Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng với gần 1.000 người phải nhập viện, cấp cứu, thậm chí tử vong chỉ trong thời gian ngắn, báo động tình trạng mất an toàn thực phẩm. Gam màu tối trong bức tranh về an toàn thực phẩm gióng lên hồi chuông cảnh báo phải hành động để bảo đảm sức khỏe, tính mạng con người.
Những ngày này, thông tin dồn dập, liên tục cập nhật con số hơn 550 người ở Đồng Nai nhập viện, cấp cứu, nhiều trường hợp tiên lượng rất nặng vì ăn phải bánh mì không đảm bảo an toàn. Khánh Hòa cũng liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng trăm người nhập viện, 1 người tử vong, nạn nhân phần lớn là học sinh khi ăn cơm gà, cơm cuộn.
Vấn đề là, những cơ sở này hằng ngày cung cấp cho người tiêu dùng hàng trăm đến cả ngàn sản phẩm, trong khi không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP. Nguyên liệu, thực phẩm tự chế biến từ nguồn nguyên liệu mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào...
Lỗ hổng trong quản lý, ý thức của người sản xuất, kinh doanh, buôn bán nhỏ và cả người tiêu dùng chính là nguy cơ tiềm ẩn mất ATTP hàng ngày, hàng giờ, bất cứ nơi đâu, từ gia đình ra tiệm quán, ở bất cứ địa phương nào trên cả nước. Hệ quả, người tiêu dùng chỉ còn biết cầu may được sử dụng thực phẩm sạch, an toàn trong thời đại cần ăn ngon chứ không phải ăn no như trước.
Thực tế, câu chuyện mất ATTP không mới nhưng chưa bao giờ cũ và tăng qua mỗi năm. Thống kê năm 2022, cả nước ghi nhận 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, 18 người tử vong. Con số này của năm 2023 là 125 vụ, làm 2.100 người ngộ độc, 28 người tử vong.
Xảy ra ngộ độc thực phẩm, người người phải “rửa ruột”, ra viện và trở về nhà, không may thì xảy ra trường hợp tử vong; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đóng cửa, mất khách - hậu quả rõ ràng trước mắt. Tuy nhiên, hậu quả ngấm ngầm của việc dùng phải thực phẩm mất an toàn kéo dài bào mòn, hủy hoại sức khỏe là vô cùng. Bởi nhiều nghiên cứu, thống kê chỉ ra rằng, thực phẩm không an toàn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra hơn 200 bệnh, trong đó có ung thư.
Vì vậy cần hành động ngay, quyết liệt, thường xuyên, bài bản trong đình chỉ, kiểm tra hoạt động, điều kiện kinh doanh các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt lưu ý các điểm bán nhỏ lẻ, kinh doanh thức ăn đường phố. Đây được xem là biện pháp thiết thực để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Thực tế, việc quản lý, cấp phép cho cơ sở bán thức ăn đường phố không phải dễ dàng, nhưng nếu không có giải pháp chấn chỉnh thì những ca ngộ độc tập thể vẫn tiếp tục xảy ra.
Đạo đức trong sản xuất kinh doanh, kỹ lưỡng trong tiêu dùng, hoạt động theo tiêu chuẩn về ATTP đã được quy định tại Luật ATTP và cao điểm trong Tháng Hành động vì ATTP (15/4-15/5 hằng năm) - có thể được xem là cách thức hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người. Hết sức lưu ý, các cơ quan chức năng không chỉ hành động cao điểm trong mỗi tháng hành động. Yếu tố quyết định là, mỗi người và các cơ sở cung cấp thực phẩm cần phải biết, nâng cao nhận thức về mối nguy của thực phẩm bẩn đối với sức khỏe, tính mạng con người.
Nếu xảy ra ngộ độc, con người chịu ảnh hưởng về sức khỏe trước tiên; cơ sở ngừng kinh doanh, mất uy tín, bị phạt hành chính và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thực hiện tổng hòa những biện pháp nêu trên mới mong giảm bớt, tiến tới ngăn xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm.
Bảo đảm ATTP là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người và còn là quyền cơ bản của mỗi người dân; ATTP ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, phát triển giống nòi. Vì vậy, hành động vì ATTP bao giờ cũng khẩn thiết.
NGỌC DUYÊN