Thứ Năm, 28/11/2024 12:50 CH
Đau nửa đầu
Thứ Hai, 13/01/2014 09:43 SA

Hỏi: Em thường bị chứng đau đầu rất khó chịu, hay đau nửa bên trái, có lúc đau không chịu đựng nổi; để ý thấy thường đau lúc gần đến kỳ kinh. Các bác sĩ đều chẩn đoán là em bị chứng đau nửa đầu, không rõ nguyên nhân nên không điều trị dứt được. Có phải em phải chịu như vậy suốt đời?

LÊ THỊ TRÚC MAI

(phường 9, TP Tuy Hòa)

Trả lời: Đau nửa đầu, tiếng La tinh gọi là Migraine. Đây là một chứng đau đầu đặc biệt với cơn đau thường khu trú ở một nửa đầu; có thể đổi bên hoặc lan tỏa toàn bộ vùng đầu, nhưng cơn đau một nửa đầu vẫn trội hơn. Chẩn đoán bệnh thường dựa vào một vài đặc điểm sau:

- Đau đầu xảy ra từng cơn, giữa các cơn không đau. Vị trí đau thường là vùng trán, thái dương, một bên hay hai bên.

- Đau theo nhịp mạch đập, thường được mô tả là đau giật giật. Đau nhiều sau một mắt hoặc tai. Đau trở nên âm ỉ khắp đầu. Da đầu nhạy cảm ấn rất đau.

- Kèm theo buồn nôn hoặc nôn.

- Trước khi đau đầu có thể có các rối loạn thị giác (ảo giác, nhìn mờ…), rối loạn cảm giác (cảm giác tê rần, kiến bò, tê cứng…) hoặc rối loạn ngôn ngữ.

Tần suất và cường độ đau không giống nhau ở mỗi cơn. Bệnh có thể xảy ra ở tuổi thiếu niên cho đến trưởng thành. Nữ thường bị nhiều hơn nam.

Thống kê cho thấy bệnh có tính di truyền. Các cơn tái phát có thể hàng tuần, hàng tháng; có khuynh hướng thưa dần khi tuổi cao và khi có thai. Ở nữ thường hết khi mãn kinh. Không có tiến triển đến tâm thần. Tuy nhiên, bệnh có thể gây những rối loạn khác, như:

- Trầm cảm, mất ngủ, dễ cáu gắt.

- Đột quỵ: nguy cơ đột quỵ ở người bị chứng đau nửa đầu cao hơn 2 lần so với người bình thường; phụ nữ có dùng thuốc tránh thai, nguy cơ càng cao hơn.

- Suy thoái võng mạc, dẫn đến mất thị lực và thậm chí mù vĩnh viễn.

Đang khi cơn đau, người bệnh thường nhạy cảm với ánh sáng, tiếng động, một số mùi. Giấc ngủ và bóng tối có thể làm dịu cơn đau.

Bệnh có thể được điều trị bằng các thuốc chống đau đầu thông thường như Aspirin, liều có thể cao đến 10-12 viên/ngày, Paracetamol. Thuốc đặc trị thông dụng hiện nay là Tamik, uống có hiệu quả tốt khi mới chớm có cơn đau. Đối với người có cơn tái phát dày cần được điều trị dự phòng bằng thuốc đặc hiệu. Thuốc điều trị ở một người nào đó sau một thời gian có thể không còn tác dụng, cần thay đổi, nên hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa thần kinh.

BS ĐOÀN VĂN HẢI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek