Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam hỗ trợ Phú Yên phát triển Hội Y tế thôn bản để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng. Mới đây, Hội Y tế thôn bản Phú Yên tổ chức giao lưu và truyền thông chăm sóc sức khỏe với Hội Người khuyết tật xã Hòa An, Hòa Thắng (Phú Hòa) bằng hình thức mới: Nêu gương điển hình bằng video.
Hội Y tế thôn bản Phú Yên tổ chức truyền thông cho người khuyết tật ở xã Hòa An bằng phương pháp Nêu gương điển hình bằng video - Ảnh: CTV
Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ, thư ký Hội Y tế thôn bản Phú Yên, nói: Qua một thời gian tập huấn, nhân viên y tế thôn bản đã biết cách chụp ảnh, quay phim thực hiện video truyền thông. Hơn ai hết, nhân viên y tế thôn bản nắm bắt những nhu cầu của các đối tượng ở cơ sở, từ đó xây dựng các phương án truyền thông tác động hiệu quả.
Ngoài những phương pháp sáng tạo trước đây như diễn kịch tương tác, ảnh biết nói, múa rối, các thành viên Hội Y tế thôn bản tỉnh đã thực hiện phương pháp làm video tuyên truyền. Bằng phương pháp này, hội tuyên truyền về môi trường ở Đồng Xuân, sốt xuất huyết ở Tuy An và mới đây, hội thực hiện nêu gương điển hình người khuyết tật ở Phú Hòa. Theo chị Lê Thị Dung Thoa, Phó chủ tịch Hội Y tế thôn bản tỉnh, mục đích của hoạt động này là đem lại niềm tin cho người khuyết tật từ gương những người cùng cảnh ngộ có nghị lực vượt khó. Gương điển hình giúp người khuyết tật nhìn lại mình mà dẹp bỏ tự ti, mặc cảm, không xem khiếm khuyết cơ thể là gánh nặng; tự rèn luyện cho mình cách sống độc lập, lạc quan, nâng cao sức khỏe bản thân.
Chương trình được xây dựng là ngày thứ nhất thảo luận với các thành viên hội người khuyết tật tìm vấn đề, làm video, một tuần sau trình chiếu, thảo luận, giao lưu. Thành phần tham gia là đại diện tỉnh hội, chi hội, trung tâm y tế huyện, hội người khuyết tật xã và 30 người khuyết tật của xã. Ngoài các gương của địa phương, chương trình còn trình chiếu một số gương người khuyết tật vượt khó của các tỉnh và nước ngoài. Cùng với đó, nhân viên y tế thôn bản kết hợp hướng dẫn thở bụng dưỡng sinh nâng cao sức khỏe cho người khuyết tật.
Gương Cao Việt Dũng (thôn Phú Ân, Hòa An) được giới thiệu như một điển hình của sự vượt khó. Dũng sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng sau trận sốt bại liệt lúc 1 tuổi, hai chân Dũng bị liệt, teo dần không thể đi lại được. Bản thân Dũng luôn ao ước được đứng dậy và đi như những đứa trẻ bình thường. Nhưng thực tế Dũng phải luôn mang bên mình cây nạng, di chuyển khó khăn. Dù vậy, Dũng luôn nỗ lực để trở thành học sinh khá giỏi của trường, là tấm gương để bạn bè noi theo. Từ nhỏ Dũng luôn đạt thành tích cao trong học tập. Năm 14 tuổi, Dũng đoạt giải cuộc thi sáng tác thơ về chủ đề “Một trái tim một thế giới” do Đài truyền hình NHK của Nhật Bản tổ chức. Kết thúc chương trình phổ thông, Dũng chọn thi ngành công nghệ thông tin vì thấy phù hợp với khả năng. Ngày nhận được giấy báo đậu đại học, Dũng hân hoan vui sướng dù biết những khó khăn đang đợi phía trước. Người bình thường xa gia đình đã khó, với Dũng lại càng khó hơn. Sống xa nhà mọi thứ đều phải tự lập nên Dũng gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, đi lại, vì đôi khi lớp học tận tầng 4-5. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, người thân và nỗ lực của chính mình, Dũng đã vượt qua tất cả. Kết quả của quá trình phấn đấu là Dũng được UBND xã Hòa An nhận vào làm việc. Dũng thấy mình may mắn vì có được công việc ổn định, chia sẻ phần nào gánh nặng cho ba mẹ và xem đó là niềm vui. Ngoài giờ làm, Dũng tham gia những hoạt động từ thiện đem niềm vui đến cho mọi người.
Câu chuyện của Dũng và một số câu chuyện khác được trình chiếu qua video đã làm những người tham dự, đặc biệt là người cùng cảnh ngộ xúc động, thay đổi suy nghĩ của mình để cùng vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Anh Nguyễn Ngọc Oanh, sau khi tham gia chương trình nói: “Đây là một chương trình rất ý nghĩa. Qua video, chúng tôi cảm nhận rõ những người khuyết tật đã nỗ lực vươn lên. Người khuyết tật chúng tôi được hỗ trợ phục hồi chức năng, được hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, nay được xem chương trình này để suy nghĩ, nhìn nhận lại bản thân mà phấn đấu rèn luyện sức khỏe, hòa nhập cộng đồng”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ cho rằng: Điều chúng tôi muốn hướng đến là qua phương pháp truyền thông này, mỗi người khuyết tật phải biết quý trọng sức khỏe mình, rèn luyện vươn lên; không nên ỷ lại sự giúp đỡ của gia đình cũng như trợ cấp lâu dài của xã hội. Bản thân mỗi người khuyết tật hãy học hỏi những người đồng cảnh ngộ mà chúng tôi đã giới thiệu.
VŨ HOÀNG