Thứ Bảy, 21/09/2024 07:07 SA
Sơn Giang ngày mới
Thứ Hai, 30/04/2012 18:00 CH

Chúng tôi về xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) đúng vào dịp cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975-30/4/2012). Tận mắt chứng kiến vùng đất kinh tế mới nghèo khó ngày nào giờ đã và đang thay da đổi thịt mà trong lòng rộn rã niềm vui.

Truong-SG120430.jpg

Trường THCS Sơn Giang đạt chuẩn quốc gia - Ảnh: X.HIẾU

NHỮNG NĂM ĐẦU GIẢI PHÓNG

Sơn Giang nằm bên bờ sông Ba, dọc quốc lộ 29, giáp với xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) cách TP Tuy Hòa khoảng 50km và cách trung tâm thị trấn huyện lỵ Sông Hinh khoảng 10km. Xã có 9 thôn, dân số khoảng 5.000 người với bảy dân tộc anh em, gồm: Kinh (chiếm đa số), Bana, Chăm H’Roi, Nùng, Tày, Dao, Hoa… Toàn xã có diện tích tự nhiên hơn 5.000ha, địa hình đồi núi xen lẫn các thung lũng ven suối, thích hợp với việc trồng cây nông nghiệp, công nghiệp và chăn nuôi bò. Mùa này, dọc hai bên đường và trải dài đến hút tầm nhìn, mía, sắn đang lên xanh tốt. Là xã miền núi nhưng nhịp sống của người dân nơi đây khá sôi nổi.

Dừng chân tại thôn Nam Giang, gặp những người gắn bó lâu năm với vùng đất này, chúng tôi được biết, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, khu vực Sơn Giang bây giờ chỉ có hai thôn: Nhiễu Giang và Hà Giang (thuộc xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa) với vài chục hộ và hơn 130 người dân sinh sống. Đây là một trong những nơi chứng kiến cuộc tháo chạy “chiến lược” của quân lính Cộng hòa miền Nam Việt Nam từ Tây Nguyên xuống Tuy Hòa theo đường 7 (nay là quốc lộ 25), rồi bắc cầu phao qua đường 5 (nay là quốc lộ 29) bị quân chủ lực, bộ đội địa phương, du kích của ta đánh cho tan tác. Ông Trần Đức Hiển (Hội Người cao tuổi xã Sơn Giang) kể: Hồi ấy, muốn qua huyện lỵ Củng Sơn, bà con phải đi bằng đò. Từ thôn này đến thôn kia chỉ có những con đường mòn, vừa hẹp vừa bị cỏ dại che phủ. Bà con chủ yếu trồng lúa rẫy và một vài loại hoa màu đắp đổi qua từng mùa. Tháng 4/1979, Nhà nước có chủ trương đưa dân từ Khánh Hòa ra khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới Nhiễu Giang. Nhưng do không quen với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, lao động nặng nhọc và bệnh sốt rét thường xuyên xảy ra nên nhiều người chỉ trụ được một thời gian ngắn rồi bỏ đi. Năm 1983, xã Sơn Giang được thành lập. Sau đó năm 1985 huyện Sông Hinh ra đời (tách ra từ huyện Sơn Hòa), bao gồm các xã phía bờ nam sông Ba, trong đó có Sơn Giang. Kể từ đây, Sơn Giang bắt đầu thay da, đổi thịt.

KHỞI SẮC TỪNG NGÀY

Sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, Sơn Giang bây giờ đã khác xưa. Chủ tịch UBND xã Sơn Giang Phạm Quốc Thông cho biết, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc, nỗ lực vươn lên của chính mình, thời gian qua được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và các cấp chính quyền, từ nhiều nguồn, nhất là từ các chương trình mục tiêu quốc gia, diện mạo của Sơn Giang đã từng bước thay đổi, đặc biệt là từ khi tái lập tỉnh đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Cũng từng là xã có rất “nhiều không”, nhưng nay thì ngược lại. Điện lưới quốc gia đã phủ kín 9/9 thôn phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất cho hơn 98% số hộ dân. Hệ thống giao thông phát triển khá đồng bộ với 7,5km đường nhựa, gần 4,5km đường bêtông, việc đi lại thuận lợi góp phần khơi dậy tiềm năng thương mại - dịch vụ của xã nông-lâm nghiệp vùng núi. Cùng với chợ cũ (xây dựng từ năm 1994 ở thôn Vạn Giang), Sơn Giang vừa xây dựng chợ mới rộng trên 300m2 ở thôn Nam Giang. Ngoài hàng nông sản do bà con trong vùng sản xuất, tại các chợ này còn bày bán nhiều mặt hàng thiết yếu, đồ điện dân dụng… phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân trong và ngoài xã. Trạm y tế xã có bác sĩ, trang thiết bị là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho gần 5.000 dân. Trường THCS Sơn Giang được thành lập từ năm 1996 là trường đạt chuẩn quốc gia… Từ khi thành lập đến nay, nhà trường luôn là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác giảng dạy ở huyện Sông Hinh. Hằng năm trường đều có học sinh giỏi các cấp, nhiều em thi đậu vào các trường chuyên của tỉnh. Ngoài ra, Sơn Giang còn có 3 trường tiểu học, 3 trường mầm non, đáp ứng nhu cầu học tập của con em bà con cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Nhà sinh hoạt văn hóa thôn Suối Biểu, Bưu điện Văn hóa xã tại thôn Nam Giang… (nằm sát quốc lộ 29) cũng góp phần làm thay đổi diện mạo của xã miền núi này.

Chủ tịch xã Sơn Giang Phạm Quốc Thông, phấn khởi khoe: Năm 2005 thu nhập bình quân của người dân Sơn Giang khoảng 5,5 triệu đồng/người/năm, thì nay đã tăng lên đạt khoảng 13 triệu đồng. Có kết quả này ngoài biết vận dụng và phát huy tiềm năng, thế mạnh hiện có còn phải kể đến sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành về khoa học kỹ thuật, đưa những mô hình hay, cách làm hiệu quả đến với bà con nông dân. Từ đó năng suất cây trồng, vật nuôi tăng lên đáng kể. Về cây lương thực, từ sản xuất một vụ lúa/năm, năng suất chỉ khoảng 3-4 tấn/ha, đến nay, phần lớn diện tích đất trồng lúa của Sơn Giang canh tác hai vụ/năm, năng suất đạt trên dưới 6 tấn/ha. Ngoài ra, thay vì độc canh cây lúa, cây sắn, hay cây mía, nhiều người dân biết dựa vào điều kiện tự nhiên, mạnh dạn áp dụng những thành tựu khoa học, chọn lựa cây con giống thích hợp với từng chân đất, điều kiện thời tiết thích hợp nên cho năng suất, thu nhập cao.

XÂY DỰNG XÃ NÔNG THÔN MỚI

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Giang Lê Ngọc Loan cho biết: Sơn Giang là một trong những xã được tỉnh chọn làm điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Đây vừa là vinh dự, cũng là trách nhiệm nặng nề của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sơn Giang. Cùng với phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Sơn Giang đang tranh thủ sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành trong việc xây dựng các mô hình theo các tiêu chí về nông thôn mới, như: chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cây trồng, vật nuôi; nước sạch, vệ sinh môi trường; xây dựng, lắp đặt hệ thống chiếu sáng; mở lớp phổ biến ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề, vốn vay giải quyết việc làm và hỗ trợ xuất khẩu lao động… Khó khăn nhất hiện nay của Sơn Giang là hệ thống đường giao thông liên thôn trong xã mới chỉ là đường cấp phối, muốn đạt chuẩn phải cần một khoản kinh phí rất lớn. Ðặc biệt, việc thực hiện tiêu chí quy hoạch và thực hiện quy hoạch theo mô hình xã nông thôn mới, như quy hoạch từng vùng phù hợp với sản xuất cây trồng, vật nuôi nhằm khai thác tốt tiềm năng lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ… cũng gặp không ít khó khăn.

Theo Phó trưởng ban Dân vận Huyện ủy Sông Hinh Nguyễn Như Đông, Sơn Giang là xã làm tốt công tác vận động quần chúng, nhất là trong di dời, giải phóng mặt bằng, thực hiện việc học tập và làm theo gương Bác. Cùng với sự quan tâm đầu tư, đôn đốc của huyện, tỉnh, nếu cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể của xã tiếp tục tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, cùng đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới thì Sơn Giang sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.

XUÂN HIẾU – NHƯ NGÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chuyện về chiếc cầu phao bắc qua sông Ba
Chủ Nhật, 01/04/2012 18:00 CH
Ngày ấy bây giờ...
Chủ Nhật, 01/04/2012 07:30 SA
Ấm áp nghĩa tình quê hương Đồng Khởi
Thứ Ba, 20/03/2012 07:45 SA
Ra Hòn Nưa
Chủ Nhật, 04/03/2012 14:00 CH
“Vua” cá ngừ đại dương
Thứ Bảy, 11/02/2012 09:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek