Thứ Bảy, 12/10/2024 02:23 SA
Ăn uống hợp vệ sinh, phòng bệnh sán lá gan lớn
Thứ Hai, 10/07/2017 09:09 SA

Nên rửa trực tiếp rau dưới vòi nước chảy - Ảnh: Internet

Bệnh sán lá gan lớn là bệnh lý hay gặp ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong đó có Phú Yên. Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, 2 tháng gần đây, trong những người đến Khoa Xét nghiệm để thực hiện xét nghiệm sàng lọc, số người nhiễm sán lá gan lớn chiếm tỉ lệ khá cao.

 

Sán lá gan lớn có hai loài, tên khoa học là Fasciola hepatica và Fasciola gigantica. Ở Việt Nam và một số nước châu Á phổ biến là loài Fasciola gigantica. Vật chủ chính là động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu. Người là vật chủ ngẫu nhiên, tình cờ mắc bệnh. Vật chủ trung gian của sán lá gan lớn là ốc.

 

Người bị nhiễm bệnh do ăn sống các loại rau mọc dưới nước (như rau ngổ, rau rút/nhút, rau cần, xà lách xoong...) hoặc uống nước có nhiễm ấu trùng sán chưa được nấu chín.

 

Khi xâm nhập vào cơ thể người, sán ký sinh trong gan mật, trường hợp bất thường sán có thể ký sinh trong cơ, dưới da... (ký sinh lạc chỗ). Sán trưởng thành đẻ trứng theo đường mật xuống ruột và ra ngoài theo phân. Trứng xuống nước, nở ra ấu trùng lông và ký sinh trong ốc, phát triển thành ấu trùng đuôi, ấu trùng đuôi rời khỏi ốc và bám vào các loại rau mọc dưới nước tạo nang trùng hoặc bơi tự do trong nước. Người hoặc trâu bò ăn phải thực vật thủy sinh hoặc uống nước lã có ấu trùng sẽ bị nhiễm sán lá gan lớn.

 

Khi người ăn sống rau mọc dưới nước hoặc uống nước có nhiễm ấu trùng sán, ấu trùng sán vào dạ dày, xuống tá tràng, tự tách vỏ và xuyên qua thành tá tràng vào khoang phúc mạc đến gan, đục thủng bao gan và xâm nhập vào nhu mô gan gây tổn thương gan. Sán lá gan lớn ký sinh chủ yếu ở mô gan, nhưng trong giai đoạn xâm nhập sán có thể đi chuyển lạc chỗ và gây các tổn thương ở các cơ quan khác như thành ruột, thành dạ dày, thành bụng, đôi khi có trong bao khớp. Sau giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan từ 2-3 tháng, sán xâm nhập vào đường mật, trưởng thành và đẻ trứng. Tại đây, sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm (có thể tới 10 năm) nếu không được phát hiện và điều trị. Tại đường mật, sán gây tổn thương biểu mô đường mật, tắc mật, viêm và xơ hóa đường mật thứ phát, có thể gây ung thư biểu mô đường mật, có khi gây viêm tụy cấp, nhiễm trùng đường mật do bội nhiễm...

 

Người bị nhiễm sán lá gan lớn thường biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu, tùy thuộc vào giai đoạn phát triển và vị trí sán ký sinh, cũng như số lượng ấu trùng sán xâm nhập vào cơ thể người. Bệnh nhân có thể biểu hiện mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút; sốt thất thường, có thể sốt cao, rét run hoặc sốt chỉ thoáng qua rồi tự hết, đôi khi sốt kéo dài; thiếu máu: da xanh, niêm mạc nhợt (gặp ở các trường hợp nhiễm kéo dài, đặc biệt là trẻ em); các triệu chứng về tiêu hóa thường gặp nhất như đau bụng: đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc vùng thượng vị - mũi ức.

 

Khám lâm sàng: Gan to hoặc bình thường, mật độ mềm, ấn đau, có dấu hiệu ấn kẽ liên sườn bệnh nhân đau. Có thể có dịch trong ổ bụng, đôi khi có viêm phúc mạc. Có thể có một số triệu chứng khác ít gặp như: phản ứng viêm: đau nhiều khớp, đau cơ, đỏ da; ho, khó thở hoặc có ban dị ứng mẩn ngứa ngoài da (biểu hiện nhiễm ký sinh trùng); tràn dịch màng phổi. Các triệu chứng biểu hiện sự tổn thương tổ chức nơi sán ký sinh lạc chỗ như khớp hoặc các cơ quan khác.

 

Nhiễm sán lá gan lớn liên quan đến thói quen và tập quán ăn uống của người dân, vì vậy phòng bệnh là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Người dân không ăn sống các loại rau mọc dưới nước, không uống nước lã; người nghi ngờ nhiễm sán lá gan lớn phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cần chủ động phát hiện và điều trị sớm bệnh sán lá gan tại vùng lưu hành bệnh.

 

Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã thực hiện xét nghiệm chẩn đoán hiệu quả cho hơn 10 bệnh giun sán nói chung, sán lá gan nói riêng. Khi bị nhiễm sán lá gan lớn, bệnh nhân sẽ được bác sĩ điều trị đặc hiệu. Mặc dù bệnh khá nguy hiểm và gây nhiều biến chứng nặng nề nhưng nếu được chẩn đoán sớm thì điều trị khá đơn giản và hiệu quả cao.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek