Việt Nam được biết đến là nơi ảnh hưởng nặng bởi dịch sốt xuất huyết (SXH). Tại Phú Yên, ca bệnh SXH được ghi nhận ở nhiều nơi, thường gia tăng vào mùa nắng hoặc sau những đợt mưa. Do đó, mỗi người, mỗi gia đình cần tự giác diệt muỗi, diệt lăng quăng tại nhà và xung quanh để loại trừ mầm bệnh SXH.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên (Phú Yên CDC), đến tuần 18 năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 329 ca mắc SXH, trong đó huyện Phú Hòa, TP Tuy Hòa và các huyện: Tuy An, Sông Hinh, Sơn Hòa đang có số ca mắc gia tăng. Toàn tỉnh có 11 ổ dịch SXH. Chính quyền các cấp đã chỉ đạo diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh SXH.
Chủ động diệt mầm bệnh
Bác sĩ Trần Ngọc Thân, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Phú Yên CDC cho biết: Để phòng, chống SXH, điều quan trọng là phải kiểm soát các loại muỗi truyền virus SXH. Biện pháp tốt nhất là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt các ổ chứa nước có lăng quăng, không cho muỗi trưởng thành. Khác với muỗi truyền bệnh sốt rét, muỗi truyền bệnh SXH đẻ trứng trong những dụng cụ chứa nước nhỏ ở các hộ gia đình. Điều này có nghĩa là các gia đình cần chủ động trong việc loại trừ môi trường đẻ trứng của muỗi để ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh SXH.
Muỗi sinh sản trong nhà có thể truyền bệnh SXH cho những người trong nhà và xung quanh. Không cho muỗi sinh trưởng và phát triển ngay tại mỗi gia đình là điều cần thiết để phòng, chống sự lây lan SXH trong cộng đồng. Để diệt muỗi, mỗi gia đình có thể sử dụng nhang muỗi hoặc thuốc xịt muỗi hàng ngày; thường xuyên dọn dẹp quần áo, không cho muỗi trú đậu. Mọi người cần ngủ mùng kể cả ban ngày; mặc áo, quần dài hoặc thoa thuốc phòng muỗi đốt.
Muỗi truyền bệnh SXH là muỗi vằn Aedes có hình dạng nhỏ, có những vằn trắng đen hoặc nâu đen, có khả năng mang virus sốt xuất huyết Dengue và truyền từ người này sang người khác thông qua việc đốt và hút máu người. Loài muỗi này thường hoạt động vào lúc chạng vạng tối hoặc sáng sớm, có thể đốt nhiều lần trong ngày nếu chưa no máu.
Muỗi vằn thường phát triển mạnh nhất vào mùa mưa, thời tiết nóng ẩm, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20ºC. Mỗi con muỗi cái sống khoảng 2 tháng và đẻ trung bình từ 6-8 lần, mỗi lần đẻ từ 100-400 trứng. Mũi cái hút máu để nuôi dưỡng trứng, thường trú ẩn ở những nơi kín gió, ấm áp, ẩm thấp và tối tăm để tiêu máu, sau đó tìm nơi có nước sạch để đẻ trứng. Thời gian vừa đẻ vừa đi tìm mồi hút máu cho lần đẻ sau được tính là một ngày đêm. Trứng tồn tại khá lâu, chịu đựng được nhiều tháng trong mùa khô. Bất kỳ dụng cụ nào có thể tích trữ nước đến 7 ngày đều có thể là nơi sinh sản, phát triển của muỗi truyền bệnh SXH. Muỗi trưởng thành có thể tìm thấy trong phạm vi 50m xung quanh ổ với khoảng cách bay tối đa là 200m từ ổ lăng quăng. Nhưng chúng có thể phát tán xa nhờ vào các phương tiện vận tải đường biển và đường bộ. Như vậy, chỉ cần 1/100 số muỗi trong vùng bị nhiễm virus là có thể gây dịch.
Do đó, ngăn chặn không cho muỗi sinh trưởng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Để diệt lăng quăng, mỗi người dân phải tự giác súc rửa thùng, lu, chậu; thường xuyên thay nước bình hoa; làm nắp đậy kín các hồ chứa nước; dọn dẹp hoặc lật úp các vật dụng phế thải có thể đọng nước mưa như ly, chén bể, miểng dừa, vỏ xe, chậu nước, máng nước cho vật nuôi…, không để cho muỗi vào đẻ trứng, hoặc nuôi cá bảy màu để chúng ăn lăng quăng.
Khi có triệu chứng sốt, nhất là ở trẻ em, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, theo dõi, tư vấn cách chăm sóc tại nhà, cũng như biết được những dấu hiệu nặng của bệnh SXH và cần nhập viện điều trị.
Phân biệt sốt xuất huyết với COVID-19
SXH và COVID-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus. Trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay, cần phân biệt sốt do SXH và sốt do COVID-19 để có biện pháp phòng bệnh kịp thời, tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, SXH và COVID-19 khi khởi phát thường có những biểu hiện tương đối giống nhau và dễ gây nhầm lẫn. Khi nhiễm virus, người bệnh thường có triệu chứng sốt, đau đầu, mỏi người, ớn lạnh.
Tuy nhiên, điểm khác nhau cơ bản là ở các triệu chứng đi kèm và diễn biến của sốt. Với SXH, người bệnh sốt cao đột ngột, liên tục từ 39-400C trong 2-7 ngày liền; kèm theo sốt là triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau bụng; xuất hiện ban xung huyết hoặc xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm chỗ tiêm, chảy máu cam, nôn ra máu.
Đối với sốt do COVID-19, người bệnh thường sốt khoảng 37,50C, riêng ở trẻ em khởi phát thường sốt cao khoảng 38,50C trong 2 ngày đầu, sau đó tự hết sốt. Người mắc COVID-19 thường kèm theo các triệu chứng đặc trưng mà người mắc SXH không bị như đau họng, đau cơ hoặc đau cả người; cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi; ho, hụt hơi hoặc khó thở; ngạt mũi hoặc chảy nước mũi; mắc các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy, đau bụng.
Thời tiết mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh trưởng. Số ca mắc SXH đang được ghi nhận rải rác ở một số nơi trong cộng đồng. Do đó, mỗi người, mỗi gia đình cần tự giác diệt muỗi, diệt lăng quăng tại nhà và xung quanh để loại trừ mầm bệnh SXH.
NGUYÊN NHẠN
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên)