Loãng xương và thoái hóa khớp ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là người cao tuổi. Vì vậy, hai căn bệnh này cần được quan tâm phòng ngừa, điều trị sớm và quản lý chặt chẽ cùng các bệnh thường gặp khác ở người cao tuổi.
Hai bệnh thường đồng mắc, gia tăng ở người cao tuổi
Theo thông tin từ Hội nghị khoa học thường niên lần XVIII vừa được Hội Loãng xương TP Hồ Chí Minh tổ chức tại TP Tuy Hòa, số người bị thoái hóa khớp chiếm 20% dân số; 1 trong 3 phụ nữ (33%) và 1 trong 5 nam giới (20%) trên 50 tuổi bị loãng xương. Hậu quả nghiêm trọng của loãng xương và thoái hóa khớp là gãy xương, mất khả năng vận động, đau đớn và mất chất lượng sống.
Gãy xương do loãng xương là một gánh nặng về KT-XH đối với mọi quốc gia, vì người bị gãy xương do loãng xương có nguy cơ tử vong cao, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh khác, gia tăng nguy cơ tái gãy xương. Gần 25% bệnh nhân bị gãy xương vùng hông sẽ tử vong trong vòng 12 tháng. Vì vậy, biến cố gãy xương do loãng xương được coi là nặng nề tương đương với đột quỵ trong bệnh tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim trong các bệnh mạch vành.
Còn thoái hóa khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp gối, gây đau đớn kéo dài, người bệnh bị giảm chất lượng sống, mất khả năng vận động, lao động và sinh hoạt, mất đi cuộc sống độc lập. Loãng xương và thoái hóa khớp lại thường đồng mắc và gia tăng ở người cao tuổi. Vì vậy, 2 căn bệnh này ngày càng trở thành gánh nặng rất lớn đối với nhiều gia đình và toàn xã hội.
Báo Phú Yên phỏng vấn PGS.TS.BS Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam, về 2 căn bệnh phức tạp và thường gặp nhất ở chuyên ngành Thấp khớp học, luôn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặc biệt quan tâm.
* Thưa phó giáo sư, đâu là những thách thức trong chẩn đoán và điều trị sớm bệnh thoái hóa khớp và loãng xương?
PGS.TS. BS Lê Anh Thư |
- Sự xuất hiện của những bệnh này liên quan đến tuổi tác, đặc biệt là đối với phụ nữ. Thường thì ở tuổi 40, chúng ta phải để ý đến xương khớp của mình rồi, bởi phụ nữ luôn luôn có nguy cơ cao hơn nam giới. Vì vậy, phải biết là mình đang đứng ở cái ngưỡng có nguy cơ và đi tầm soát, kiểm tra. Chúng ta cũng phải lắng nghe cơ thể, nếu có bất thường thì phải đi khám…
Khi bước đi, nếu chân lạo xạo, đó là triệu chứng sớm của thoái hóa khớp, phải đi khám và điều trị, chứ để đến khi đi không được thì nói làm gì nữa. Còn nếu lâu lâu lại bị vọp bẻ, đau nhức dọc các xương dài… thì hãy nghĩ đến loãng xương. Bệnh loãng xương lúc đầu rất là mơ hồ, không có triệu chứng, còn khi có triệu chứng đau, thường là liên quan đến gãy xương, thì đã trễ rồi. Tất cả những điều đó, các bác sĩ đều biết nhưng đôi khi vì nhiều lý do, mọi người không quan tâm nhiều lắm cho nên bỏ sót.
Cơ thể chúng ta là một khối thống nhất, vì vậy phải quan tâm chung đến cơ thể và bảo vệ, phòng ngừa.
* Dinh dưỡng và vận động có ý nghĩa thế nào trong việc phòng ngừa bệnh loãng xương, thưa phó giáo sư?
- Dinh dưỡng và vận động có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa tất cả các bệnh, kể cả thoái hóa khớp. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta nhấn mạnh đến vai trò của dinh dưỡng và vận động trong phòng ngừa loãng xương.
Canxi là một khoáng chất rất quan trọng đối với cơ thể, tồn tại chủ yếu trong xương. Hãy tưởng tượng cơ thể chúng ta có một “ngân hàng xương”, và “ngân hàng” đó hao hụt dần theo tuổi tác. Nếu “ngân hàng xương” của chúng ta đầy đủ lúc trưởng thành thì sau này, khi mất đi một số do tuổi tác, chúng ta vẫn còn để dùng.
Nhưng nếu “ngân hàng” đó ngay từ đầu đã yếu thì theo thời gian và tuổi tác, còn đâu nữa mà dùng! Cho nên phải tạo khối lượng xương ngay từ đầu, để chúng ta có một “ngân hàng xương” thật tốt, như vậy thì nguy cơ loãng xương sẽ thấp hơn. Còn nếu để cho “ngân hàng xương” của mình yếu thì đương nhiên, nguy cơ loãng xương trong tương lai sẽ tới gần.
Canxi là một khoáng chất vô cùng quan trọng nhưng cơ thể không tự tổng hợp được, bắt buộc chúng ta phải cung cấp canxi cho cơ thể qua chế độ ăn. Nếu chế độ ăn không đủ thì bổ sung canxi từ thực phẩm chức năng, dược phẩm.
Loãng xương và thoái hóa khớp là hai căn bệnh ảnh hưởng đến sức mạnh của hệ cơ xương khớp, gia tăng theo tuổi, gây hậu quả nặng nề, làm mất khả năng vận động, giảm chất lượng sống của con người. Hai căn bệnh này cần được đặc biệt chú trọng phòng ngừa sớm, điều trị sớm và quản lý chặt chẽ cùng các bệnh lý thường gặp khác ở người cao tuổi như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành… |
Chế độ ăn của người Việt thường chỉ cung cấp khoảng một nửa lượng canxi so với nhu cầu hằng ngày của cơ thể một người bình thường, chưa nói đến người bị loãng xương. Cơ thể những người bị loãng xương cần nhiều canxi hơn. Rõ ràng, dinh dưỡng có vai trò quan trọng. Chúng ta cần bảo đảm đầy đủ các thành phần dinh dưỡng theo nhu cầu từng lứa tuổi từ việc chọn lựa và sử dụng hợp lý lương thực, thực phẩm, thực phẩm nâng cao… qua chế độ ăn hằng ngày. Chúng ta bổ sung các vitamin, khoáng chất, các dưỡng chất thiết yếu để hỗ trợ hệ cơ xương khớp và tăng cường hệ thống miễn dịch thông qua thuốc và các sản phẩm thực phẩm chức năng hiệu quả, phù hợp.
Tuy nhiên, chỉ lưu ý đến dinh dưỡng thôi vẫn không đủ. Dinh dưỡng phải kết hợp với vận động thể lực. Nếu chúng ta có lối sống tĩnh tại, không vận động thì dù có bổ sung cái gì cũng không ăn thua! Dinh dưỡng hợp lý và vận động cũng phải hợp lý; người trẻ vận động khác, người cao tuổi vận động khác. Và đối với người cao tuổi thì phải chú ý phòng tránh té ngã, chấn thương trong mọi hoàn cảnh. Bác sĩ phải dặn bệnh nhân điều này.
Phòng ngừa, điều trị sớm bệnh lý xương khớp
* Đây là lần thứ hai Hội Loãng xương TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị khoa học thường niên tại TP Tuy Hòa, sau 7 năm. Từ hội nghị khoa học này, Hội Loãng xương TP Hồ Chí Minh muốn gửi đi thông điệp gì, thưa phó giáo sư?
- Chúng ta sử dụng cái gì thì cũng phải giữ gìn, bảo vệ để sử dụng được lâu dài. Hệ cơ xương khớp là một hệ vận động, được sử dụng từ khi chúng ta bắt đầu cuộc sống của mình, vậy thì nó cũng phải được bồi bổ để phát triển đến mức tốt nhất, rồi nó cũng phải được duy trì thật tốt. Khi chúng ta nhiều tuổi, mọi thứ đều hư hao thì phải giữ làm sao để nó hư hao chậm, đúng không?
Khi tuổi thọ của con người tăng lên, kỳ vọng sống của chúng ta nhiều hơn. Khi cao tuổi rồi, không đi làm nữa thì còn được đi chơi, đi thăm chỗ nọ chỗ kia, gặp gỡ bạn bè... Nếu chỉ ngồi một chỗ, bó chân trong bốn bức tường, thử hỏi tuổi thọ đó có ý nghĩa gì không? Mục tiêu của WHO là “Lão hóa khỏe mạnh”. Và khi người cao tuổi vẫn khỏe mạnh thì họ còn là nguồn lực cho xã hội chứ không phải là gánh nặng đối với xã hội.
Thông điệp của Hội Loãng xương TP Hồ Chí Minh là chúng ta phải bảo vệ xương khớp; những bệnh lý xương khớp phải được chú trọng phòng ngừa sớm, điều trị sớm và quản lý chặt chẽ cùng các bệnh lý thường gặp khác ở người cao tuổi như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành…. Thực tế đã chứng minh, hệ cơ xương khớp khỏe mạnh sẽ cung cấp cho con người năng lực để tham gia các hoạt động thể chất, năng lực để duy trì một cuộc sống năng động, độc lập và cơ hội để kiểm soát các bệnh lý đồng mắc ở người cao tuổi. Bảo vệ hệ cơ xương khớp là bảo đảm cho tương lai.
* Xin cảm ơn phó giáo sư!
YÊN LAN (thực hiện)