Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra thông điệp kêu gọi tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ làm mọi cách để người dân được tiếp cận với thực phẩm đủ dinh dưỡng và an toàn. Đó chính là chìa khóa để duy trì sự sống và thúc đẩy sức khỏe tốt.
Nhiều tác nhân gây hại cho sức khỏe
Trên thế giới, ước tính mỗi năm có 600 triệu người (chiếm tỉ lệ gần 10% dân số toàn cầu) bị bệnh sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm bẩn, trong đó 420.000 người chết, 33 triệu người bị suy giảm sức khỏe. Thực phẩm không an toàn (có các tác nhân có hại cho sức khỏe như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc các chất hóa học) có thể gây nên hơn 200 bệnh khác nhau, từ tiêu chảy đến ung thư. Thực phẩm không an toàn tạo ra vòng luẩn quẩn của bệnh tật và suy dinh dưỡng, đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, trẻ em, người già và người bệnh.
An toàn thực phẩm (ATTP), dinh dưỡng và an ninh lương thực có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Hơn nữa ATTP, dinh dưỡng và an ninh lương thực còn góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, thúc đẩy phát triển bền vững. Mục tiêu của WHO là nâng cao năng lực phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với những đe dọa đến sức khỏe cộng đồng liên quan đến thực phẩm không an toàn ở mức độ quốc gia và toàn cầu.
Thực phẩm nhiễm vi sinh vật là một trong những mối quan tâm về sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới. Hầu hết các quốc gia có các tài liệu hướng dẫn cách phát hiện dấu hiệu nguy cơ thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật và có thể gây nên bệnh cho người sử dụng. Mối nguy hiểm của vi sinh vật trong thực phẩm bao gồm vi khuẩn như Salmonella, virus như Norovirus, ký sinh trùng như các loại sán lá.
Bệnh tiêu chảy hầu hết là do sử dụng thực phẩm bị nhiễm bẩn, làm cho 550 triệu người bị bệnh, 230.000 người tử vong mỗi năm. Hơn nữa, bệnh tiêu chảy còn làm suy dinh dưỡng và còi cọc, tăng chi phí chăm sóc... Đó là hậu quả của việc sử dụng thực phẩm nhiễm bẩn.
WHO đưa ra đánh giá rủi ro khoa học, hướng dẫn quản lý nguy cơ và phổ biến các thông điệp tuyên truyền cho tất cả người tiêu dùng, cố vấn các chính phủ của họ tăng cường ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh từ thực phẩm. Đồng thời, WHO đưa ra những hướng dẫn để xác định nguy cơ phơi nhiễm chất hóa học trong thực phẩm để các quốc gia xây dựng tiêu chuẩn ATTP nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng cũng như sự thông suốt trong lĩnh vực thương mại.
Hóa chất có trong thực phẩm có thể là phụ gia được thêm vào hoặc ô nhiễm từ môi trường không khí, nước và đất. Đây là mối quan tâm về sức khỏe trên toàn thế giới và là nguyên nhân hàng đầu gây trở ngại thương mại.
Bên cạnh đó, cần mở rộng hệ thống kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Hệ thống kiểm soát ATTP quốc gia đóng vai trò nòng cốt trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo công bằng trong thương mại thực phẩm. Hệ thống kiểm soát ATTP quốc gia phải đảm bảo hoạt động hiệu quả và đạt mục tiêu tốt nhất trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, vì vậy cần chọn những mục tiêu ưu tiên và cần thiết.
Tăng cường truyền thông
Tuyệt đối không cung cấp thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng hay nghi ngờ kém chất lượng; không vì lợi nhuận mà bất chấp nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng. |
Trên cơ sở đó, các địa phương, tùy theo điều kiện, đưa ra những biện pháp cần thiết trong việc nhận diện nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng cần tăng cường truyền thông, kiểm tra, giám sát các cơ sở cung cấp, chế biến, các bếp ăn tập thể, các nhà hàng, khách sạn, người cung cấp thức ăn đường phố... tuân thủ quy định về ATTP.
Người cung cấp thực phẩm phải đảm bảo các yêu cầu theo quy định của cơ quan chức năng, có khả năng nhận biết cơ bản về thực phẩm an toàn và những thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm cao.
Tuyệt đối không cung cấp thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng hay nghi ngờ kém chất lượng; không vì lợi nhuận mà bất chấp nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng. Đảm bảo vệ sinh khi chế biến và cung cấp thực phẩm. Riêng người tiêu dùng hãy là người tiêu dùng thông thái, rửa tay trước khi ăn, ăn chín, uống chín và có quyền từ chối thực phẩm không an toàn.
Tại Phú Yên, vừa qua, một chiến dịch truyền thông đã được phát động nhằm nâng cao ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, giảm đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc nhiều người mắc do sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Song song với hoạt động truyền thông, công tác kiểm tra, hậu kiểm được đặc biệt quan tâm nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP ở các cấp, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác này; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, đồng thời đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATTP.
BS NGUYỄN VINH QUANG