Thứ Năm, 10/10/2024 01:23 SA
Cần sớm có bệnh viện tâm thần ở Phú Yên
Thứ Tư, 14/03/2007 07:30 SA

Ngày càng có nhiều trường hợp bệnh nhân tâm thần phân liệt tái phát, gây nguy hại đến tính mạng con người, gây rối trật tự xã hội. Vì thế, Phú Yên cần sớm có bệnh viện tâm thần để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

 

BI KỊCH TỪ NHỮNG HÀNH VI NGUY HIỂM

 

Tối 28/2/2007, em Trương Đình Phú Quốc (sinh năm 1988 ở tổ 10, khu phố Trần Phú, phường 8, TP Tuy Hoà) dùng dao giết chết bà ngoại. Em là một bệnh nhân tâm thần phân liệt được quản lý điều trị tại trạm y tế phường từ năm 2005. Hàng năm, bệnh diễn biến bất thường, lên cơn là em đánh đập người nhà. Do tỉnh không có bệnh viện để điều trị nội trú, nên gia đình thường chuyển em đến Bệnh viện tâm thần Trung ương II Biên Hoà (BVTTTW2). Bệnh nhân phải đi lại xa xôi, bệnh tái phát bất thường. Hành vi nguy hiểm của Quốc, gia đình không lường trước được.

 

070314-tam-than.jpg

Bệnh nhân tâm thần đến khám tại trạm để nhận thuốc về uống - Ảnh: T.THỦY

 

Cuối năm ngoái, bệnh nhân Nguyễn Xin (thôn Hoà Đa, xã An Mỹ, huyện Tuy An), lấy dao chém vào đầu cha nhiều nhát làm cha chết trong khi chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh.

 

Bệnh nhân Nguyễn Văn Tần (thôn Phước Lương, xã Hoà Xuân Tây, huyện Đông Hoà) được phát bệnh hơn một năm với những biểu hiện rối loạn tâm thần và hành vi như không ngủ, tính khí thất thường, đi lang thang quanh xóm, nói xàm một mình. Gia đình Tần chỉ cúng bái chứ chưa điều trị ở y tế xã. Chiều ngày 2/11/2006, bệnh nhân ăn cơm cùng gia đình, cãi vã rồi đánh mẹ. Sau đó, Tần lấy cây đánh cha gãy tay trái, chấn thương nặng vùng đầu từ thái dương đến xương gò má. Cha bệnh nhân ngất xỉu và đã chết sau 15 phút.

 

Bệnh nhân Lê Xuân Hùng, sinh năm 1975, (ở thôn Thạch Tuân, xã Hoà Xuân Đông, huyện Đông Hoà) bất ngờ dùng rựa giết chết mẹ. Xong, bệnh nhân tắm rửa, thay áo, lên võng nằm đu đưa, thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra! Bác sĩ điều trị Nguyễn Xuân Thạnh (trạm y tế xã Hòa Xuân Đông) tham gia điều trị bệnh nhân Hùng cho biết: “Bệnh tâm thần phân liệt điều trị tại cơ sở không có hiệu quả cao, do thiếu thuốc uống chống tái phát và chống kháng trị. Mặt khác, gia đình không quản lý nổi bệnh nhân”.

 

“Hiện nay, tỉ lệ người  dân bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần trên thế giới là 25%, ở Việt Nam là 15-20%, trong đó có khoảng 2% bệnh nhân nặng cần được chăm sóc chữa trị trường xuyên. Trong số bệnh nhân nặng  đó có khoảng 20-30% cần điều trị chăm sóc  ở các cơ sở nội trú, miễn phí của Nhà nước”.

Người bệnh tâm thần không nhận thức được hành vi của mình và trong nhiều trường hợp, gia đình phải dùng “biện pháp mạnh” để ngăn chặn những hành động nguy hiểm của họ, như gia đình Y Khú (ở thôn 2, xã Sông Hinh). Y Khú phát bệnh năm 2001, được chẩn đoán là tâm thần phân liệt thể Panazoide. Khú không chịu uống đủ thuốc, khi tái phát thường đánh chém người khác, nên bị gia đình dùng xích sắt xích ngoài vườn.

 

Bệnh nhân Võ Thanh Phương (thôn Đồng Phú, Đức Bình Tây) phát bệnh năm 1997 với chứng đau đầu mất ngủ, cáu gắt, đôi lúc hung dữ, kích động, đập phá, đánh người vô cớ. Phương đã điều trị tại Trung tâm y tế huyện  Sông Hinh, BVTT Bình Định nhiều đợt, song thỉnh thoảng tái phát bệnh và có những hành vi nguy hiểm nên gia đình phải xích lại.

 

Được biết, huyện miền núi Sông Hinh hiện có 94 ca tâm thần phân liệt, đa số đều chuyển sang giai đoạn có những hành vi nguy hiểm.

 

BỆNH NẶNG PHẢI ĐIỀU TRỊ NỘI TRÚ BẮT BUỘC

 

Theo bác sĩ Lê Văn Lý, Trưởng Trạm chuyên khoa Tâm thần Phú Yên, bệnh tâm thần phân liệt phát triển theo đà phát triển công nghiệp. Trạm chuyên khoa Tâm thần đang quản lý gần 4.000 bệnh nhân (khoảng 60 – 70% số lượng thực có trong cộng đồng), trong đó, có gần 1800 người bị tâm thần phân liệt. Bản chất của bệnh là tái phát, có thể quản lý tại nhà nhưng không đảm bảo. Khoảng 10% bệnh nhân bắt buộc điều trị nội trú. Hiện nay BVTT các tỉnh Bình Định, Khánh Hoà không thu nhận bệnh nhân ngoài tỉnh vì ở đó đã quá tải.

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, Giám đốc BVTTTW 2 nói: “Bệnh viện chúng tôi có nhiệm vụ khám, điều trị bệnh nhân tâm thần cho toàn khu vực phía Nam, Trong đó có bệnh nhân ở Phú Yên. Bệnh viện chúng tôi đã quá tải lại xa Phú Yên nên rất khó khăn cho gia đình có người bệnh tâm thần muốn đưa người bệnh điều trị nội trú. Phú Yên mới chỉ có Trạm tâm thần, không có cơ sở nội trú cho bệnh nhân tâm thần. Vì vậy, chúng tôi mong UBND tỉnh Phú Yên quan tâm tới vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân địa phương, chỉ đạo các ban ngành liên quan sớm thành lập BVTT và trại nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần của tỉnh”.

 

Theo thông tư hướng dẫn số 13/CTQG ngày 10/8/2006 của Dự án bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng-Bộ Y tế, bệnh nhân tâm thần phân liệt được quản lý và điều trị tại cộng đồng là những bệnh nhân ở tình trạng ổn định, không bị rối loạn hành vi và không có những biểu hiện gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Còn các trường hợp nặng cần được điều trị nội trú tại bệnh viện có giường bệnh và bệnh viện chuyên khoa tâm thần. Vì thế, cần sớm có bệnh viện tâm thần của tỉnh là nguyện vọng chung của nhân dân.

 

THU THỦY

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phụ nữ nên đi bộ sau khi sinh
Thứ Hai, 12/03/2007 07:02 SA
440 tỉ đồng cho phòng chống HIV/AIDS
Thứ Bảy, 10/03/2007 09:00 SA
Xác định được 120 gene ung thư mới
Thứ Bảy, 10/03/2007 09:00 SA
Thuốc mới chữa nghiện rượu
Thứ Sáu, 09/03/2007 08:30 SA
Mệt mỏi - Nguyên nhân và cách phòng tránh
Thứ Năm, 08/03/2007 09:20 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek