Sau một thời gian thiếu các loại vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, vừa qua Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thông báo có hơn 4 triệu liều vắc xin (nguồn viện trợ) để phân bổ cho cả nước trong tháng 1/2024. Như vậy, sắp tới, trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng ở Phú Yên được tiêm vắc xin 5 trong 1 miễn phí theo hướng dẫn Bộ Y tế.
Tiêm đầy đủ vắc xin 5 trong 1 giúp cơ thể trẻ đạt được sức đề kháng tối đa và bền vững. Ảnh: INTERNET |
Vắc xin 5 trong 1 có khả năng phòng ngừa đồng thời 5 loại bệnh nguy hiểm có nguy cơ mắc cao ở trẻ em, bao gồm bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B (hoặc bại liệt) và bệnh viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib gây ra.
Bên cạnh đó, bằng cách tiêm phòng đầy đủ, trẻ không chỉ bảo vệ bản thân mà còn đóng góp vào việc tăng cường sức khỏe cộng đồng. Việc ngừa bệnh ở mức độ rộng lớn giúp ngăn chặn sự lây lan của các loại bệnh nguy hiểm trong cộng đồng.
Hiện nay trên thị trường có 2 loại vắc xin 5 trong 1 là vắc xin SII (Ấn Độ) và vắc xin Pentaxim (Pháp).
Theo lịch tiêm chủng được công bố rộng rãi, cả hai loại vắc xin 5 trong 1 đều có lịch tiêm giống nhau, bao gồm 4 mũi trong đó 3 mũi chính và 1 mũi nhắc lại.
- Mũi 1: Khi trẻ đủ 2 tháng tuổi.
- Mũi 2: Khi trẻ đủ 3 tháng tuổi.
- Mũi 3: Khi trẻ đủ 4 tháng tuổi.
- Mũi 4 nhắc lại (DPT4): Khi trẻ đủ 18-24 tháng tuổi.
Mỗi mũi tiêm cơ bản cách nhau ít nhất 28 ngày để đảm bảo cơ thể trẻ có thời gian phản ứng và xây dựng đầy đủ kháng thể. Mũi nhắc lại từ 18-24 tháng tuổi giúp duy trì hiệu quả của vắc xin và củng cố sức đề kháng của trẻ trước các bệnh truyền nhiễm. Việc tuân thủ đúng lịch trình tiêm chủng này rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho trẻ.
Trẻ tiêm càng muộn thì khả năng phòng ngừa nhiễm bệnh càng thấp, nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn so với những trẻ được tiêm đầy đủ. Do đó, nếu phát hiện trẻ bị chậm lịch tiêm phòng, cha mẹ nên chủ động cho trẻ đi tiêm bù (tiêm đuổi) càng sớm càng tốt.
Để phát hiện sớm, xử trí kịp thời những tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1, cha mẹ nên lưu ý những nguyên tắc quan trọng: Ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để nhân viên y tế theo dõi phản ứng sau tiêm đề phòng các biến cố có thể xảy ra.
Sau khi về nhà, cần theo dõi trẻ ít nhất trong 24 giờ đầu, đặc biệt là ban đêm. Không đè lên vị trí tiêm hoặc chạm vào chỗ tiêm của trẻ khi ẵm. Cho trẻ bú trường xuyên. Tránh để trẻ nằm bú có thể gây sặc sữa. Không đắp bất cứ vật gì lên vết tiêm, ngay cả khi vị trí tiêm bị sưng tấy. Không tự ý cho trẻ sử dụng thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt khi không có chỉ định của bác sĩ.
BS TRẦN NGỌC THÂN
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên