Thứ Ba, 08/10/2024 05:28 SA
Dùng nước súc miệng thế nào cho hợp lý?
Thứ Năm, 02/08/2007 07:04 SA

Hàng ngày, nhiều người sử dụng nước súc miệng để phòng chống bệnh sâu răng, viêm họng, viêm lưỡi... Có những người súc miệng đều đặn nhưng không phòng chống được bệnh mà còn gặp nhiều bất lợi. Vậy súc miệng bằng loại dung dịch gì, súc như thế nào cho hợp lý?

 

070801-sucmieng.jpgTrong điều trị viêm nhiễm vùng họng, miệng, ngoài việc dùng kháng sinh, bác sĩ thường chỉ định dùng dung dịch súc miệng. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng  có thể gây hại. Chẳng hạn, nước muối quá mặn sẽ gây tổn thương cho tế bào.

 

Họng nằm ở ngã tư đường thở, thường xuyên tiếp xúc với môi trường thông qua mũi và miệng. Họng được che phủ bởi lớp tế bào niêm mạc biểu mô cùng với các thụ cảm thần kinh nên rất nhạy cảm với mùi vị. Do cấu tạo và vị trí, nó dễ nhiễm tạp khuẩn, nấm và chịu tác động của các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, bụi bẩn và dẫn đến viêm.

 

Các dung dịch thường dùng để súc miệng:

 

Nước muối: Một số người quan niệm nước muối nồng độ càng cao thì sát khuẩn càng tốt. Thực ra, cơ thể luôn ở trạng thái pH trung tính nên nồng độ các dung dịch súc miệng có pH ở dạng toan hoặc kiềm đều không phù hợp, rất dễ gây tổn thương các tế bào. Vì vậy, chúng ta nên sử dụng dung dịch nước muối ở nồng độ tương đương nồng độ của cơ thể, vừa giúp bảo vệ lớp tế bào niêm mạc họng vừa có tác dụng sát khuẩn. Nồng độ nước muối phù hợp là 0,9% (tương đương nước canh). Nên dùng nước muối để vệ sinh răng miệng sau khi đánh răng buổi tối, buổi sáng.

 

Dung dịch Betadin: Khi vào cơ thể, chất iốt trong dung dịch này được giải phóng từ từ nên có tác dụng sát khuẩn, chống nấm, làm mất mùi hôi. Dung dịch betadin súc miệng chỉ có nồng độ iốt 7%, thấp hơn dung dịch sát khuẩn ngoài da (10% iốt) hoặc dung dịch vệ sinh phụ nữ. Vì vậy, khi dùng betadin súc miệng, cần lựa chọn đúng nồng độ và chỉ nên dùng trong các trường hợp nhiễm nấm họng, bên cạnh việc sử dụng các thuốc diệt nấm đặc hiệu.

 

Dung dịch Givalex: Là một chế phẩm được chỉ định rộng rãi đối với các trường hợp viêm họng, viêm quanh răng, có tác dụng sát khuẩn rất tốt, chống phù nề. Khi sử dụng, nên pha loãng 1/10 với nước ấm để tăng thêm hiệu quả vì trong thành phần của dung dịch còn có menton, nếu dùng với nồng độ cao sẽ gây tổn thương niêm mạc họng.

 

Dung dịch Listerin: Thành phần chủ yếu là thymol nồng độ 0,064% và một số hương liệu; có tác dụng sát khuẩn và chống phù nề nhẹ niêm mạc. Dung dịch này được chỉ định súc miệng ngậm trong 30 giây, 2 lần/ngày.

 

Dung dịch T-B: Thành phần chủ yếu là axit boric nồng độ 0,3%, tinh dầu quế, tinh dầu bạc hà; có tác dụng sát khuẩn nhẹ trong vệ sinh răng miệng.

 

Ngoài ra, còn có một số dung dịch khác được sản xuất dưới dạng phun mù (khí dung) để hỗ trợ điều trị viêm họng như: angispray, locabiotal, hexaspray, filxonase... Đối với các chế phẩm này, cần sử dụng theo chỉ định với liều xịt cụ thể trong ngày theo đợt điều trị.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek