Trong không khí hào hùng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), những cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia chiến dịch Át-lăng năm xưa bồi hồi, xúc động nhớ về một thời trai trẻ hiến dâng, vào sinh ra tử, cùng “chia lửa”, góp sức làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Những lão cựu chiến binh còn sống hôm nay đều đã bước qua hàng “thượng thượng thọ” (ngoài 90 tuổi), nhưng khi nhắc đến chuyện xưa, các cụ trở nên linh hoạt, minh mẫn lạ thường, nhớ từng trận đánh, những đồng chí, đồng đội còn sống và đã hy sinh…
Sáng nay dường như trẻ lại…
Một buổi sáng cuối tháng 4, những lão cựu chiến binh, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 375 năm xưa dậy sớm hơn thường ngày. Các cụ lục lại những kỷ vật chiến tranh, danh sách ban liên lạc, chọn bộ đồ quân nhân… chờ đến giờ gặp mặt. Sáng nay, các cụ có một cuộc hẹn để cùng thăm hỏi sức khỏe, nhắc lại câu chuyện chiến đấu cách đây 70 năm.
Địa điểm được chọn là nhà lão cựu chiến binh Hoàng Kim Giai, trong một con hẻm ở phường 3, TP Tuy Hòa. Thành phần gặp mặt là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 375 tại Phú Yên. Nói mạnh mẽ vậy, nhưng chỉ có 3 lão đồng đội: nguyên Đại đội trưởng Hoàng Kim Giai, cùng 2 chiến sĩ Phan Đắc Tổng (nguyên Giám đốc Công an tỉnh) và Hồ Đắc Thạnh (Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Thuyền trưởng tàu Không số C41 anh hùng).
Cụ Hoàng Kim Giai năm nay đã 97 tuổi, cụ Phan Đắc Tổng và cụ Hồ Đắc Thạnh đều đã bước vào tuổi 91, khi gặp nhau tay bắt mặt mừng, tất cả đều như trẻ lại, nhắc nhớ cười ồ qua những câu chuyện từ 70 năm trước của những anh lính trẻ. Cụ Phan Đắc Tổng mau mắn chào thủ trưởng Hoàng Kim Giai: “Hồi đó, chúng tôi là chiến sĩ mới từ bộ đội địa phương (C389) đôn lên, thủ trưởng Hoàng Kim Giai đã là Trung đội trưởng chính quy của Tiểu đoàn 375. Ông ấy vui tính, đẹp trai, về cơ sở bao cô gái mê, nên mới có thơ vui của chiến sĩ về Trung đội trưởng: “Súng trường là súng giết Tây/ Còn anh súng lục bao vây đầu phồng” (con gái có tóc xoăn, uốn làm đầu phồng lên, là một giá trị đẹp thời đó). Tất cả cười ồ vui vẻ, cùng vỗ tay, cùng hát “Đoàn vệ quốc quân một lòng ra đi…” và rưng rưng siết chặt tay, dặn dò chăm lo sức khỏe, sống vui cùng con cháu!
Trận lập công đầu và trận bắt sống Nguyễn Khánh
Đầu tháng 2/1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch định rút Đại đội 4 (Tiểu đoàn 19), Đại đội 10 (Tiểu đoàn 49) cùng Đại đội 389 địa phương chuẩn bị thành lập Tiểu đoàn 375, tăng cường cho chiến trường Phú Yên. Ngày 25/2, Tiểu đoàn trưởng Phạm Dưng nhận được quyết định thành lập, cấp tốc hành quân từ Quảng Ngãi vào Đồng Xuân (Phú Yên) để hội quân.
Chiều tối 6/3/1954, 2 đại đội của Tiểu đoàn 375 vừa đến Xuân Sơn (huyện Đồng Xuân), chưa kịp liên lạc với Tỉnh đội Phú Yên để bổ sung lực lượng từ Đại đội 389, thì nhận tin trinh sát báo về, ngày 7/3 sẽ có một đoàn xe địch hành quân từ Chí Thạnh lên La Hai. Mặc dù mới hành quân đến nơi, nhưng Tiểu đoàn trưởng Phạm Dưng họp khẩn cấp, lên phương án chiến đấu, tổ chức phục kích quyết tâm tiêu diệt đoàn xe địch lập công đầu tiên mừng tiểu đoàn thành lập.
7 giờ sáng 7/3, sau mấy lần cho máy bay bay dọc đoạn đường hành quân, quan sát thấy không có động tĩnh, 26 chiếc xe GMC chở đầy quân dụng cùng một đại đội lính Âu - Phi hộ tống đã lọt vào trận địa mai phục của ta, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh phát hỏa. Từ trên cao, hàng loạt đạn súng bắn thẳng vào đoàn xe và quân hộ tống. Chỉ 20 phút sau, ta đã tiêu diệt 24 xe và toàn bộ đại đội lính Âu - Phi đi hộ tống, bắt sống tù binh, thu chiến lợi phẩm.
Lão cựu binh Hoàng Kim Giai nhớ lại: Đây là trận đánh mở đầu và cũng là chiến công đầu tiên của Tiểu đoàn 375. Trận này ban đầu tưởng khó khăn, vì tiểu đoàn thiếu quân, lại vừa mới hành quân đến nơi, trong khi lực lượng địch đông, hỏa lực mạnh, phương tiện hiện đại. Tuy nhiên, nhờ dựa vào trận địa phục kích trên cao, khi địch hoàn toàn vào trận địa, hỏa lực ta từ trên áp xuống, chúng không kịp trở tay. Thắng lợi giòn giã này là nguồn động viên khích lệ cho quân dân Phú Yên tiếp tục đánh thắng những trận tiếp theo.
Bị thua đau, địch quyết phục thù. Sáng 10/3, Tiểu đoàn Ngự lâm quân số 1 do Thái tử Bảo Long, con trai vua Bảo Đại chỉ huy, từ Chí Thạnh càn lên xã An Lĩnh nhằm tiêu diệt quân chủ lực của ta, đã bị Tiểu đoàn 375 cùng du kích xã An Lĩnh chặn đánh tiêu hao sinh lực, buộc địch phải rút quân trước thời gian dự định. Đêm hôm đó, khi những tên lính ngự lâm quân chưa kịp hoàn hồn thì bị Tiểu đoàn 375 bồi cho 100 quả đạn súng cối.
Trong ký ức của lão cựu chiến binh Phan Đắc Tổng, ông không thể nào quên “trận 24 và trận 28”. Ngày 24/5, quân Pháp ở TX Tuy Hòa dùng 2 tiểu đoàn cơ động (có yểm trợ phi pháo và đại bác) tổ chức càn quét lên xã Hòa Quang, tập trung ở khu vực Thọ Vức, Cẩm Tú. Tiểu đoàn 375 cùng quân dân du kích xã Hòa Quang, Hòa Trị, Hòa Kiến nhanh chóng bố trí trận địa dọc theo lũy tre làng, bảo đảm bí mật tuyệt đối sẵn sàng chờ giặc. Hai cánh quân địch vừa đến, hỏa lực của ta gầm lên. Chưa đầy 1 giờ, Tiểu đoàn 375 và dân quân du kích đã đánh tan cuộc càn quét, lớp bắt sống, lớp tiêu diệt, thu được nhiều vũ khí đạn dược.
Tiểu đoàn 375 từ ngày thành lập (25/2/1954) trong chiến dịch Át-lăng, đánh tổng cộng 22 trận, trong đó có 4 trận đánh được ghi nhận là trận đánh tiêu biểu trong tổng số 25 trận đánh của LLVT Phú Yên qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ. Tiểu đoàn 375 được khen thưởng 2 Huân chương Quân công hạng nhì, 2 Huân chương Quân công hạng ba. Tiểu đoàn 375 có 135 liệt sĩ, 142 thương binh, 1 trung tướng (Tiêu Văn Mẫn), 1 thiếu tướng (Võ Sở), 3 Anh hùng LLVT nhân dân (Nguyễn Lầu, Tiêu Văn Mẫn, Hồ Đắc Thạnh). |
“Trong trận này, tôi lập được công, kết thúc trận đánh, họp rút kinh nghiệm và được chỉ huy tuyên bố kết nạp Đảng ngay tại chỗ. Dịp 19/5 năm nay, tôi và đồng chí Hồ Đắc Thạnh được trao Huy hiệu Đảng 70 năm”, lão cựu binh Phan Đắc Tổng cười vui nói.
Thua đau, ngày 28/5, Pháp tổ chức trận càn quét quy mô, với lực lượng một trung đoàn, có phi pháo, đại bác yểm trợ, tiến vào thôn Minh Đức và Quan Quang. Chúng chia làm hai cánh: cánh từ TX Tuy Hòa lên Núi Sầm (Hòa Trị) rồi theo mương dẫn thủy đi về phía Quan Quang gặp cánh quân từ Tuy Hòa theo đường xóm Sủng (nay là khu phố Phước Hậu 1, phường 9, TP Tuy Hòa) lên Minh Đức rồi càn vào Cẩm Tú - Thọ Vức.
Hai đại đội của Tiểu đoàn 375 phối hợp với quân dân du kích xã Hòa Kiến triển khai lực lượng bố trí hình vòng cánh cung. Đại đội 1 chủ công ém quân ở vùng Tường Quang, Sơn Triều. Đại đội 3 làm nhiệm vụ vu hồi ém quân ở con suối chân chùa Hang. Địch càn quân giẫm nát cả vùng nhưng không gặp bất cứ một sự kháng cự nào. Đến 15 giờ trên đường về, đến đầu cầu Minh Đức thì bị quân ta chặn đánh, tiêu diệt hàng trăm tên, số bị thương than khóc thảm thiết, số giơ tay đầu hàng chịu bắt làm tù binh - trong số đó có tên Trung đoàn trưởng Nguyễn Khánh, sau này là Quốc Trưởng Việt Nam Cộng hòa. Nhưng vì trời tối và ta sơ hở nên Nguyễn Khánh đã chui vào chuồng bò, trộm quần áo của dân thay hình đổi dạng rồi trốn thoát.
Nhớ trận đánh Cổ Rùa
Những cựu chiến binh Tiểu đoàn 375, nhân chứng sống trong chiến dịch Át-lăng cách đây 70 năm. Từ trái sang: Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh - Hoàng Kim Giai - Phan Đắc Tổng. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Từ Nha Trang (Khánh Hòa), một người con của huyện Đồng Xuân, từng là chiến sĩ Tiểu đoàn 375, lão cựu chiến binh Dương Quang Sen góp vào câu chuyện kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, bằng trận đánh ở núi Cổ Rùa (Chóp Chài), trong chiến dịch Át-lăng tháng 4/1954.
Trong 10 ngày đầu mở màn cuộc hành binh (từ 20/1/1954), quân Pháp tiến quân ì ạch mới tạm thời tập kết quân đến TX Tuy Hòa và vùng ven. Để bảo vệ an toàn, chúng đặt bốt gác trên núi Chóp Chài, với 1 tiểu đội. Với vị trí này, chúng quan sát cả một vùng TX Tuy Hòa và các huyện Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2. Chỉ huy quân Pháp huênh hoang tuyên bố nếu Việt Minh đánh được bốt gác Cổ Rùa (Chóp Chài), bọn chúng sẽ chịu thua.
Thái độ huênh hoang và lời lẽ thách thức càng làm ta quyết tâm bằng mọi giá phải tiêu diệt bốt gác này. Tiểu đoàn trưởng Phạm Dưng cùng ban chỉ huy tiểu đoàn lên phương án và chọn 3 đồng chí có kinh nghiệm thành lập một tổ đặc công, gồm: Hoàng Minh Thuận, Nguyễn Mỹ (nhà thơ - tác giả bài Cuộc chia ly màu đỏ) và Nguyễn Tá, đồng thời quán triệt tinh thần: “Để hoàn thành nhiệm vụ, chúng ta phải có quyết tâm cao. Ngoài ý chí chiến đấu, phải thật thành thạo kỹ chiến thuật, nhất là yếu tố bí mật, bất ngờ. Mỗi đồng chí ngoài tiểu liên đã có, cấp thêm 5kg bộc phá, 2 quả thủ pháo và 3 quả lựu đạn...”.
Tổ đặc công mất 3 đêm vượt đường dốc, gai, đá sỏi, vừa tránh địch phát hiện mới bí mật tiếp cận mục tiêu. Sau khi theo dõi quy luật hoạt động của địch, chờ đêm xuống, 3 chiến sĩ áp sát đặt bộc phá.
23 giờ 30, hành động, điểm hỏa nụ xòe. Một tiếng nổ xé tan màn đêm và đồng loạt cả ba tập trung hỏa lực tấn công bốt gác. Chiến công vang dội đêm 15/4/1954 đã làm nức lòng Nhân dân và LLVT địa phương, vì đã nhổ cái gai trong mắt, như cái tát vào bọn giặc Pháp.
***
Phú Yên cách xa Điện Biên Phủ hàng nghìn cây số, những cựu chiến binh Tiểu đoàn 375 cùng quân và dân tỉnh nhà nhận được điện khen của Đại tướng Tổng Tư lệnh QĐND Võ Nguyên Giáp mà nức lòng, nức mũi. Sau đó, chúng tôi - những chiến binh Tiểu đoàn 375 được nhận huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” mà vinh dự tự hào nhớ về những trận đánh, những chiến công mà đơn vị “chia lửa” cùng Điện Biên.
Anh hùng LLVT nhân dân HỒ ĐẮC THẠNH - DƯƠNG QUANG SEN - TRẦN QUỚI