Rời quân ngũ đã 35 năm nhưng người lính Trường Sa năm ấy chưa bao giờ quên đồng đội. Anh không chỉ nhiệt tình, tâm huyết với các hoạt động của Ban liên lạc truyền thống Bộ đội Trường Sa tỉnh Phú Yên mà còn có tấm lòng với những người từng khoác áo hải quân, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông đầy sóng dữ.
Cựu chiến binh Trường Sa Lê Thành Phương tặng quà cho đồng đội. Ảnh: YÊN LAN |
Anh là cựu chiến binh Lê Thành Phương, Phó ban liên lạc truyền thống Bộ đội Trường Sa tỉnh Phú Yên.
Cùng đồng đội giữ đảo
Tháng 2/1986, anh Phương (SN 1967, quê xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) cùng 2 người bạn rời mái trường Lê Hồng Phong, lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện tại Tiểu đoàn 454 thuộc Vùng 4 Hải quân, anh được chuyển đến Đại đội 3, Tiểu đoàn 862 thuộc Lữ đoàn 146, làm liên lạc. Và sau 9 tháng kể từ ngày nhập ngũ, anh nhận lệnh ra đảo Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa.
Trường Sa Lớn là đảo lớn nhất trong cụm đảo Trường Sa, có diện tích khoảng 0,2km2, cách Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) chừng 254 hải lý.
Thời điểm anh Phương và những người lính trẻ đến đây, đảo chưa có dân cư; điện được phát bằng máy nổ của đơn vị, ưu tiên cho nhiệm vụ thông tin liên lạc. Trên đảo có một giếng nước lợ. Lính hải quân trồng rau, nuôi heo, gà và đan lưới đánh bắt cá để cải thiện bữa ăn. Tưới rau, tắm giặt cũng bằng nước lợ, còn nước ngọt thì dành để uống.
Anh Phương kể: “Mùa mưa, chúng tôi hứng nước mưa và trữ, để dành đến mùa nắng dùng. Vào mùa nắng thường xuyên thiếu nước ngọt. Nhiều khi khát quá, lính đảo uống nước lợ từ giếng”.
Mỗi năm 2 lần, vào mùa nắng và mùa tết, tàu của hải quân từ đất liền ra Trường Sa, mang theo thư và biết bao tình cảm yêu thương từ đất liền, lương thực thực phẩm... Đó thực sự là ngày hội của lính đảo.
Vượt lên những thử thách khó khăn giữa bốn bề mây nước, những người lính hải quân chắc tay súng bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.
Anh Phương là pháo thủ ở Đại đội pháo 85 thuộc Tiểu đoàn Trường Sa Lớn, sau đó được chuyển đến Đại đội Pháo phòng không 37mm rồi về Đại đội 3 xe tăng. Kỷ niệm sâu sắc nhất của anh trong những năm tháng khoác áo hải quân là ngày 7/2/1988 - khi anh cùng 2 đồng chí nhận lệnh tăng cường tham gia chiến dịch bảo vệ chủ quyền.
Anh kể: “Tiểu đoàn trưởng có lệnh phân công trung sĩ Huỳnh Văn Bông ở Hòa Vinh, trung sĩ Nguyễn Văn Bình ở Hòa Thịnh và tôi tham gia chiến dịch bảo vệ chủ quyền. Chúng tôi có 1 tuần huấn luyện và được phát 2 khẩu B41, 1 khẩu M79. Chúng tôi hiểu rằng đây là chuyến công tác đặc biệt và mình có thể hy sinh, nhưng anh em đều sẵn sàng lên tàu làm nhiệm vụ”.
Theo kế hoạch, tàu của hải quân sẽ ghé lại đảo Trường Sa Lớn để đón 3 người lính được tăng cường cho chuyến công tác. Họ đợi tàu với tinh thần sẵn sàng đến bất cứ đâu, làm bất cứ nhiệm vụ nào mà Bộ Tư lệnh Hải quân giao phó. Tuy nhiên, trong tầm mắt họ vẫn chỉ có biển xanh ngắt một màu. Rồi họ được biết rằng, do tình hình khẩn cấp, tàu không đến Trường Sa Lớn.
Anh Lê Thành Phương (bên phải) cùng đồng đội Huỳnh Bá Thoại. Ảnh: YÊN LAN |
Gạc Ma - qua lời kể của người trong cuộc
Theo các tư liệu lịch sử mà TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ có được: Sau khi chiếm giữ trái phép các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven và Xu Bi, nhằm thực hiện ý đồ thôn tính 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, từ đầu tháng 3/1988, Trung Quốc huy động lực lượng của 2 hạm đội tới quần đảo Trường Sa. Từ 9-12 tàu chiến của quân Trung Quốc thường xuyên hoạt động tại đây.
Đêm 13/3/1988, Trung Quốc điều thêm 2 tàu trang bị pháo 100mm đến khu vực đảo Gạc Ma. Khoảng 5 giờ sáng 14/3/1988, chúng xua 40 quân đổ bộ lên đảo và giật cờ Tổ quốc của ta. Đây là lá cờ mà lực lượng chiến đấu từ tàu HQ-604 do đại úy Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng đã cắm vào đêm 13/3/1988 nhằm khẳng định chủ quyền, đồng thời ta triển khai 4 tổ bảo vệ đảo, trong khi công binh đã vận chuyển vật liệu lên đảo để xây dựng công trình phòng thủ rồi rút về tàu HQ-604 (thả neo cách đảo chìm Gạc Ma khoảng 500m). Tàu HQ-505 thì từ đảo Đá Lớn tiến về đảo Cô Lin, tham gia chiến dịch bảo vệ chủ quyền.
Khi quân Trung Quốc hung hăng giật cờ Tổ quốc của ta, thiếu úy Trần Văn Phương lao vào giành lại cờ. Nhận lệnh từ chỉ huy, hơn 10 người lính trên tàu HQ-604 vật lộn với sóng lớn, bơi đến đảo Gạc Ma, quyết giữ cờ, giữ đảo.
Theo lời kể của anh hùng LLVT Nguyễn Văn Lanh, khi đó là trung sĩ, tiểu đội trưởng công binh, lính Trung Quốc lăm lăm súng AK gắn lưỡi lê, ào lên. Những người lính công binh Việt Nam dùng xẻng, xà beng, cuốc chim… chống cự với bọn chúng. Quân Trung Quốc nổ súng. Thiếu úy Trần Văn Phương trúng đạn, hy sinh.
Trung sĩ Nguyễn Văn Lanh tiến lên cắm cờ lại và đánh nhau với chúng. Sau khi đá bay khẩu súng của một tên lính Trung Quốc, anh bị chúng đâm vào bả vai, rồi trúng đạn. Anh đã quấn lá cờ Tổ quốc vào người trước khi ngã xuống...
Tàu HQ-604 bị tàu Trung Quốc nã đạn vào. Con tàu dần chìm vào đại dương, cùng với những người lính hải quân đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Ở hướng đảo Len Đao, cách đảo Gạc Ma hơn 5 hải lý, tàu HQ-605 bị pháo từ tàu Trung Quốc bắn chìm. Trước đó, tàu HQ-605 do đại úy Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng thả neo gần đảo Len Đao và cắm cờ Tổ quốc lên hòn đảo này vào mờ sáng 14/3/1988.
Riêng tàu HQ-505 do thiếu tá Vũ Huy Lễ làm thuyền trưởng đã quay mũi, lao thẳng lên bãi cạn, trở thành công sự kiên cường trấn giữ đảo Cô Lin.
Tin dữ từ Gạc Ma bay về Trường Sa Lớn. Anh Phương và đồng đội bàng hoàng, tiếc thương những người lính hải quân đã kiên cường bảo vệ đảo, mãi mãi nằm lại trong lòng đại dương. Trong 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh trong trận Gạc Ma có 2 người con của Phú Yên là liệt sĩ Trương Văn Thịnh (ở TP Tuy Hòa) và liệt sĩ Phan Tấn Dư (ở huyện Tây Hòa).
Không quên đồng đội
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Phương trở về và tập tành kinh doanh. Chịu khó làm ăn, chắt chiu dành dụm, vợ chồng anh phát triển cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe gắn máy và dầu nhớt Phương Nga ở phường 1 (TP Tuy Hòa). Anh chị có 2 người con, đều đã trưởng thành.
Những năm tháng trong quân ngũ lùi xa, nhưng anh Phương luôn dành tình cảm đặc biệt cho đồng đội. Anh tích cực cùng Ban liên lạc truyền thống Bộ đội Trường Sa tỉnh Phú Yên tổ chức gặp mặt bộ đội Trường Sa vào ngày 14/3 hằng năm.
16 năm qua, hoạt động này không chỉ quy tụ cựu chiến binh Trường Sa ở Phú Yên mà còn kết nối nhiều anh em ở các tỉnh thành trong cả nước. Buổi gặp mặt như nén hương lòng tưởng nhớ 64 người lính hải quân đã dùng máu dựng cột mốc chủ quyền và vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển, đồng thời kết nối đồng đội cũ, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống.
Anh Phương cùng Ban liên lạc có nhiều nghĩa cử thể hiện đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” đối với gia đình liệt sĩ Phan Tấn Dư và liệt sĩ Trương Văn Thịnh, thể hiện tình đồng đội đối với những cựu chiến binh Trường Sa có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm. Anh Phương nói rất giản dị: “Mình đã trải qua những năm tháng trong quân ngũ, chung mâm 6 (mâm cơm có 6 người) với anh em. Mình may mắn trở về và có cuộc sống ổn định nên muốn chia sẻ, động viên anh em những lúc khó khăn”.
Cựu chiến binh Huỳnh Bá Thoại, thành viên Ban liên lạc truyền thống Bộ đội Trường Sa tỉnh Phú Yên cảm nhận: “Anh Phương rất tuyệt vời, không chỉ tâm huyết với các hoạt động của Ban liên lạc mà còn có tấm lòng với anh em đồng đội. Là Phó ban liên lạc và cũng là một mạnh thường quân, hằng năm anh Phương đều dành những phần quà tặng gia đình các liệt sĩ Trường Sa và nhiệt tình giúp đỡ, động viên đồng đội”.
Hơn 30 năm kể từ ngày xuất ngũ, anh Phương mới có dịp trở lại Trường Sa, vào tháng 6/2022. Anh đã thăm và tặng quà cho đơn vị cũ trong niềm xúc động; cùng đồng đội thả vòng hoa tưởng niệm những người lính hải quân đã anh dũng hy sinh trong trận Gạc Ma. Với anh Phương cũng như nhiều cựu chiến binh hải quân, Trường Sa luôn trong tim.
Tôi rất hoan nghênh và vô cùng cảm kích trước tinh thần đồng đội của cựu chiến binh Lê Thành Phương. Phương nghĩ đến đồng chí đồng đội, ủng hộ, hỗ trợ các cuộc gặp mặt, tài trợ tất cả những lần đi thăm gia đình thương binh liệt sĩ và đồng đội ốm đau. Đây là việc mà rất ít người làm được.
Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu Không số |
YÊN LAN