Chủ Nhật, 13/10/2024 10:20 SA
Cách làm giảm nhẹ các rối loạn tâm thần
Thứ Hai, 13/03/2017 09:42 SA

Khiêu vũ dưỡng sinh là một trong những hoạt động giúp phòng các rối loạn tâm thần - Ảnh: MINH NGUYỆT

Trong nhịp sống hối hả hiện nay, con người phải chịu nhiều áp lực. Thêm vào đó, tác động của môi trường sống đang bị ô nhiễm và sự biến đổi của khí hậu dẫn đến nhiều thay đổi về tâm sinh lý, làm rối loạn các chức năng sống của cơ thể. Các rối loạn này nếu không được khống chế, điều chỉnh có thể dẫn đến bệnh lý. Trong các rối loạn đó có rối loạn tâm thần.

 

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến và là một trong những nguyên nhân chính gây nên khuyết tật trên toàn thế giới. Trên phạm vi toàn cầu, ước tính có 350 triệu người bị ảnh hưởng do trầm cảm. Phụ nữ bị nhiều hơn nam giới.

 

Người bị trầm cảm có đặc điểm là buồn, mất hứng thú hoặc niềm vui, cảm thấy tội lỗi hay giá trị bản thân thấp, giấc ngủ bị xáo trộn hoặc thèm ăn, mệt mỏi và giảm tập trung. Người bị trầm cảm cũng hay than phiền mình bị nhiều bệnh nhưng không có nguyên nhân thực thể rõ ràng. Trầm cảm có thể kéo dài hoặc hay tái phát, làm suy yếu đáng kể khả năng làm việc hoặc học tập của con người trong sự hòa nhập với cuộc sống. Trầm trọng hơn, người bị trầm cảm có thể dẫn đến hành vị tự tử.

 

Kiểm soát trầm cảm bao gồm nhiều khía cạnh như các khía cạnh tâm lý xã hội, nhận diện được các yếu tố gây sang chấn tâm lý (stress), các vấn đề về tài chính, khó khăn trong công việc hoặc bị bạo lực về tâm lý thể chất và các nguồn ủng hộ người bị trầm cảm như các thành viên gia đình, bạn bè… Duy trì đều dặn hay hoạt động xã hội rất quan trọng trong kiểm soát trầm cảm.

 

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là rối loạn ảnh hưởng đến 60 triệu người trên thế giới. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực thường bao gồm cả cơn hưng phấn và trầm cảm tách biệt trong khoảng thời gian mà cảm xúc bình thường. Cơn hưng phấn biểu hiện cáu kỉnh, tăng hoạt động, nói năng gây khó chịu cho người khác, giấc ngủ không ngon.

 

Đối với rối loạn cảm xúc lưỡng cực có nhiều phương pháp điều trị, có nhiều thuốc điều trị nhưng hỗ trợ bằng tâm lý là rất quan trọng.

 

Tâm thần phân liệt là rối loạn tâm thần nặng, trên thế giới có 21 triệu người bị rối loạn này. Tâm thần phân liệt có đặc điểm là rối loạn trong suy nghĩ (tư duy), nhận thức, cảm xúc, ngôn ngữ và hành vi. Người bị tâm thần phân liệt thường ảnh hưởng đến công việc hoặc nhiệm vụ được giao.

 

Bị tâm thần phân liệt có thể là hậu quả của việc thiếu tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như thiếu tiếp cận với dịch vụ xã hội. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng những người bị bạo lực, hay sống trong các vùng xung đột kéo dài sẽ dễ mắc bệnh tâm thần phân liệt.

 

Tâm thần phân liệt thường bắt đầu ở thời kỳ cuối của tuổi vị thành niên và giai đoạn sớm của tuổi trưởng thành. Điều trị tâm thần phân liệt bằng thuốc và sự hỗ trợ tâm lý là rất quan trọng.

 

Rối loạn phát triển là thuật ngữ chung bao gồm khuyết tật trí tuệ và rối loạn phát triển lan tỏa như tự kỷ. Các rối loạn phát triển thường khởi phát ở tuổi niên thiếu nhưng cũng có trường hợp xuất hiện ở tuổi trưởng thành. Nguyên nhân của rối loạn phát triển là hỏng hoặc bị trì trệ trong chức năng liên quan đến sự trưởng thành của hệ thần kinh trung ương.

 

Triệu chứng của rối loạn phát triển lan tỏa như tự kỷ biểu hiện là suy yếu hành vi xã hội, giao tiếp kém, ít nói, ít hoạt bát, không thích tham gia vào các thú vui chơi giải trí.

 

Sự quan tâm, chăm sóc của gia đình đối với trẻ bị rối loạn phát triển đóng vai trò rất quan trọng. Biết được các nguyên nhân thuận lợi cũng như bất lợi đối với bệnh của trẻ, từ đó gia đình chọn được cách chăm sóc tốt nhất, tạo được môi trường tốt nhất để trẻ học tập; xây dựng cho trẻ có thói quen hàng ngày để giúp trẻ ngăn ngừa những tác động bất lợi, tạo cho trẻ thói quen như ăn đúng giờ, vui chơi, học tập, tham gia các hoạt động khác hợp lý, ngủ đúng giờ… Cần đưa trẻ em, kể cả người trưởng thành bị rối loạn phát triển, đến cơ sở y tế để các chuyên gia tư vấn và chăm sóc phù hợp.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG (tổng hợp) 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek