ hãy cho biết một số kinh nghiệm về vấn đề này?

Thời gian qua, các chương trình điều trị đái tháo đường, tăng huyết áp… đã được đẩy mạnh công tác truyền thông. Bệnh nhân bị tai biến mạch máu não thường là do huyết áp cao, do đái tháo đường và do các bệnh khác gây ra. Nếu điều trị các bệnh đó ổn thì coi như chúng ta phòng được tai biến. Một vài ví dụ thực tế để phòng bệnh như những người cao huyết áp phải uống thuốc đều đặn như lời bác sĩ dặn, không ăn mặn để phòng tăng huyết áp; người bị tiểu đường không ăn ngọt, hàng ngày phải vận động ít nhất là một tiếng…

* PGS đánh giá như thế nào về chương trình PHCN ở Bệnh viện Điều dưỡng PHCN Phú Yên?

- Đây là đơn vị triển khai khá tốt hoạt động PHCN sau tai biến mạch máu não nói riêng và các bệnh lý khác nói chung. Giám đốc bệnh viện này luôn tìm tòi, học hỏi để áp dụng những phương pháp PHCN tiên tiến để giải quyết vấn đề tàn tật của người bệnh. Hội thảo Quy trình kỹ thuật - PHCN sớm được bệnh viện này tổ chức cũng là một cách làm hay khi Bộ Y tế đang có chủ trương phát hiện sớm, can thiệp sớm những khuyết tật. Qua hội thảo, nhân viên y tế các lĩnh vực tim mạch, chấn thương, điều dưỡng… cùng có sự phối hợp để điều trị, PHCN. Đây cũng là nơi nổ phát pháo đầu tiên trong hoạt động này.

* Xin cảm phó giáo sư!

VŨ HOÀNG (thực hiện)

Từ khóa:

Ý kiến của bạn