Thứ Năm, 03/10/2024 09:38 SA
Khi nào thì nên khởi đầu tiêm insulin
Thứ Sáu, 23/09/2011 10:30 SA

Bạn đã trải qua trạng thái cảm xúc khi được bác sĩ thông báo tình trạng đường huyết của bạn không thể khống chế được bằng thuốc uống mà phải chuyển sang sử dụng tiêm insulin chưa? Có lẽ có người cảm thấy như “đất dưới chân mình sụp xuống” hoặc “bàng hoàng như sét đánh ngang tai”. Tất cả các cảm xúc đó sẽ không có nếu bạn hiểu biết nhất định về thời điểm khởi đầu cần sử dụng insulin ở bệnh nhân tiểu đường (TĐ).

 

tu-van-td110923.jpg

Tư vấn về bệnh tiểu đường cho bệnh nhân ở Trạm Y tế xã Suối Trai - Ảnh: V.HOÀNG

Bệnh TĐ là bệnh lý mạn tính của tuyến tụy, cho đến nay nguyên nhân gây bệnh vẫn còn nhiều bàn cãi, nhưng các yếu tố nguy cơ dẫn đến TĐ thường được đề cập đến như chế độ ăn uống, sinh hoạt, di truyền, béo phì, suy dinh dưỡng ở trẻ em thời kỳ đầu của cuộc sống…

 

Bệnh TĐ được phân nhiều loại như TĐ týp 1, TĐ týp 2, TĐ thai nghén… Nhưng hai thể TĐ thường được đề cập đến đó là TĐ týp 1 (phụ thuộc insulin) và TĐ týp 2 (không phụ thuộc insulin). Trong TĐ týp 1 thì tụy không tiết được insulin nên bắt buộc phải đưa insulin từ ngoài vào. TĐ týp 2 thì tụy vẫn còn tiết được insulin nhưng không đủ hoặc đủ insulin mà tế bào sử dụng kém với insulin. Dựa vào cơ chế đó để các nhà chuyên môn chỉ định điều trị cho các bệnh nhân TĐ.

 

Đối với TĐ týp 1 thì điều trị bằng insulin là bắt buộc không có gì phải bàn cãi, nhưng với TĐ týp 2 thì điều trị chủ yếu bằng phối hợp 3 biện pháp: chế độ ăn, uống; thuốc điều chỉnh lượng đường trong máu và luyện tập thể dục thể thao. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến sử dụng thuốc đối với TĐ týp 2.

 

Hiện nay, thuốc điều trị TĐ rất đa dạng, phong phú nhờ đó bệnh nhân bị TĐ không phải khổ sở như trước đây. Các thuốc điều trị TĐ thường tập trung thành 3 nhóm: nhóm kích thích tiết insulin, nhóm kích thích tế bào sử dụng insulin và nhóm giảm hấp thu gluxit qua đường tiêu hóa. Theo quan điểm điều trị hiện nay thì thường phối hợp các nhóm với nhau và khởi đầu bằng liều thấp và duy trì ở liều hiệu quả (tức là liều thuốc đủ để khống chế mức đường huyết an toàn). Cũng theo nghiên cứu của các nhà khoa học, mỗi năm có khoảng 5% bệnh nhân TĐ týp 2 không còn đáp ứng với thuốc uống mặc dù đã được sử dụng thuốc ở liều tối đa, do đó phải chuyển qua sử dụng insulin. Như vậy, sau 10 năm sẽ có khoảng 50% các bệnh nhân TĐ týp 2 chuyển sang sử dụng insulin. Vậy có phải khi bác sĩ chỉ định bạn sử dụng insulin là bệnh của bạn đã nặng? Không đúng, vì sử dụng insulin là cách đưa insulin từ ngoài vào để chuyển hóa đường thành năng lượng cho cơ thể hoạt động. Việc tiêm insulin phụ thuộc vào tình trạng tiết và sử dụng insulin của cơ thể bạn. Nếu các thuốc kích thích tiết insulin không còn đáp ứng hoặc lượng insulin của cơ thể bạn tiết ra không đủ mà yêu cầu chuyển hóa cơ thể bạn tăng lên (bị các bệnh cần phẫu thuật, thủ thuật…) thì việc tiêm insulin là cần thiết. Hiện nay các nhà khoa học dựa vào các bằng chứng nghiên cứu đã khuyến cáo rằng đối với các bệnh nhân bị TĐ týp 2 thì xen kẽ với sử dụng thuốc uống và tiêm insulin, sẽ có hiệu quả điều trị rất tốt. Tiêm insulin xen kẽ vừa giúp cho các tế bào tuyến tụy có các đợt “nghỉ nghơi” nên kéo dài tuổi thọ của tế bào tuyến tụy, đồng nghĩa với kéo dài thời gian điều trị bằng thuốc uống.

 

Như vậy, chỉ định tiêm insulin khi các thuốc đường uống ở liều tối đa không điều chỉnh được mức đường huyết về an toàn. Thực tế cho thấy, các bệnh nhân TĐ týp1 tiêm insulin suốt đời vẫn bình thường, các bệnh nhân TĐ týp 2 nhất là những bệnh nhân thể trạng gầy thì tiêm insulin để “có da có thịt” hơn và nếu xen kẽ tiêm insulin thì tế bào bê ta tuyến tụy có tuổi thọ kéo dài hơn.

 

Vì vậy, khi được bác sĩ chỉ định cho bạn tiêm insulin bạn không phải băn khoăn lo lắng gì, cũng không phải bệnh của bạn đã nặng lên mà chỉ là thay thứ thuốc này bằng một thứ thuốc khác phù hợp hơn với trình trạng bệnh lý. Hơn nữa hiện nay thuốc insulin tiêm có rất nhiều loại, tiện sử dụng nên bạn có thể tự tiêm ở nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

GĐ Trung tâm TTGDSK Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek