Hỏi: Nghe nói phụ nữ có thể xét nghiệm vi rút HPV để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung có đúng không. Tôi đã được tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung, giờ có cần phải làm xét nghiệm HPV không?
Nguyễn Thị Châu Anh (Phường 8, TP Tuy Hòa)
Trả lời: Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một trong những bệnh nguy hiểm thường gặp ở phụ nữ. Hơn 99% các trường hợp UTCTC là do nhiễm vi rút Papilloma (Human Papillomavirus: HPV). UTCTC là loại ung thư có thể điều trị được nếu phát hiện sớm. Để phát hiện sớm, trước đây người ta khuyên phụ nữ từ 30 tuổi trở lên định kỳ làm xét nghiệm phiến đồ âm đạo, gọi là xét nghiệm Pap smear (Pap).
Xét nghiệm Pap là công cụ hữu ích trong sàng lọc UTCTC. Pap có thể phát hiện các tế bào thay đổi bất thường ở cổ tử cung, do đó là một kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc tốt giúp sớm phát hiện UTCTC. Tuy nhiên vẫn có thể bỏ sót một số trường hợp ung thư, tùy thuộc vào kỹ năng người đọc, kỹ thuật lấy mẫu, nhuộm… Ngày nay nhờ phát triển các kỹ thuật xét nghiệm HPV, việc phối hợp 2 kỹ thuật xét nghiệm được khuyên dùng.
Vi rút HPV lây nhiễm qua quan hệ tình dục, kể cả quan hệ bằng miệng hoặc tiếp xúc với bộ phận sinh dục của người bị nhiễm HPV. Bất kỳ ai có quan hệ tình dục đều có thể nhiễm HPV, ngay cả khi chỉ có một bạn tình, hoặc ngay cả khi có sử dụng bao cao su. HPV có thể tồn tại trong cơ thể đến hơn 10 năm mà không có triệu chứng gì cho đến khi ung thư hình thành và tiến triển nặng. Tuy nhiên chỉ một số ít (chưa đến 10%) phụ nữ bị tồn tại HPV dai dẵng, đa số tự sạch vi rút sau nhiều năm.
Nhiễm HPV thường không có triệu chứng, do đó cách duy nhất để phụ nữ biết mình có bị nhiễm vi rút hay không là thông qua xét nghiệm. Trong thực tế, 4 trong số 5 phụ nữ có thể nhiễm HPV tại một thời điểm nào đó trong đời, kể cả khi cô ấy chỉ có một bạn tình.
Kết hợp Pap và xét nghiệm HPV làm tăng khả năng phát hiện các tổn thương tiền ung thư, UTCTC. Phụ nữ trên 30 tuổi được khuyên nên thực hiện (trước 30 tuổi, tỉ lệ hiện diện HPV ở cổ tử cung cao, nhưng đa số lành tính). Nếu cả hai xét nghiệm Pap và HPV có kết quả bình thường, thì sau 5 năm mới cần thực hiện sàng lọc lại.
Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính với HPV cũng không có nghĩa là bạn bị UTCTC mà chỉ có nghĩa là bạn có nguy cơ cao phát triển bệnh. Kết hợp với nhiều yếu tố khác, bác sĩ sẽ có khuyến cáo xét nghiệm sàng lọc lại sau 6 tháng, 1 năm.
Tiêm vắc xin HPV sớm từ tuổi thiếu nữ, là giải pháp ngừa nhiễm HPV tốt, có thể ngừa được 70% khả năng bị ung thư. Vắc xin HPV cũng không chữa khỏi bệnh khi đã bị nhiễm. Do đó ngay cả khi đã tiêm phòng, phụ nữ, những người thường bị các viêm nhiễm phụ khoa, nên sàng lọc UTCTC định kỳ (trong đó có xét nghiệm HPV). Sau 65 tuổi không cần xét nghiệm HPV nữa.
BS ĐOÀN VĂN HẢI