Là một căn bệnh âm thầm tiến triển theo tuổi tác, loãng xương không chỉ ảnh hưởng đến sức mạnh của hệ cơ xương khớp mà còn để lại hậu quả nặng nề. Gãy xương do loãng xương là một gánh nặng về KT-XH ở mọi quốc gia, vì người bị gãy xương do loãng xương có nguy cơ tử vong cao, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh khác, gia tăng nguy cơ tái gãy xương. Do đó, việc phòng ngừa sớm, điều trị sớm bệnh loãng xương cần được đặc biệt chú trọng.
Báo Phú Yên phỏng vấn GS Nguyễn Văn Tuấn (Đại học Công nghệ Sydney, Australia và Viện Nghiên cứu Tâm Anh) về tầm quan trọng của phòng ngừa bệnh loãng xương; những tiến bộ trong việc đánh giá nguy cơ loãng xương, gãy xương và ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI) trong chẩn đoán loãng xương.
GS Nguyễn Văn Tuấn có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu y khoa, là người Việt đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm y học Australia; Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học bang New South Wales; Viện sĩ Hiệp hội Nghiên cứu loãng xương Hoa Kỳ. Ông là tác giả, đồng tác giả hơn 350 công trình nghiên cứu được công bố trên các tập san y khoa hàng đầu trên thế giới...
Cần phòng ngừa sớm bệnh loãng xương
* Thưa giáo sư, việc phòng ngừa bệnh loãng xương quan trọng như thế nào và đã được quan tâm đúng mức hay chưa?
GS Nguyễn Văn Tuấn |
- Theo nghiên cứu của chúng tôi ở TP Hồ Chí Minh và một số nghiên cứu ở Hà Nội, cứ 100 người phụ nữ sau 50 tuổi, sau mãn kinh thì có khoảng 25 người bị loãng xương, nhưng đa số họ không biết. Còn ở nam giới sau 50 tuổi, tỉ lệ loãng xương chiếm khoảng 10%, tức là cứ 100 người đàn ông thì có 10 người bị loãng xương. Tỉ lệ loãng xương ở nam giới ít hơn nữ giới, nhưng khi bị gãy xương do loãng xương thì nam giới có xu hướng chết nhanh hơn nữ giới.
Đây là một sự thật mà ít người biết tới, bởi vì đa số công chúng không xem bệnh xương khớp là bệnh quan trọng. Họ nghĩ rằng nếu bị gãy xương thì tới gặp bác sĩ ngoại khoa để điều trị là xong. Nhưng chuyện không đơn giản như vậy, bởi mỗi một ca gãy xương từ năm 50 tuổi trở đi là tín hiệu cho thấy cơ thể đang bị suy yếu.
Đó chính là lý do sau khi điều trị gãy xương rồi, nguy cơ tử vong vẫn tăng cao so với những người không bị gãy xương. Thực tế đó đặt ra yêu cầu phải phòng ngừa loãng xương.
Theo tôi thấy, chiến dịch phòng ngừa loãng xương ở Việt Nam chưa được đẩy mạnh. Đa số bác sĩ vẫn nghĩ tới chuyện dùng thuốc hoặc dùng các biện pháp để can thiệp. Chúng ta phải nghĩ đến những biện pháp phòng ngừa loãng xương tốt hơn. Thứ nhất là duy trì cân nặng ở mức độ có thể chấp nhận được. Những người quá nhẹ cân thì nguy cơ bị gãy xương cao hơn, thành ra phải duy trì cân nặng vừa phải.
Công cụ BONEcheck dùng để đánh giá nguy cơ loãng xương và gãy xương, được labo nghiên cứu loãng xương của GS Nguyễn Văn Tuấn thiết kế và xây dựng. Ảnh: YÊN LAN |
Cố gắng duy trì BMI - chỉ số khối cơ thể - trong khoảng 18 cho tới 24 là tốt nhất. Cách tính chỉ số BMI là cân nặng chia cho bình phương chiều cao. Thứ hai là calcium và vitamin D. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng cứ 100 người phụ nữ Việt Nam thì có khoảng 60-70% thiếu vitamin D. Và khi thiếu vitamin D thì cơ thể không hấp thu, chuyển hóa được calcium.
Mỗi ngày, một người cần khoảng 1.000mg calcium nhưng với chế độ ăn của chúng ta hiện nay, lượng calcium cung cấp cho cơ thể chỉ được chừng một nửa: 500mg. Chúng ta vừa thiếu calcium vừa thiếu vitamin D. Do đó, phải làm sao cung cấp đủ calcium cho cơ thể từ chế độ ăn uống và duy trì cung cấp vitamin D cho đầy đủ qua phơi nắng, nếu không phơi nắng được thì có thể dùng bổ sung vitamin D.
Đối với nam giới, việc ngưng hút thuốc lá rất quan trọng, bởi hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ lớn dẫn đến loãng xương. Uống nhiều bia cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến loãng xương. Thành ra phải ngưng thuốc lá, và nếu có uống bia thì uống vừa phải; uống bia kiểu không biết đến ngày mai thì rất nguy hiểm! Ngoài những vấn đề đó, yếu tố quan trọng nhất là vận động thể lực.
Ở Phú Yên, tôi thấy bơi lội là cách vận động rất tuyệt vời để tăng mật độ xương. Phú Yên có biển, chúng ta xuống biển là có vitamin D! Tôi nghĩ rằng với cư dân miền Trung, chuyện vận động thể lực, hấp thụ đầy đủ vitamin D nằm trong tầm tay của mình.
Một cách khác để vận động thể lực, cũng rất tuyệt vời, đó là khiêu vũ. Tôi thường khuyên những người lớn tuổi là nên khiêu vũ, vừa vui vừa tốt cho sức khỏe. Tôi không khuyên họ chạy như giới trẻ. Bơi lội, khiêu vũ, đi bộ là rất tuyệt vời!
Đó là một số biện pháp phòng ngừa loãng xương.
Bước tiến trong đánh giá nguy cơ loãng xương, gãy xương
* Giáo sư có thể cho biết những tiến bộ trong việc đánh giá nguy cơ loãng xương, gãy xương?
- Đánh giá nguy cơ loãng xương, gãy xương rất quan trọng. Chúng ta đã biết những yếu tố nguy cơ rồi. Thứ nhất là cao tuổi, thứ hai là nhẹ cân, thứ ba là hút thuốc lá, thứ tư là thiếu calcium, vitamin D - với khoáng chất và vitamin này thì phải làm xét nghiệm mới biết được.
Nhưng có những yếu tố không cần phải đo lường gì cả, mà chúng ta sử dụng các công cụ có trên mạng, ví dụ như công cụ BONEcheck của chúng tôi. Đây là một hệ thống các thuật toán được dùng để đánh giá nguy cơ loãng xương và gãy xương cho mỗi người.
Bạn vô BONEcheck, điền các thông tin về chiều cao, cân nặng, độ tuổi, có hút thuốc lá không, đã bao nhiêu lần gãy xương tính từ khi 50 tuổi, đã té ngã bao nhiêu lần trong một năm qua… thì công cụ này có thể tiên lượng nguy cơ bị loãng xương, nguy cơ gãy xương và tái gãy xương...
BONEcheck được triển khai vào năm ngoái, được sử dụng trên toàn cầu. Ai cũng có thể sử dụng và hoàn toàn miễn phí. Tại Việt Nam cũng có nhiều người sử dụng. Một số đồng nghiệp ở Việt Nam đã làm nghiên cứu cho thấy công cụ này đánh giá rất chính xác. Ngoài công cụ này còn có công cụ khác của Tổ chức Y tế thế giới.
Cứ 100 người phụ nữ sau 50 tuổi, sau mãn kinh thì có khoảng 25 người bị loãng xương, nhưng đa số họ không biết. Còn ở nam giới sau 50 tuổi, tỉ lệ loãng xương chiếm khoảng 10%, tức là cứ 100 người đàn ông thì có 10 người bị loãng xương.
GS Nguyễn Văn Tuấn (Đại học Công nghệ Sydney, Australia và Viện Nghiên cứu Tâm Anh) |
* AI giúp ích như thế nào trong việc chẩn đoán, phòng ngừa bệnh loãng xương, thưa giáo sư?
- AI là một xu hướng rất “nóng” trên thế giới. Nói đến trí thông minh nhân tạo là nói đến cái chung. Trong thực tế, chúng ta nói đến Machine Learning, sau Machine Learning là Deep Learning, nghĩa là học sâu. Chúng ta tạo ra những cỗ máy mô phỏng trí thông minh của con người để có thể phân tích những đặc điểm và hỗ trợ chúng ta đưa ra quyết định.
Trong y khoa, AI hỗ trợ rất tốt trong việc chẩn đoán. Labo chúng tôi đã phát triển một thuật toán dựa vào mô thức AI để tự động chẩn đoán gãy xương đốt sống. Chúng tôi gọi là mô hình Shape-Based Algorithm.
Thuật toán SBA có khả năng đọc mỗi đốt sống, tính toán các thông số về chiều cao, bề rộng và tỉ số chiều cao. Dựa vào tiêu chuẩn Kellgren-Lawrence, thuật toán này có thể nhận dạng những ca gãy xương đốt sống. Khi so sánh với chẩn đoán của bác sĩ, thuật toán SBA đạt độ chính xác lên đến 93%.
Ứng dụng thứ hai là tiên lượng bệnh tật. Ví dụ đối với một bệnh nhân 60 tuổi, đã từng bị gãy xương, mật độ xương thế này..., câu hỏi đặt ra là nguy cơ tái gãy xương khoảng bao nhiêu phần trăm? AI có thể tiên lượng được. AI nói cứ 100 người như vậy thì sẽ có khoảng 20 người bị gãy xương.
Đối với bác sĩ, AI như một phụ tá y khoa. Và, AI còn giúp cho bệnh nhân. Người bệnh có thể mô tả tất cả các triệu chứng và đặt câu hỏi, AI sẽ đưa ra hàng loạt gợi ý để họ đi khám chuyên khoa. Ngoài ra, AI còn nhiều ứng dụng khác rất là tuyệt vời.
* Xin cảm ơn giáo sư!
YÊN LAN (thực hiện)