Bệnh tả là một bệnh nhiễm trùng đường ruột do vi trùng Vibrio cholerae gây ra, độc tố của vi trùng này gây tiêu chảy nặng kèm theo mất nước. Đây là một bệnh gây thành dịch, lây lan rất nhanh và có thể tử vong nếu không được bù nước và điện giải kịp thời. Ở Việt Nam trước đây đã có nhiều vụ dịch tả xảy ra, nhưng nhờ công tác vệ sinh phòng chống tốt nên dịch tả đã được khống chế trong một thời gian dài. Đầu năm nay, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm lại xảy ra rải rác ở một số địa phương.
![]() |
Cẩn thận cho trẻ ăn quà vặt trước cổng trường - Ảnh: T.HẰNG
|
Phú Yên tuy chưa có trường hợp nào bị tiêu chảy cấp nghi do tả. Nhưng với sự thay đổi phức tạp của thời tiết, nhiệt độ môi trường thường xuyên trên 37oC, thói quen ăn rau sống, uống nước đá của nhiều người… thì nguy cơ lây lan dịch là rất lớn.
Chúng tôi xin cung cấp một số thông tin về nguyên nhân, triệu chứng lâm sàng, cách dự phòng để bạn đọc biết và phòng chống bệnh tả có hiệu quả.
Nguyên nhân gây ra bệnh tả thường là do dùng nước nhiễm vi trùng gây bệnh. Vi trùng gây bệnh có nhiều nhất ở trong phân người bệnh và trong nước thải có chứa phân. Ngoài ra, cá và các thực phẩm khác từ nguồn nước nhiễm vi trùng gây bệnh cũng có thể là nguồn gây bệnh do nấu ăn không kỹ hoặc ăn hải sản sống.
Bệnh tả có thể phòng tránh được nếu con người luôn ăn chín, uống sôi. Tuyệt đối không ăn rau sống, hải sản tươi sống, tiết canh, uống nước đá… trái cây phải ngâm nước muối, gọt sạch vỏ trước khi ăn.
Khi bị bệnh tả thì biện pháp chữa trị quan trọng nhất là phải cung cấp nước điện giải cho người bệnh bằng các đường uống, truyền tĩnh mạch. Trong trường hợp chưa đến kịp cơ sở y tế thì bù nước điện giải bằng đường uống. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyên nên cho uống một dung dịch đường và muối gồm có các thành phần sau: Glucose 2,5g/l, bicacbonat natri (muối ăn) 3,5g/l, clorit kali 1,5g/l . Với những biện pháp này tỉ lệ tử vong có thể giảm đáng kể.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên