Vào dịp lễ, tết hay mùa lễ hội, nhu cầu đi chơi, tham quan tăng lên. Các quán ăn tự phát, tạm thời xuất hiện rất nhiều. Hàng quán được dựng tạm bợ, thiếu nước sạch, thiếu điều kiện chế biến và bảo quản thực phẩm an toàn, thiếu phương tiện thu gom rác thải... nên thức ăn dễ ô nhiễm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Thức ăn đường phố khá phong phú, người mua có thể lựa chọn nhanh chóng đồ ăn thức uống với giá cả phù hợp, tiết kiệm nhiều thời gian. Tuy nhiên, nguyên liệu chế biến thức ăn đường phố - nhất là thức ăn được bán trên các xe hàng rong, quầy hàng di động - thường không có xuất xứ rõ ràng và chưa được kiểm soát.
Không ít người mua là khách vãng lai, nên người bán hàng cũng có tâm lý bán một lần là xong, không cần giữ khách, vì vậy họ thường không quan tâm tới chất lượng thực phẩm. Thức ăn đường phố được bày bán ngoài mặt đường, tiếp xúc với khói bụi, rác bẩn đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, chưa nói đến quá trình chế biến có đảm bảo vệ sinh hay không.
Người bán phục vụ nhiều khách hàng cùng một lúc, tốc độ phục vụ nhanh, thức ăn có thể chưa đủ thời gian chín; thức ăn chín và sống để cạnh nhau dễ gây nhiễm khuẩn; thức ăn được chuẩn bị từ sớm cũng có nguy cơ bị ôi thiu. Mặt khác, khâu bảo quản thực phẩm ở những hàng quán này thường không được chú trọng, khó thực hiện và đây cũng là nguyên nhân chính gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Đối với thức ăn đường phố, ngay cả khi được chế biến đúng cách nhưng bảo quản không đúng cách thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn có thể xảy ra. Có những loại vi khuẩn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người nếu ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn.
Chẳng hạn, vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy; vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn; vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột; vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương; vi khuẩn Clostridium gây tiêu chảy; vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả... Khi thực phẩm bị nhiễm khuẩn ở mức độ cao, dù có nấu chín, đun sôi cũng khó mà loại bỏ hết các độc tố.
Để tránh những rủi ro liên quan đến ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố, người dân cần thận trọng và tìm hiểu kỹ khi mua những loại thực phẩm như mực khô, bò khô, hoa quả dầm, nộm, thịt nướng… được bày bán ở những nơi bụi bặm, không đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, không ăn rau sống, rau thơm thường được dùng ăn kèm với các món bún riêu, bánh cuốn, bánh mì patê… được bày bán ở các hàng quán vỉa hè. Do người chế biến thức ăn đường phố không có đủ nước sạch và môi trường xung quanh dễ nhiễm bẩn, nên trong rau sống có thể ẩn chứa các loại ấu trùng giun, sán. Nếu mua các món ăn này về nhà thì nên rửa lại rau sống cho sạch với nước muối. Mặt khác, không ăn quẩy, bánh rán, nem rán… được chế biến trong những chảo dầu, mỡ có màu quá đen.
Chúng ta nên chọn mua thức ăn ở những địa chỉ quen thuộc, có độ tin cậy cao. Ẩm thực đường phố là một nét văn hóa, nhưng cần truyền thông để người bán hàng tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng hãy lựa chọn các loại thực phẩm phù hợp, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng, nói không với thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
MINH NGUYỆT
(Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa)