Với biệt danh “Cô giáo của những học sinh khuyết tật”, cô Phạm Thị Thúy Loan, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh đã gửi trao yêu thương và truyền cảm hứng học tập cho nhiều học sinh có hoàn cảnh kém may mắn. Mới đây, cô giáo sinh năm 1987 này được chọn tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024 do Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT và các đơn vị tổ chức.
Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh giao tiếp với học sinh khuyết tật qua sự hỗ trợ của cô giáo Phạm Thị Thúy Loan. Ảnh: HÀ MY |
Mối lương duyên
Chúng tôi ghé thăm Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh, khác hẳn với không khí gió lạnh từ cơn mưa cuối đông là khung cảnh ấm áp, vui vẻ của những đứa trẻ đặc biệt. Trên góc trái của lớp có một cô giáo liên tục giao tiếp với các em nhỏ bằng ngôn ngữ ký hiệu. Đó là cô Loan, người đến với nghề nuôi dạy trẻ khuyết tật như một mối lương duyên.
Cô Loan chia sẻ: Tôi lớn lên ở huyện miền núi Đồng Xuân, năm lớp 5 được gia đình đưa vào thành phố học. Tôi ở nhờ khu nội trú Trường Niềm Vui (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên), nên hằng ngày có cơ hội tiếp xúc với các em khuyết tật, từ đó nảy sinh lòng cảm thông và yêu mến các em.
Sau khi tốt nghiệp đại học, cô Loan về quê giảng dạy tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đồng Xuân. Gần 4 năm sau, cô chuyển công tác về Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên. Về công tác tại trung tâm với nhiều bỡ ngỡ và khó khăn do không được đào tạo về chuyên môn, song với sự hỗ trợ của đồng nghiệp và tự học qua sách vở, cô dần tìm ra phương pháp tốt nhất để dạy trẻ khuyết tật. Ngoài ra, cô còn tham gia lớp bồi dưỡng chuyên ngành Giáo dục đặc biệt để có chuyên môn tốt nhất cho công việc.
5 năm qua, cô Loan cùng tham gia rèn luyện học sinh khuyết tật thi viết chữ đẹp cấp tỉnh đạt 3 giải nhất, 4 giải nhì, 7 giải ba. Cô tổ chức tập luyện và đưa học sinh khuyết tật tham gia Ngày hội trẻ em khuyết tật tại Khánh Hòa đạt 1 giải nhất, 2 giải ba. Trăn trở việc làm cho học sinh khuyết tật sau khi ra trường nên cô Loan đã nghiên cứu, tổ chức hướng nghiệp cho các em các nghề: may, rửa xe máy, nấu ăn và pha chế…
Năm học vừa qua, được sự ủng hộ của lãnh đạo trung tâm, cô và các giáo viên ở trường đã khôi phục Cà phê Niềm Vui, mở spa… cho học sinh câm điếc được trải nghiệm học nghề và thực hành nghề. Ngoài ra, cô còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ xuyên suốt 10 học sinh khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 500.000 đồng/em/tháng từ tháng 5/2023 đến nay; nhận đỡ đầu 1 học sinh khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đến với trẻ bằng tấm lòng và sự đồng cảm
Theo cô Loan, dù chuyên môn giỏi đến đâu nhưng nếu cô giáo đến với trẻ khuyết tật không có lòng nhân ái, không yêu nghề, không chấp nhận khó khăn khi tiếp cận trẻ thì sẽ khó gắn bó được với nghề. Không ít lần cô Loan chứng kiến cảnh các em học sinh khuyết tật la hét và xé sách vở, thậm chí đánh bạn, ném đồ dùng học tập vào người.
Thấu hiểu “thế giới lặng”, sự hung dữ của những đứa trẻ không thể nói, không thể nghe và bày tỏ suy nghĩ của mình, cô Loan không nổi giận mà vẫn dùng ánh mắt dịu dàng và cử chỉ ân cần để cảm hóa trẻ. Cô gần gũi, tìm hiểu và nắm rõ hoàn cảnh từng em; từ đó tìm cách giáo dục và giúp đỡ để trẻ tiến bộ và hòa nhập.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo dục đặc biệt, niềm vui của cô giáo trẻ này là thấy học sinh của mình tiến bộ, dù mỗi sự tiến bộ rất nhỏ. Cô Loan chia sẻ: “Bí quyết để thành công khi dạy trẻ khuyết tật là giáo viên không thể hấp tấp hay rập khuôn, yêu cầu trẻ tiến bộ ngay lập tức, mà cần đồng hành với trẻ, làm bạn cùng phụ huynh. Trẻ phải yêu cô mới chịu hợp tác với cô. Mục đích cuối cùng của giáo viên là giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cuộc sống bình thường”.
Những nỗ lực trong công tác của cô Loan đã được nhiều cấp ngành ghi nhận. Cô được Bộ GD&ĐT, Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam tặng bằng khen. Nhiều năm liền, cô được Sở GD&ĐT tặng giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 4 năm liên tiếp.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên Tô Thị Thu Hằng cho biết: Cô Loan là một giáo viên trẻ yêu nghề, tận tụy với học sinh khuyết tật. Cô chịu khó tìm nhiều phương pháp dạy học phù hợp để giúp học sinh tiến bộ. Ngoài ra, cô rất hăng hái tham gia các hoạt động phong trào, sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ công việc cùng đồng nghiệp, làm tròn nhiệm vụ của một nhà giáo trong ngôi trường giáo dục đặc biệt.
Tôi không mong ước sẽ biến học trò của mình thành thiên tài hay là bác sĩ, y tá… Tôi chỉ mong góp sức giúp các em sau này không phải là gánh nặng của gia đình, xã hội và có cuộc sống bình thường được hòa nhập với cộng đồng.
Cô giáo Phạm Thị Thúy Loan |
HÀ MY