Thứ Ba, 10/12/2024 00:47 SA
Sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào?
Thứ Hai, 06/03/2023 10:51 SA

Từ đầu năm đến nay, Phú Yên đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết (SXH). Rõ ràng, bệnh truyền nhiễm này rất nguy hiểm, không đơn giản là sốt xong rồi khỏi như nhiều người vẫn nghĩ một cách chủ quan.

 

BSCKII Nguyễn Thành Lãm khám một bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: YÊN LAN

 

Báo Phú Yên phỏng vấn BSCKII Nguyễn Thành Lãm, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, về những điều cần lưu ý khi mắc SXH, đặc biệt là trong giai đoạn nguy hiểm.

 

* Thưa bác sĩ, không ít người vẫn cho rằng SXH chẳng có gì đáng sợ, sau khoảng 10 ngày là khỏi bệnh. Trên thực tế, bệnh truyền nhiễm này nguy hiểm như thế nào?

 

- Bệnh SXH Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Từ ngày thứ nhất đến ngày thứ ba là giai đoạn sốt; từ ngày thứ ba đến ngày thứ bảy là giai đoạn nguy hiểm. Trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể còn sốt, giảm hoặc đã hết sốt nhưng có thể diễn tiến nặng như sốc SXH, biểu hiện ở tình trạng huyết tương thoát ra ngoài thành mạch nhiều dẫn đến máu bị cô đặc, lượng máu lưu thông giảm, gây tụt huyết áp, nhịp tim nhanh rồi trụy tim mạch; phù phổi; xuất huyết nặng: bệnh nhân nôn ra máu, đại tiện phân đen, chảy máu mũi, xuất huyết âm đạo nặng; một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng/suy gan, thận, tim, phổi, não... Đây là giai đoạn nguy hiểm, bệnh nhân có thể tử vong. Từ ngày thứ bảy đến ngày thứ 10 là giai đoạn hồi phục; nếu chúng ta không nắm kỹ diễn tiến mà truyền dịch trong giai đoạn này thì có thể bệnh nhân tử vong vì bị phù phổi cấp.

 

Bệnh SXH không đơn giản đâu!

 

* Những năm qua, Phú Yên ghi nhận các trường hợp trẻ em tử vong do SXH. Từ đầu năm đến nay, trong 2 ca tử vong do SXH có 1 ca là trẻ em. Có phải trẻ em mắc SXH thường nguy hiểm hơn người lớn, thưa bác sĩ?

 

- Với những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như SXH, chúng ta chỉ có thể cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong, chứ rất khó tránh được. Thêm vào đó, có những nhóm người, khi mắc SXH sẽ nguy hiểm hơn những người khác. Đó là trẻ nhũ nhi, người thừa cân béo phì, phụ nữ có thai, người cao tuổi, người có bệnh nền... Những nhóm người này, khi mắc SXH thì bệnh có thể diễn tiến nặng hơn, nguy cơ tử vong cao hơn.

 

Riêng ở trẻ em, bệnh cảnh SXH hoàn toàn khác với bệnh cảnh ở người lớn. Trẻ em mắc SXH, khi bệnh diễn tiến nặng, chủ yếu là tình trạng thoát huyết tương gây sốc SXH và dẫn đến tử vong. Còn ở người lớn thì bệnh cảnh chính là xuất huyết nặng. Tuy nhiên, cả người lớn và trẻ em mắc SXH đều có nguy cơ suy tạng.

 

* Bác sĩ có thể cho biết những dấu hiệu cảnh báo bệnh SXH diễn tiến nặng, người bệnh đang gặp nguy hiểm?

 

- Đối với bệnh nhân SXH, việc trước tiên là chúng ta phải nắm được giai đoạn bệnh, đặc biệt là giai đoạn nguy hiểm. Giai đoạn này có thể có những dấu hiệu cảnh báo: bệnh nhân vật vã, lừ đừ, li bì; đau bụng nhiều, nhất là đau ở vùng gan; bệnh nhân nôn 3 lần trong 1 giờ hoặc 4 lần trong 6 giờ; có chảy máu, như chảy máu mũi, chân răng, nôn ra máu, đại tiện phân đen, ra máu âm đạo; gan to, tiểu ít... Khi có một trong các dấu hiệu kể trên là phải nhập viện ngay.

 

Lưu ý: Lúc này có thể bệnh nhân hết sốt, nhưng vẫn là giai đoạn nguy hiểm. Nếu không được theo dõi, phát hiện và điều trị kịp thời thì dễ đi đến sốc SXH, xuất huyết nặng, suy tạng…

 

Ở trẻ em, ngoài thực trạng gia đình tự điều trị, đến khi bệnh diễn tiến nặng mới nhập viện, có một tình trạng cũng rất đáng lo ngại, là trẻ đã được đưa tới cơ sở y tế rồi, đến ngày thứ tư thứ năm, cha mẹ thấy con hết sốt, buồng bệnh thì đông, vậy là lẳng lặng đưa con về nhà. Tới lúc trẻ bị sốc SXH, cha mẹ đưa trở lại bệnh viện thì cứu không kịp. Chúng tôi từng gặp những trường hợp như vậy.

 

Khi theo dõi bệnh nhân SXH tại nhà, ngoài các dấu hiệu cảnh báo nêu trên, nếu thấy người bệnh có những dấu hiệu: không ăn uống được, chi lạnh, ẩm; mạch nhanh, nhẹ; huyết áp tụt; khó thở; có dấu hiệu tổn thương não, thể hiện ở việc bệnh nhân bị kích thích, lú lẫn... thì gia đình phải lập tức đưa bệnh nhân nhập viện ngay, không được chần chừ!

 

* Trong bối cảnh dịch bệnh SXH đang diễn biến phức tạp, người dân nên làm gì và cần phải làm gì khi có dấu hiệu sốt, thưa bác sĩ?

 

- SXH rất phức tạp, diễn tiến lâm sàng đa dạng; bệnh nhân có thể đau họng, tiêu chảy... giống như mắc bệnh khác. Vì vậy, nếu bị sốt khoảng 2 ngày là phải đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, điều trị và theo dõi. Sau đó, trong trường hợp bệnh nhân chưa hoặc không có điều kiện nhập viện để theo dõi thì phải tái khám hàng ngày tại cơ sở y tế; xét nghiệm công thức máu hàng ngày, để phát hiện và xử trí kịp thời những trường hợp SXH có dấu hiệu cảnh báo hoặc SXH nặng. Lưu ý là bệnh nhân SXH chưa nhập viện thì phải tái khám hàng ngày tại cơ sở y tế.

 

Y tế cơ sở và y tế tư nhân cần lưu ý là đối với bệnh nhân SXH, phải hạn chế truyền dịch không cần thiết; ưu tiên bù dịch bằng đường uống. Trong giai đoạn sốt, truyền dịch không có hiệu quả. Đến giai đoạn nguy hiểm, khi cần thì phải truyền dịch, và phải truyền đúng chỉ định. Còn trong giai đoạn hồi phục mà truyền dịch thì bệnh nhân có nguy cơ bị phù phổi cấp. Thứ hai là hạn chế tiêm bắp, vì đến giai đoạn nguy hiểm, khi tiểu cầu giảm, có thể xảy ra tình trạng xuất huyết nặng ngay tại chỗ tiêm bắp.

 

Đặc biệt, một số người có bệnh tim mạch thường dùng thuốc ức chế kết tập tiểu cầu, như Aspirin... nhưng khi đang mắc SXH thì không được dùng. Bởi vì Aspirin có tác dụng chống ngưng tập tiểu cầu, chống đông máu nên sẽ có nguy cơ làm nặng hơn tình trạng xuất huyết do SXH, nhất là xuất huyết đường tiêu hóa. Cũng không được dùng thuốc giảm đau Ibuprofen vì có thể gây xuất huyết, toan máu.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ! 

 

Một số trường hợp, cho dù ở giai đoạn đầu của bệnh SXH, chưa có dấu hiệu cảnh báo nhưng vẫn cần phải nhập viện để được theo dõi, điều trị. Đó là người bệnh sống một mình; người bệnh ở xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời nếu bệnh trở nặng; người bệnh mà gia đình không có khả năng theo dõi sát, ví dụ như đang sống cùng cha mẹ đã già yếu; trẻ nhũ nhi; người thừa cân, béo phì; phụ nữ có thai; người từ 60 tuổi trở lên; người có bệnh mạn tính: thận, tim, gan, hen, phổi tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường, thiếu máu tan máu...

 

BSCKII Nguyễn Thành Lãm, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới,

Bệnh viện Đa khoa Phú Yên

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek