Thứ Sáu, 11/10/2024 08:24 SA
Cấp cứu khi bị rắn cắn
Thứ Hai, 02/06/2008 14:30 CH

Rắn cắn là một tai nạn nguy hiểm, thường gặp ở vùng nông thôn, miền núi, nơi có nhiều bụi rậm và cây cối. Nếu không biết cách cấp cứu kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân hoặc để lại những di chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe.

 

Tai nạn rắn cắn thường xảy ra bất ngờ, làm cho nạn nhân và những người trong gia đình lúng túng, không biết xử lý như thế nào nên người bị nạn dễ tử vong hoặc bị thương tật vĩnh viễn. Sau khi cắn người, con rắn thường chạy mất, nạn nhân không kịp nhận biết đó là loại rắn nào, nhất là trong đêm tối. Khi bị rắn cắn, nạn nhân cần hết sức bình tĩnh, cố gắng xác định xem đó là rắn độc hay rắn lành. Nếu tại chỗ cắn thấy cả hai hàm răng với nhiều chấm hình vòng cung, không thấy vết răng nanh là rắn lành; nếu có hai vết răng nanh cách nhau 5 mm và một số răng nhỏ thì đó là rắn độc. Nạn nhân và những người có mặt không được sờ vào miệng rắn, cho dù rắn đã bị đánh chết hoặc đầu rắn đã bị chặt rời khỏi thân.

 

Nếu xác định đúng là rắn độc cắn hoặc không xác định chắc chắn thì phải ngồi yên, tuyệt đối không cử động phần cơ thể bị rắn cắn vì sẽ làm cho chất độc lan nhanh trong cơ thể. Nếu bị rắn cắn ở chân, nạn nhân không được đi lại, chạy nhảy.

 

* Các biện pháp sơ cứu sau khi bị rắn cắn:

 

Rửa sạch ngay vết cắn bằng xà phòng và nước sạch. Dùng dao sạch (đã khử khuẩn bằng cách hơ trên ngọn lửa) rạch một đường dài khoảng 10mm, sâu 3mm tại vết răng nanh, sau đó nặn hết máu bầm ra; sát khuẩn bằng cồn 70 độ hoặc thuốc tím 0,1%, nước oxy già, nước muối 9‰ hoặc nước muối pha loãng, sau đó băng vết thương bằng gạc vô khuẩn.

 

Nếu vết cắn đã hoại tử hoặc bị rắn cắn từ nửa giờ trở đi thì không nên rạch da vì không còn tác dụng. Sau khi sơ cứu xong cần bất động và ga rô phía trên vết cắn 5cm. Nếu vận chuyển nạn nhân đi xa, cứ 5 đến 10 phút nới ga rô một lần để tránh bị hoại tử chi, chuyển nạn nhân bằng cáng hoặc ô tô đến cơ sở y tế gần nhất; không vận chuyển nạn nhân bằng xe đạp hoặc xe máy.

 

Nếu nạn nhân có dấu hiệu sốc hoặc liệt phần chi bị rắn cắn, các tuyến y tế cơ sở khi vận chuyển nạn nhân lên tuyến trên cần theo dõi sát mạch, huyết áp, nhịp thở để có cách xử lý kịp thời.

 

Nếu do rắn hổ (hổ mang, cạp nong, cạp nia…) cắn sẽ có dấu hiệu viêm nhiễm rất sớm, thường chỉ sau 5 phút đến 1-2 giờ. Nạn nhân thấy đau buốt tại chỗ, người mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, khó há miệng, sụp mi, giãn đồng tử, mạch nhanh, huyết áp tụt, rồi ngừng tim, ngừng thở và tử vong.

 

Nếu do rắn lục cắn, nơi cắn sẽ sưng tấy nhanh, chỉ sau 6 giờ toàn chi sưng to, tím tái, sau 12 giờ vết cắn bắt đầu hoại tử, nạn nhân trụy tim mạch, viêm thận, suy thận cấp.

 

* Phương pháp đông y: Dùng hạt chuối hột rang và tán nhỏ hòa với rượu đắp lên vết rắn cắn, hòa với nước để uống.

 

* Phòng ngừa rắn cắn:

 

- Thường xuyên phát quang bụi rậm xung quanh nhà.

- Không cho trẻ em chơi gần hàng rào, bụi rậm.

- Khi đi ban đêm vào nơi có nhiều bụi rậm phải mang ủng và có đèn pin để soi.

- Trồng sả xung quanh nhà để tránh rắn vào nhà.

 

BS CA KHẢI HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek