Thứ Ba, 17/09/2024 01:52 SA
Nắng nóng và sức khỏe
Thứ Hai, 28/08/2023 09:22 SA

Mùa hè, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc trên 40oC, độ ẩm thấp kèm theo gió tây nam làm cho không khí ngột ngạt... Đây chính là các yếu tố nguy cơ cho sức khỏe, nhất là người già, trẻ em, những người có bệnh mãn tính như đái tháo đường, tim mạch, rối loạn tâm thần.

 

Tiếp xúc với nhiệt độ cao không chỉ làm tăng nguy cơ kiệt sức do nhiệt và đột quỵ do nhiệt mà còn có thể gây gánh nặng đặc biệt cho sức khỏe tim mạch. Nắng nóng tạo áp lực lên hệ tim mạch bởi tình trạng mất nước qua mồ hôi cũng như nhiệt độ cao khiến cho nhịp tim tăng đáng kể và tim phải làm việc nhiều hơn. Điều này làm tăng nguy cơ gây nên các cơn đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều) và thậm chí là suy tim.

 

Nắng nóng làm tăng nhu cầu thải nhiệt bằng cách tăng tiết mồ hôi, tăng hô hấp làm tăng biên độ hô hấp (nhịp thở tăng) gây nên tình trạng khó thở ở những người có bệnh mãn tính về đường hô hấp như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

 

Nắng nóng cũng ảnh hưởng rất mạnh đến sức khỏe tâm thần, đến khả năng suy nghĩ và hành động lý trí của những người không bị các vấn đề tâm thần. Các vùng não chịu trách nhiệm nhận định và giải quyết các nhiệm vụ nhận thức phức tạp bị suy giảm do nhiệt độ cao. Khi không suy nghĩ mạch lạc do nắng nóng, nhiều khả năng chúng ta sẽ trở nên bực bội, có thể có các hành vi hung hăng. Có nhiều bằng chứng cho thấy có sự liên hệ giữa nóng cực độ với sự gia tăng tội phạm bạo lực. Khi nhiệt độ môi trường tăng lên 1-20C, các vụ tấn công có thể tăng 3-5%.

 

Ngoài ra, nắng nóng còn gây nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe như tổn thương da nếu đi ra ngoài trời không che kín hết phần da tiếp xúc với nắng. Nắng nóng đòi hỏi nhu cầu thải nhiệt như uống nước đá, tắm, sinh hoạt trong phòng có máy lạnh... Đây cũng là những yếu tố nguy cơ mắc cảm lạnh, cúm...

 

Để bảo vệ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng, khi ở bên ngoài, cố gắng uống một ngụm nước (khoảng 20ml) mỗi 20 phút; đặt hẹn giờ để nhắc nhở bạn. Nếu bạn bị suy tim, hãy hỏi bác sĩ nên uống bao nhiêu chất lỏng hàng ngày, vì chất lỏng có thể tích tụ và gây phù nề; tránh uống nước ngọt có ga hoặc nước ép trái cây và hạn chế rượu; hãy bảo vệ làn da của bạn bằng cách đội mũ rộng vành, đeo kính râm và mặc quần áo nhẹ, sáng màu, rộng rãi, thoa nhiều kem chống nắng.

 

Người mắc bệnh tim mạch, cần lưu ý khi các triệu chứng trở nên nặng hơn (khó thở, đau tức ngực, hồi hộp, đánh trống ngực…) trong những ngày nắng nóng, cần phải đến ngay cơ sở y tế để phát hiện nhanh chóng và xử trí kịp thời các nguy cơ, tai biến có thể xảy ra, tránh để lại hậu quả nặng nề sau này.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek