Thứ Tư, 09/10/2024 21:20 CH
Sự cần thiết của xét nghiệm đàm trực tiếp trong chẩn đoán lao phổi
Thứ Sáu, 23/03/2007 08:22 SA

Hiện nay, có nhiều xét nghiệm (XN) cận lâm sàng giúp chẩn đoán bệnh lao với độ chính xác cao như: Nuôi cấy vi khuẩn lao trong môi trường Lowenstein - Jensen, chụp Xquang phổi, XN đàm trực tiếp bằng phương pháp nhuộm Ziehl - Neelsen, soi huỳnh quang… Các XN hiện có những giá trị, thuận lợi và khó khăn khác nhau.

 

070323-xet-nghiem.jpg

Xét nghiệm đàm trực tiếp rất quan trọng trong chẩn đoán lao phổi

Có thể xem phương pháp nuôi cấy vi khuẩn và làm kháng sinh đồ là phương pháp có độ chính xác cao nhất. Vì thế khi nghiên cứu, đánh giá tỷ lệ sai, sót của các phương pháp chẩn đoán lao phổi, người ta thường lấy kết quả nuôi cấy làm chuẩn. Tuy nhiên đây là một phương pháp khó, chỉ thực hiện được ở các cơ sở y tế chuyên sâu, cần có những trang bị và dụng cụ đặc biệt, tốn kém. Hạn chế lớn nhất của phương pháp này là thời gian trả lời kết quả muộn, sau 4 - 6 tuần, không phù hợp với thực tế là phải phát hiện và điều trị sớm cho người bệnh.

 

Khi so sánh kết quả XN giữa kỹ thuật nhuộm Ziehl - Neelsen và kỹ thuật huỳnh quang thì có 90% là cho kết quả phù hợp, chỉ có 10% cho kết quả không phù hợp. Một công trình nghiên cứu khác nhằm so sánh tỷ lệ sai, sót giữa hai kỹ thuật XN trên và lấy kết quả nuôi cấy làm chuẩn, người ta nhận thấy tỷ lệ sai của phương pháp huỳnh quang và phương pháp  Ziehl - Neelsen tương ứng là 33% và 34%. Tỷ lệ sót của 2 phương pháp trên lần lượt là 3,3% và 3,1%. Có thể nói giá trị chẩn đoán của hai phương pháp là như nhau. Điểm thuận lợi nhất của phương pháp soi huỳnh quang là thời gian làm XN nhanh, một kỹ thuật viên trong một ngày có thể đọc được 200 tiêu bản hay nhiều hơn nữa. Trong khi đó, với phương pháp nhuộm Ziehl – Neelsen, mỗi ngày chỉ có thể đọc từ 30 - 40 tiêu bản. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của phương pháp huỳnh quang là giá tiền rất cao cho một bộ kính hiển vi huỳnh quang và việc vận hành, bảo quản trang thiết bị cần có chuyên môn kỹ thuật cao. Vì thế không thể áp dụng phương pháp huỳnh quang rộng rãi cho các cơ sở y tế để XN phát hiện bệnh lao.

 

Chụp Xquang phổi cũng có nhiều giá trị trong chẩn đoán. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của Viện lao quốc gia Ấn Độ và lấy kết quả nuôi cấy làm tiêu chuẩn chẩn đoán lao phổi thì trong tổng số 162 bệnh nhân cấy đàm dương tính có 20 trường hợp không được phát hiện bằng phương pháp Xquang. Như vậy tỷ lệ sót trong chẩn đoán lao bằng phương pháp Xquang là 12%. Tuy nhiên, trong 227 trường hợp được Xquang xếp loại “lao”  thì có đến  85 trường hợp đã được khẳng định là không có lao bằng phương pháp cấy đàm. Như vậy, chẩn đoán lao bằng phương pháp Xquang có tỷ lệ sai cao (37%). Cũng trong nghiên cứu trên, khi chẩn đoán lao bằng phương pháp XN đàm trực tiếp có đến 32 trường hợp bệnh lao (khẳng định bằng phương pháp cấy đàm) không được phát hiện, tỷ lệ sót là 20%, cao hơn chẩn đoán bằng phương pháp Xquang (12%). Tuy nhiên, chỉ có 15 trong tổng số 145 trường hợp XN trực tiếp chẩn đoán là lao, tỷ lệ chẩn đoán sai ở phương pháp XN đàm là 10%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ sai ở phương pháp Xquang là 37%.

 

Tiểu ban về Lao của Tổ chức Y tế thế giới kết luận: Khi điều trị lao chỉ dựa vào Xquang đơn thuần, một tỷ lệ đáng kể bệnh nhân bị điều trị một cách không cần thiết. Nguồn tài nguyên đáng lẽ phải dành trước hết để điều trị những trường hợp lây nhiễm đã bị lãng phí. Tăng thêm công việc vô ích cho các cơ sở điều trị vốn đã thiếu tài chính và thiếu nhân viên, gây cho nhiều bệnh nhân một nguy cơ mất việc làm, phải bỏ nơi mình ở hoặc phải chịu đựng một sự hắt hủi. Do đó việc quan trọng là phải làm chẩn đoán bằng vi trùng học mà chủ yếu là phương pháp XN đàm trực tiếp.

 

Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh rằng: “Trong những ưu tiên hợp lý và hiệu quả, ưu tiên số một là trang bị các phương tiện để đảm bảo XN trực tiếp cho những người có triệu chứng nghi lao tự động đến khám bệnh và đảm bảo việc điều trị đầy đủ cho những người ho khạc ra vi khuẩn”.  Những trường hợp có triệu chứng dai dẳng, hình ảnh tổn thương phổi trên Xquang không rõ ràng nhưng có kết quả XN trực tiếp âm tính, cần điều trị bằng kháng sinh thông thường và theo dõi. Chỉ điều trị lao cho những trường hợp có hình ảnh tổn thương lao trên Xquang nhưng XN đàm âm tính khi thực sự thấy cần thiết và phải có chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.

 

Xét nghiệm đàm trực tiếp trong chẩn đoán lao phổi là rất quan trọng và rất cần thiết. Một điều cần lưu ý là “Không bao giờ chữa người nghi lao mà không xét nghiệm đàm”.

 

   BS HUỲNH PHÚC DƯỠNG

Trạm chuyên khoa Lao Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek