Bệnh đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù hàng đầu trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Vậy làm thế nào để giữ ánh sáng cho đôi mắt?
Bác sĩ Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên phẫu thuật thay thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco với thiết bị hiện đại. Ảnh: YÊN LAN |
Nguyên nhân gây mù hàng đầu
Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên vừa tổ chức khám miễn phí, tầm soát bệnh lý đục thủy tinh thể (dân gian gọi là cườm khô) cho bệnh nhân đang điều trị tại các khoa: Nội Tim mạch - Lão học, Nội tổng hợp và Nội thần kinh - Nội tiết cùng người nhà của họ.
BSCKI Nguyễn Thị Đam, Phó phụ trách Khoa Mắt, cho biết: “Mục tiêu của khoa là khám sàng lọc bệnh đục thủy tinh thể để tư vấn cho bà con về hướng điều trị. Nhiều người bị đục thủy tinh thể nhưng không biết, cứ nghĩ mình cao tuổi nên mắt mờ là điều hiển nhiên và không có cách điều trị”.
Đây là hoạt động rất có ý nghĩa đối với người bệnh nhằm nâng cao nhận thức về bệnh lý này, đặc biệt là những bệnh nhân cao tuổi, sống ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, ít có cơ hội chăm sóc sức khỏe đôi mắt.
Sau khi khám tầm soát khoảng 600 bệnh nhân và người nhà của họ, các bác sĩ chuyên khoa Mắt phát hiện nhiều người bị đục thủy tinh thể. Đáng chú ý, tại Khoa Nội tim mạch - Lão học, phần đông bệnh nhân bị đục thủy tinh thể - một trong những bệnh thường gặp ở người già.
Theo tài liệu chuyên môn của Bộ Y tế, bệnh đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù hàng đầu trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tại Mỹ, tỉ lệ đục thủy tinh thể chiếm đến 50% ở nhóm người từ 65-74 tuổi, tăng dần tới 70% ở những người trên 75 tuổi. Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra các bệnh về mắt gây mù ở người trên 50 tuổi, nguyên nhân gây mù do đục thủy tinh thể chiếm 74%.
Người bị đục thủy tinh thể có gặp một hay nhiều triệu chứng, trong đó triệu chứng chính là nhìn mờ. Về sau, nhìn xa hay gần bệnh nhân đều thấy mờ, cuối cùng bị mù.
Bảo vệ đôi mắt
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này. Đục thủy tinh thể tuổi già do quá trình lão hóa thủy tinh thể là nguyên nhân chính. Đục thủy tinh thể liên quan đến các bệnh tại mắt: cận thị, chấn thương, viêm màng bồ đào, sau phẫu thuật glocom, sau phẫu thuật nội nhãn...
Đục thủy tinh thể liên quan đến các bệnh toàn thân: đái tháo đường, tăng huyết áp, các bệnh lý có hội chứng giả bong bao, sử dụng corticosteroid lâu ngày... Đục thủy tinh thể do thường xuyên tiếp xúc với tia tử ngoại, tia X, ánh sáng tia chớp, tia hàn...
Riêng đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ em do các bệnh trong quá trình mang thai hoặc yếu tố di truyền. Cũng phải kể đến các yếu tố liên quan đến đục thủy tinh thể, như không cung cấp các chất dinh dưỡng cho mắt; dùng quá nhiều chất kích thích như bia rượu; hút thuốc lá...; thường xuyên bị stress; tiếp xúc với môi trường khói bụi ô nhiễm...
Khi bệnh đục thủy tinh thể ảnh hưởng đến chức năng thị giác, đã gây biến chứng hoặc có thể gây biến chứng, hoặc cản trở việc theo dõi và điều trị bệnh lý dịch kính, võng mạc, glocom… thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Phương pháp tiên tiến đang được áp dụng hiện nay là phẫu thuật Phaco (phacoemulsification).
Phẫu thuật viên sử dụng năng lượng siêu âm từ máy phaco để cắt nhuyễn thủy tinh thể và hút ra ngoài qua đường phẫu thuật nhỏ rồi thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo. Phương pháp phaco có nhiều ưu điểm: vết phẫu thuật nhỏ, phục hồi thị lực nhanh, ít loạn thị, người bệnh có thể ra viện sớm.
BSCKI Bùi Anh Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cho biết: “Bệnh viện Đa khoa Phú Yên có đầy đủ nhân lực và phương tiện để phẫu thuật điều trị các bệnh thường gặp ở mắt, trong đó có bệnh đục thủy tinh thể”.
Để phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể, chúng ta hãy loại bỏ các yếu tố liên quan đến căn bệnh này mà có thể loại bỏ được, như điều trị sớm các bệnh tại mắt, kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp; không lạm dụng corticosteroid; hạn chế sử dụng bia rượu, bỏ thuốc lá; tránh bị stress kéo dài; hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc với môi trường khói bụi ô nhiễm... Mặt khác, cần chú ý cung cấp các chất dinh dưỡng cho mắt thông qua việc ăn nhiều trái cây, rau xanh, uống nhiều nước; nên đeo kính râm, đội mũ khi ra ngoài nắng để bảo vệ đôi mắt.
Đặc biệt, theo bác sĩ Bùi Anh Hòa, những người mắc bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh thận mạn... từ 5 năm trở lên phải đi khám chuyên khoa mắt để được soi đáy mắt hoặc chụp hình võng mạc nhằm phát hiện sớm những bất thường. Theo thống kê, ở những bệnh nhân đái tháo đường lâu năm, mắt là bộ phận hứng chịu biến chứng đầu tiên, vì mạch máu ở mắt nhỏ nhất.
“Người có những bệnh nền này từ 5 năm trở lên cần kiểm tra đáy mắt định kỳ 3 hoặc 6 tháng một lần, để can thiệp kịp thời. Còn khi đã xuất huyết rồi thì thị lực bị giảm. Và khi đã xuất huyết rồi thì dễ gây viêm và tạo sẹo, võng mạc bong lên, ảnh hưởng rất lớn đến chức năng thị giác”, bác sĩ Bùi Anh Hòa khuyến cáo.
Những người mắc bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh thận mạn tính… từ 5 năm trở lên phải đi khám chuyên khoa mắt để được soi đáy mắt hoặc chụp hình võng mạc nhằm phát hiện sớm những bất thường.
BSCKI Bùi Anh Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên |
YÊN LAN