Là bệnh thầm lặng nhưng rất phổ biến, loãng xương dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Ước tính cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi thì có 1 người bị loãng xương; tỉ lệ này ở nam là 1/10. Biến chứng nặng nề của loãng xương là gãy xương. Đáng nói là 20% số bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi sẽ tử vong trong vòng 6 tháng đầu, 50% mất khả năng đi lại, 25% bệnh nhân cần sự trợ giúp, chăm sóc tại nhà...
Vậy làm thế nào để dự phòng những hệ lụy của bệnh loãng xương? Báo Phú Yên trao đổi với ThS, BS Mai Thanh Việt (Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh) về vấn đề này.
* Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gãy xương, trong đó có nguyên nhân loãng xương. Tuy nhiên sau khi xử trí gãy xương, việc điều trị bệnh loãng xương dường như chưa được quan tâm đúng mức. Có thể lý giải điều này như thế nào, thưa bác sĩ?
- Nguyên nhân là đang thiếu một hệ thống. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng thiếu hệ thống này và họ đang cố gắng lấp khoảng trống đó bằng một dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Hệ thống đó mang lại lợi ích rất lớn, khởi phát từ từng bệnh viện một khi đã ý thức đến việc điều trị những trường hợp gãy xương do loãng xương. Nếu bệnh nhân gãy xương do loãng xương thì trong tương lai, nhất là trong 2 năm sau đó, họ có nguy cơ gãy xương tiếp vì nhiều nguyên nhân chứ không chỉ đơn thuần là xương của họ yếu.
Tại sao người khác loãng xương không gãy xương mà họ lại bị? Có nhiều yếu tố khác, ví dụ như họ ít vận động, khả năng cân bằng kém nên dễ té ngã hơn người khác. Thứ hai là sau mỗi lần gãy xương thì chất lượng xương càng bị giảm nhanh hơn so với những người không gãy xương.
Cho nên nếu chúng ta không chú ý đến những người gãy xương do loãng xương để can thiệp sớm thì khả năng rất cao là họ sẽ tiếp tục bị gãy xương. Và mỗi lần gãy xương thì khả năng đi lại giảm, tử vong tăng cao.
Muốn giảm tỉ lệ gãy xương do loãng xương thì phải có sự phối hợp đa ngành, cần có một đơn vị đứng ra điều hành việc đó, kết nối bệnh nhân với các bác sĩ. Trước tiên là tìm ra bệnh nhân và thông tin cho họ về các nguy cơ mà họ sẽ gặp phải.
Và sau khi đánh giá thì sẽ can thiệp để giảm nguy cơ gãy xương do loãng xương, ví dụ: hướng dẫn họ tập luyện, bổ sung canxi và vitamin D từ nguồn thức ăn, đồng thời tránh các yếu tố nguy cơ: rượu, cà phê, thuốc lá... Những người có bệnh nền làm cho tình trạng loãng xương nặng hơn thì phải điều trị sớm.
Khi can thiệp rồi thì chương trình đó không chỉ giới hạn ở bệnh viện. Muốn mở rộng, bệnh viện phải có ý thức về việc này, phải liên kết với các dịch vụ ở bên ngoài, vì họ không thể kiểm soát bệnh nhân xuyên suốt. Họ chỉ kiểm soát được trong năm đầu, sau đó chuyển giao cho một nhóm tại địa phương để tiếp tục kiểm soát, điều trị cho bệnh nhân thì mới đạt hiệu quả lâu dài. Loãng xương phải được điều trị lâu dài, 5-10 năm chứ không chỉ 1-2 năm.
Điều quan trọng nhất là phải hình thành được đội ngũ - đội ngũ quản lý những bệnh nhân từng gãy xương do loãng xương. Họ sẽ liên kết với các bệnh viện và các đơn vị tại địa phương để đưa những bệnh nhân được tìm thấy đi can thiệp, điều trị và sau đó đưa về địa phương điều trị tiếp thì mới đẩy lùi được nguy cơ gãy xương lại. Bác sĩ gia đình là một trong những người tham gia vào quá trình đó.
Mặt khác, chúng ta cũng chưa có dịch vụ phòng chống té ngã. Nếu có các đơn vị phòng chống té ngã tại địa phương, họ sẽ tiếp nhận và hỗ trợ những bệnh nhân có nguy cơ té ngã cao, như hướng dẫn bệnh nhân tập luyện và theo dõi; hướng dẫn bệnh nhân sắp xếp nhà cửa, gắn các thiết bị, dụng cụ hạn chế té ngã và hướng dẫn cho người nhà, người chăm sóc. Đa số bệnh nhân loãng xương là người lớn tuổi, cần hạn chế nguy cơ té ngã.
* Loãng xương rất nguy hiểm. Vậy làm thế nào để nhận biết, ngăn ngừa, thưa bác sĩ?
- Có 2 việc phải đánh giá để ngăn ngừa gãy xương do loãng xương. Một là phải đo mật độ xương của bệnh nhân, thứ hai là hạn chế, loại bỏ nguy cơ té ngã. Cần can thiệp để xương chắc hơn và giảm nguy cơ té ngã.
Tất cả bệnh nhân trên 50 tuổi, có tiền sử gãy xương do loãng xương thì đưa vào chương trình đó. Và tất cả những người trên 65 tuổi cần được đánh giá nguy cơ té ngã để hướng dẫn, can thiệp giảm té ngã bằng cách tập luyện, sắp xếp nhà cửa, có chế độ dinh dưỡng phù hợp, đặc biệt là bổ sung canxi và vitamin D.
* Theo bác sĩ, khi nào thì nên đo mật độ xương?
- Sau 40 tuổi nên đo mật độ xương mỗi năm một lần. Nếu mật độ xương tốt thì sau 2-3 năm mới đo lại, còn nếu phát hiện thiếu xương rồi thì phải đo mỗi năm một lần để theo dõi, can thiệp.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Sau 40 tuổi nên đo mật độ xương mỗi năm một lần. Nếu mật độ xương tốt thì sau 2-3 năm mới đo lại, còn nếu phát hiện thiếu xương rồi thì phải đo mỗi năm một lần để theo dõi, can thiệp.
ThS, BS Mai Thanh Việt (Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh) |
YÊN LAN (thực hiện)