Tuy có chiều hướng giảm dần song so với cùng kỳ năm 2015, số ca mắc sốt xuất huyết ở Phú Yên trong quý I/2016 tăng 13,8 lần, tăng 25 ổ dịch. Ngành Y tế đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp điều tra côn trùng, tổng vệ sinh diệt bọ gậy, xử lý hóa chất phòng, chống dịch bệnh theo quy định, không để sốt xuất huyết phát triển thành dịch lớn.
Điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên - Ảnh: D.THU |
Phú Hòa là địa phương có nhiều người mắc sốt xuất huyết. Đến cuối tháng 3/2016, trên địa bàn huyện có 361 ca mắc sốt xuất huyết, 7 ổ dịch nhỏ nằm rải rác ở các xã. Theo bác sĩ Phạm Tấn Lập, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Hòa, trước Tết Nguyên đán, trời mưa nắng thất thường, côn trùng phát triển; trong khi đó, việc tổng vệ sinh diệt bọ gậy ở một số nơi chưa triệt để nên muỗi sinh sôi nảy nở, gây bệnh. Vào cuối năm 2015, số ca mắc sốt xuất huyết tại huyện tăng mạnh, chuyển tiếp qua năm 2016 và đẩy con số thống kê ca bệnh lên cao. Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế huyện Phú Hòa đã điều tra côn trùng, tổng vệ sinh diệt bọ gậy, phun hóa chất trong phạm vi bán kính 200m ở 7 ổ dịch nhỏ, đồng thời giám sát các ca bệnh tại cộng đồng. “Qua điều tra, các xã Hòa Định Tây, Hòa An, Hòa Trị và thị trấn Phú Hòa có mật độ muỗi, bọ gậy tăng cao. Trung tâm Y tế huyện đã chủ động phun hóa chất diệt muỗi”, bác sĩ Phạm Tấn Lập cho biết. Hiện số ca mắc sốt xuất huyết ở Phú Hòa đang giảm dần, tiên lượng sẽ tiếp tục giảm.
TP Tuy Hòa có số người mắc sốt xuất huyết thấp hơn nhiều địa phương khác trong tỉnh (102 ca, 12 ổ dịch), song vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2015. Bác sĩ Đoàn Hùng Ánh, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố, cho hay: “Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng trên địa bàn, ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế đã tham mưu UBND TP Tuy Hòa mở hội nghị phòng chống sốt xuất huyết với gần 200 cán bộ các ban ngành, đoàn thể, UBND phường/xã, trường học… tham dự; đồng thời kiểm tra việc thực hiện văn bản chỉ đạo của UBND TP Tuy Hòa, điều tra mật độ muỗi, bọ gậy ở các phường/xã. Trung tâm Y tế thành phố cũng tiến hành nghiên cứu khoa học, đánh giá mức độ nhận thức, thái độ, thực hành đổ bọ gậy, diệt muỗi của người dân trên địa bàn và tập trung vào việc tổng vệ sinh, diệt bọ gậy”. Ngoài ra, Trung tâm Y tế còn tham mưu UBND TP Tuy Hòa triển khai việc ký cam kết phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và dịch bệnh do vi rút Zika đến các phường/xã, các ban/thôn và các hộ dân. Việc ký cam kết được thực hiện thí điểm ở xã Bình Kiến.
Đối với những xã, phường trọng điểm như Hòa Kiến, Bình Kiến, phường 9, hàng tuần, qua sóng phát thanh, Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa thông báo việc tổng vệ sinh diệt bọ gậy vào sáng chủ nhật, xen kẽ với thông báo của các đài truyền thanh xã, phường vào sáng thứ bảy. Việc này tuy đơn giản nhưng nếu không được nhắc nhở thì người dân sẽ dễ quên.
Khi có thông tin về ca mắc sốt xuất huyết do Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh báo về, Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa cùng trạm y tế phường/xã triển khai ngay việc giám sát ca bệnh, tiến hành đổ bọ gậy trong phạm vi bán kính 200m. Nếu có 2 ca mắc sốt xuất huyết ở một thôn/khu phố thì tiến hành xử lý ổ dịch theo quy định. Bác sĩ Đoàn Hùng Ánh cho biết: “Người dân cần phát hiện sớm các biểu hiện của sốt xuất huyết, nếu bệnh nhẹ thì chăm sóc tại nhà hoặc tại trạm y tế. Khi có các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng, người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để kịp thời điều trị. Người dân có phát hiện, báo cáo sớm thì cơ quan chức năng mới kịp thời xử lý ổ bệnh trong bán kính 200m, khống chế đàn muỗi đang sinh sôi nảy nở, nếu không bệnh sẽ lây lan”.
Theo đánh giá của ngành Y tế Phú Yên, số ca mắc sốt xuất huyết đang có chiều hướng giảm. Trong tháng 3 vừa qua, số ca mắc giảm khoảng 50% so với tháng 2. Tuy nhiên, so với quý I/2015, số ca mắc tăng 13,8 lần, tăng 25 ổ dịch. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.200 ca mắc sốt xuất huyết. |
YÊN LAN